Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 21/05/2024 | 23:37

Thứ ba, 21/05/2024 | 23:37

Tin KHCN

Cập nhật lúc 17:59 ngày 26/04/2021

Quảng Ninh bứt phá trong ứng dụng khoa học công nghệ

Khoa học và công nghệ (KH&CN) luôn được xác định giữ vai trò then chốt trong công cuộc đổi mới ở nước ta, là nguồn lực không thể thiếu trong quá trình công nghiệp hóa và từng bước hội nhập nền kinh tế tri thức. Vì vậy, trong thời gian qua, Quảng Ninh chú trọng đầu tư cho KH&CN tạo nên những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh tham quan Dự án sản xuất tôm giống của Tập đoàn Việt Úc tại Đầm Hà vào tháng 9/2020. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)
Nhiều hoạt động cụ thể
Nhằm cụ thể hóa chủ trương chiến lược về phát triển khoa học công nghệ (KHCN), Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 13/3/2017 “Về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020”. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, đưa việc tổ chức thực hiện Nghị quyết vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác này, thành lập Ban chỉ đạo về phát triển KHCN.

Cơ giới hóa trong khai thác than lò chợ ở Công ty CP Than Hà Lầm
Cụ thể, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động làm việc, kết nối giữa các viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học với các doanh nghiệp để đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương. Các đơn vị còn chủ động đặt hàng nhiệm vụ KH&CN để giải quyết các vấn đề cấp thiết của đơn vị. Nhiều doanh nghiệp liên kết với các tổ chức KH&CN, ứng dụng KHCN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia trong và ngoài nước tham gia trong quá trình tư vấn xây dựng, thẩm định các đề án, dự án lớn, nhiệm vụ KH&CN, thu hút đội ngũ tri thức, giảng viên có trình độ cao về công tác trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã thu hút được 18 tiến sĩ, 7 thạc sĩ về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long.
Các ngành, địa phương, đơn vị còn gắn kết việc ứng dụng KH&CN với các chương trình, nhiệm vụ khác như: Cải cách hành chính, các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, đề án 196... đồng thời huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN để phát  triển kinh tế - xã hội.
Tạo bứt phá nhờ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Chính những chủ trương, chiến lược về KH&CN được đổi mới đã tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các hoạt động KH&CN, đem lại một số kết quả nổi bật. Cụ thể, tỉnh đã xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TX Đông Triều; Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về Thủy sản tại Đầm Hà. Công ty CP Tập đoàn TH True Milk đang thực hiện các thủ tục, hồ sơ để trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết với người dân tại huyện Đầm Hà với quy mô 356ha. 178 sản phẩm trên địa bàn tỉnh thuộc danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 đều được quản lý bằng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Bên cạnh đó, tỉnh và các địa phương tiếp tục duy trì và xây dựng được nhiều thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Đã có gần 540 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng, áp dụng hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến như: ISO, ISO/IEC, 5S, GMP, VietGAP, HACCP...; 55 đơn vị, cơ quan tổ chức thực hiện việc chuyển đổi sang hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015...
Robot trong đóng gói, xếp hàng tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (KCN Cái Lân, TP Hạ Long) Nguồn: Báo Quảng Ninh)
Một trong những kết quả nổi bật của công tác phát triển KHCN trên địa bàn tỉnh chính là xây dựng chính quyền điện tử tỉnh. Đến nay, hạ tầng cốt lõi của Chính quyền điện tử cơ bản đã hoàn thành theo mô hình tập trung, thuận lợi trong quản lý, vận hành. Hiện nay, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên địa bàn tỉnh đạt trên 90% (1.552 TTHC). Hệ thống văn bản điện tử của tỉnh đã được kết nối liên thông 4 cấp với hệ thống của Văn phòng Chính phủ. Tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã quản lý và điều hành, tác nghiệp trên hệ thống phần mềm điện tử. Từ năm 2017 đến năm 2020, Quảng Ninh dẫn đầu toàn quốc về chỉ số PCI, PAR INDEX ...
Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đang thực hiện Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh, trong đó ưu tiên triển khai các lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân như: Giáo dục, y tế, du lịch, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải thông minh và an toàn, xây dựng TP Hạ Long thông minh... Đặc biệt, tháng 8/2019, tỉnh đã chính thức đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thành phố thông minh và đã kết nối với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ. TP Hạ Long làm chủ 4 dự án ứng dụng công nghệ thông minh; TP Móng Cái xây dựng, đưa vào vận hành thí điểm mô hình trung tâm điều hành thông minh; đây là đơn vị cấp huyện đầu tiên của khu vực phía Bắc và là đơn vị thứ 2 trong cả nước khai trương, vận hành thí điểm mô hình Trung tâm điều hành đô thị thông minh.
Có thể thấy, các cơ chế, chính sách đầu tư cho KHCN được tỉnh, các địa phương, các ngành, doanh nghiệp vận hành theo tư duy mới, hiệu lực, hiệu quả; đảm bảo khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động KH&CN. Điều này đã tạo hành lang pháp lý hỗ trợ, khuyến khích và huy động nguồn lực đầu tư thúc đẩy hoạt động sáng tạo của các tập thể, cá nhân.
Với tổng ngân sách đầu tư cho KHCN và CNTT khoảng 2.216,6 tỷ đồng, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ cho hơn 270 lượt tổ chức, cá nhân trong hoạt động KH&CN, hỗ trợ đăng ký sáng chế và giải pháp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, tập trung cho việc xây dựng hình ảnh, quảng bá hình ảnh sản phẩm của đơn vị thông qua chương trình OCOP...
Từ những thành công bước đầu nhờ ứng dụng KHCN, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát triển và ứng dụng mạnh mẽ KH&CN, đổi mới sáng tạo để trở thành động lực then chốt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
 Hương Linh 

lên đầu trang