Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 13/05/2024 | 17:58

Thứ hai, 13/05/2024 | 17:58

Chính sách

Cập nhật lúc 19:24 ngày 13/08/2015

Bình Dương: Phát triển kinh tế - xã hội gắn với khoa học và công nghệ

Bình Dương là tỉnh đang trên đà phát triển công nghiệp với hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, hiện đại, có nguồn lao động dồi dào, năng động sáng tạo. Thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn từ 2011-2020, trong những năm qua tỉnh Bình Dương đã triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án KH&CN trọng điểm, với định hướng, phát triển kinh tế xã hội gắn với KH&CN.

  

Một góc Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã An Thái

Triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án KH&CN trọng điểm

Thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH&CN trong 3 năm (2011-2013), tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ 14 doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao, cải tiến quy trình kỹ thuật công nghệ, chế tạo trang thiết bị mới để sản xuất sản phẩm mới, xử lý ô nhiễm môi trường trong các ngành chế biến gỗ, thực phẩm, dược phẩm, sơn, chăn nuôi.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngoài các dự án tham gia chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn do Bộ KH&CN chủ trì, Sở KH&CN đã tổ chức nhiều lớp tập huấn và điểm trình diễn chuyển giao tiến bộ KH&CN cho nông dân, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong ngành nông nghiệp. Chương trình phát triển nông thôn mới của tỉnh đã và đang phát huy tác dụng; nhiều chính sách đã khuyến khích phát triển theo hướng công nghệ sinh học kỹ thuật cao xuất hiện nhiều nơi trong tỉnh.

Hướng tới phát triển kinh tế - xã hội gắn với KH&CN

Đến năm 2020, Bình Dương sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn trong vùng; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,1%/năm thời kỳ 2016-2020 tốc độ bình quân 20,0%/năm. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp. Dự kiến đến năm 2020, toàn tỉnh có 35 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 13.764,8 ha. Đến năm 2025 sẽ hình thành và đi vào hoạt động 18 cụm công nghiệp, tổng diện tích các cụm công nghiệp khoảng 1.190,2 ha.

Để đạt được những thành tựu đó, cần thúc đẩy và làm cho KH&CN thực sự là động lực quan trọng nhất để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng, góp phần đưa Bình Dương cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá và tạo ra sự phát triển cân đối, bền vững vào năm 2020.

Tập trung nghiên cứu ứng dụng và đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KH&CN, nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng cho sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Đến năm 2020, thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP), hoạt động KH&CN đóng góp khoảng 35% tăng trưởng kinh tế. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10-15%/năm giai đoạn đến năm 2015 và 20-25%/năm giai đoạn 2016-2020. Giá trị giao dịch của thị trường KH&CN tăng trung bình 15-17%/năm.

Tỉnh sẽ đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ; loại thải dần những công nghệ cũ, lạc hậu; từng bước trang bị mới những công nghệ tiên tiến; đặc biệt trong những ngành sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sạch; công nghệ thân thiện với môi trường đang ở thời kỳ đầu phát triển; ưu tiên công nghệ mới cho những sản phẩm mũi nhọn, sản phẩm xuất khẩu chủ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Triển khai có hiệu quả các đề án, chương trình, dự án KH&CN trọng điểm đã được phê duyệt; Hình thành và phát triển thị trường công nghệ; tổ chức tốt hoạt động tư vấn; dịch vụ chuyển giao công nghệ; tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp lực chọn công nghệ mới tiên tiến, phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp và của tỉnh. Đến năm 2020, thiết lập mạng lưới sàn giao dịch công nghệ của tỉnh liên thông có hiệu quả với các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thực hiện kết nối cung - cầu về sản phẩm KH&CN mới.

Bên cạnh đó cũng đầu tư phát triển các ngành nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương. 

Huy động các nguồn lực thực hiện đổi mới KH&CN

Việc thu hút nguồn vốn cho phát triển KH&CN sẽ được đẩy mạnh thông qua các hình thức thu hút đầu tư trực tiếp, hợp tác, liên kết, liên doanh của các tập đoàn, các công ty lớn, các ngành và các thành phố lớn trong cả nước... Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nhân lực khoa học và công nghệ theo hướng bảo đảm chất lượng, đồng bộ, đủ về số lượng và cơ cấu ngành nghề chuyên môn, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hội nhập quốc tế.

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, mua thiết kế, thuê chuyên gia trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh. Triển khai cơ chế Nhà nước mua kết quả nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp mua công nghệ từ các tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ. Triển khai cơ chế giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; cơ chế phân chia lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả. Bên cạnh đó cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ để thực hiện đổi mới công nghệ

Xây dựng đề án củng cố hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh để làm tốt vai trò cầu nối giữa Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và doanh nghiệp có nhu cầu vốn nhiều để thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ lớn; tăng lượng vốn vay/dự án. Hướng dẫn, khuyến khích thành lập và vận hành Quỹ phát triển của doanh nghiệp. Cụ thể hoá kịp thời các quy định của các Bộ, ngành Trung ương về quản lý và sử dụng quỹ.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng mở rộng hợp tác quốc tế về KH&CN, đa đạng hóa các loại hình hợp tác để tranh thủ tối đa sự chuyển giao công nghệ hiện đại từ đối tác nước ngoài cho phát triển công nghiệp. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, sản xuất sạch hơn, xây dựng phong trào năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Bình Dương chú trọng việc liên kết đào tạo nghề với các cơ sở đào tạo của thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có thế mạnh nhằm gắn công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ nhu cầu của sản xuất và đời sống. Mặt khác, chú trọng hợp tác liên kết để phát triển thị trường KH&CN; Hợp tác liên kết nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Hợp tác liên kết về đổi mới công nghệ; Tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế về KH&CN; Xây dựng chính sách khuyến khích và hợp tác đầu tư vào công nghệ cao cho nông nghiệp, nhằm gia tăng hiệu suất và giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông nghiệp. Nghiên cứu áp dụng mô hình đối tác công tư; khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp tư nhân theo hướng tăng trưởng bền vững.

Ngoài ra, tỉnh sẽ ưu tiên các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện môi trường. Xây dựng cơ chế đặc biệt thu hút các nhà đầu tư, tranh thủ các kênh chuyển giao, hợp tác khoa học công nghệ, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm công nghệ cao. Hình thành một số ngành, sản phẩm, doanh nghiệp công nghệ cao. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ, nhằm tạo ra sản phẩm mới; công nghệ mới, vật liệu mới; đổi mới, cải tiến máy móc thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đưa Bình Dương trở thành tỉnh hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, phát triển kinh tế xã hội gắn với KH&CN.

Hoàng Minh


lên đầu trang