Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 19/05/2024 | 15:53

Chủ nhật, 19/05/2024 | 15:53

Chính sách

Cập nhật lúc 17:20 ngày 30/08/2015

Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020

Ngày 29/01/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 176/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020. Đề án nhằm mục tiêu góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng trên 3,5%/năm; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài.


 

Cụ thể, đến năm 2015, tạo được 4-5 giống cây trồng nông, lâm nghiệp chuyển gen có triển vọng, 2-3 giống thuỷ sản bằng kỹ thuật di truyền có triển vọng; công nhận và đưa vào sản xuất 1-2 giống lai có năng suất cao, chất lượng tốt cho mỗi loại cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản chủ yếu và 1-2 quy trình công nghệ cao mới trong từng lĩnh vực; mỗi tỉnh vùng kinh tế trọng điểm xây dựng được 3-5 doanh nghiệp, 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp; cả nước có 3-5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số vùng sinh thái nông nghiệp; Từng bước sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hàng hoá ứng dụng công nghệ cao, có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 10-15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước.

Đến năm 2020, tạo ra và đưa vào sản xuất 2-3 giống cây trồng chuyển gen, 2-3 giống thuỷ sản bằng kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học; công nhận và đưa vào sản xuất 2-3 giống lai có năng suất cao, chất lượng tốt cho mỗi loại cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản chủ yếu và 2-3 quy trình công nghệ cao mới trong từng lĩnh vực; mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng 7-10 doanh nghiệp, 5-7  vùng sản xuất nông nghiệp và mỗi vùng sinh thái có 1-3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng trên diện rộng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm hàng hoá có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 30-35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước.

Đối với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển vùng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất một hoặc một vài loại sản phẩm nông nghiệp hàng hoá có chất lượng, năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Các giải pháp đưa ra bao gồm: Quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Triển khai các hoạt động nghiên cứu tạo công nghệ cao trong nông nghiệp; Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp; Phát triển thị trường thông tin, dịch vụ hỗ trợ hoạt động công nghệ cao trong nông nghiệp; Hợp tác quốc tế; Nguồn vốn phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; Cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển nghiên cứu tạo công nghệ cao, hỗ trợ đào tạo, thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao, hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ đầu tư phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ông Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ: Khuyến khích sản xuất tập trung qui mô lớn 

Theo tôi mô hình “Liên kết 4 nhà” là một mô hình tốt, mô hình lý tưởng. Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 26/4/2000 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng, chúng ta đã rất kỳ vọng vào việc phát triển mạnh mẽ mối liên kết này. Tuy nhiên trong thực tiễn nhiều năm qua, do cách thức tổ chức sản xuất manh mún của ta nên mô hình này chưa phát triển, vì vậy hiệu quả của nó chưa rõ.


Vai trò của nhà khoa học được coi là then chốt trong mối liên kết. Nhưng trong thực tiễn, nhà khoa học lại thiếu các chính sách hỗ trợ và không được hưởng lợi nhiều trong mối liên kết đó, mà chỉ có nghĩa vụ phục vụ, hoạt động KH&CN trong nông nghiệp mang nặng tính công ích, bao cấp.
Những khó khăn vướng mắc như trên chính là xuất phát từ mô hình sản xuất dựa chủ yếu vào kinh tế hộ nhỏ lẻ, không đủ sức tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh cao. Hay nói cách khác chính là quan hệ sản xuất hiện tại đang lạc hậu nên kìm hãm lực lượng sản xuất.


Như vậy để giải quyết khó khăn, đầu tiên là phải tính lại cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Vấn đề này hiện nay đang được gọi là “tái cấu trúc” hay “tái cơ cấu” ngành nông nghiệp. Tức là phải khuyến khích sản xuất tập trung quy mô lớn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để đảm bảo lợi ích của tất cả các đối tượng tham gia vào chuỗi. Có như vậy thì nhà khoa học mới gắn các hoạt động nghiên cứu của mình với sản xuất, với thị trường, gắn với nhà nông, doanh nghiệp. Sự liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp mới đảm bảo khả năng đầu tư sản xuất hàng hóa quy mô lớn và phát triển ổn định và từ đó sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ hiệu quả hơn.


Còn về hoạt động KH&CN trong mối liên kết này cũng phải hướng trọng tâm vào doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với nông dân và hoạt động KH&CN cũng phải theo nguyên tắc thị trường, tức là nghiên cứu phải đáp ứng cầu của sản xuất, song cũng phải đảm bảo bán được sản phẩm KH&CN để tái đầu tư phát triển KH&CN.

lên đầu trang