Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 13/05/2024 | 11:07

Thứ hai, 13/05/2024 | 11:07

Chính sách

Cập nhật lúc 08:21 ngày 23/06/2021

Tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xem là khâu đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Để làm được điều này, bên cạnh các nhiệm vụ cần triển khai quyết liệt, thì việc xây dựng cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá là một đòi hỏi cấp thiết để thúc đẩy khoa học, công nghệ phát triển.
Sản xuất, ứng dụng công nghệ cao tiếp tục là xu thế phát triển của nông nghiệp Thủ đô trong thời gian tới. Trong ảnh: Khách tham quan một gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, tháng 4-2021.
Nhiều khó khăn, bất cập 
Trong thời gian qua, khoa học, công nghệ ngày càng khẳng định vị thế và đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Khoa học và Công nghệ còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, hạn chế từ các cơ chế, chính sách.
Dẫn chứng về điều này, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, nhiều tiềm lực khoa học, công nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa được khai thác, đưa vào sử dụng hiệu quả, vì thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển đồng bộ. Còn theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh Hoàng Bá Nam, trong công tác quản lý khoa học tại Việt Nam vẫn còn tư tưởng chống thất thoát, không tin vào các nhà khoa học, chưa có suy nghĩ chấp nhận rủi ro... Vì vậy cần có cơ chế vượt trội cho khoa học công nghệ, trong đó bao gồm cả vấn đề về thuế và cơ chế hạch toán doanh nghiệp thì mới tạo ra bước đột phá.
Trong khi đó, Tiến sĩ Trịnh Quang Thoại, Viện Kinh tế và phát triển, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng đồng thời 2 tiêu chí là được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chưa được hưởng hỗ trợ từ các chính sách khác, mới được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn. Ngoài ra, tài sản được thế chấp vẫn giới hạn là quyền sử dụng đất, không tính đến tài sản gắn liền với đất; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với quyền sở hữu tài sản trên đất quá chậm... Đây là những “rào cản” khi thu hút các doanh nghiệp khoa học, công nghệ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.  
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, việc quy định doanh nghiệp khoa học, công nghệ phải đáp ứng điều kiện có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học, công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu làm hạn chế doanh nghiệp có tiềm năng để có thể trở thành doanh nghiệp khoa học, công nghệ. Bên cạnh đó, các kết quả khoa học, công nghệ sử dụng vốn nhà nước, trong quy định về thủ tục giao quyền còn chưa rõ ràng và cụ thể, tốn nhiều thời gian và chi phí định giá...
"Nếu không tập trung xây dựng cơ chế vượt trội, đột phá để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, đóng góp thiết thực vào kinh tế - xã hội, thì rất khó đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển và thu nhập cao", Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nói.
Sớm tháo gỡ những rào cản, vướng mắc
Để các hoạt động khoa học, công nghệ đóng góp ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn vào phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030”. Ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ), Tổ trưởng Tổ biên tập chiến lược cho biết, chiến lược sẽ nhấn mạnh đến việc tháo gỡ các rào cản, vướng mắc từ các cơ chế, chính sách kinh tế, đầu tư, thương mại, mua sắm công.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Khoa học và Công nghệ), tập trung tháo gỡ được những rào cản, vướng mắc trong cơ chế tài chính, chính sách kinh tế, sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động phát triển, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới quy trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ...
Đề cập đến việc xây dựng các cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù của Thủ đô, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn thông tin, Hà Nội đang tập trung xây dựng, trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, triển khai một số mô hình kinh tế mới, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo... Đây là những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô đến năm 2025 trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, các đơn vị chức năng của Bộ đang xây dựng cơ chế thí điểm khoán đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước trên nguyên tắc tôn trọng đặc thù của hoạt động nghiên cứu, chấp nhận rủi ro. Bộ đang tìm giải pháp hiệu quả nhất để khoa học thực sự trở thành động lực, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và xã hội.
Theo: Báo Hà Nội mới

lên đầu trang