Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 08/05/2024 | 15:54

Thứ tư, 08/05/2024 | 15:54

Tin KHCN

Cập nhật lúc 14:11 ngày 01/07/2013

Hoạt động nghiên cứu KH tại Viện Dầu khí Việt Nam

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nêu rõ: “Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức; Tập trung giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỉ lệ hộ nghèo; cải thiện điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân…; Bảo vệ môi trường, chủ động phòng tránh thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu”. Như vậy, phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt và có liên quan mật thiết với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, của người lao động nói chung.

 

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm cơ sở vật chất của Viện Dầu khí Việt Nam 

Ngành Dầu khí Việt Nam đến nay đã có đội ngũ công nhân lành nghề và đã đáp ứng được các yêu cầu cơ bản. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã đề ra các giải pháp chủ yếu nhằm phát triển sản xuất - kinh doanh giai đoạn 2011-2015, trong đó tập trung thực hiện ba giải pháp đột phá về nhân lực, khoa học công nghệ và quản lý. Đây là chủ trương nhằm đưa ngành Dầu khí Việt Nam tăng tốc phát triển, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Viện Dầu khí Việt Nam là đơn vị nghiên cứu khoa học từ khâu thăm dò, khai thác đến chế biến dầu khí. Vì vậy, viêc xây dựng một đơn vị nghiên cứu của ngành Dầu khí có tầm quan trọng đặc biệt.

Một số điểm cần quan tâm

- Xây dựng, phát triển Viện Dầu khí Việt Nam thành một viện nghiên cứu khoa học công nghệ của riêng ngành Dầu khí ở tầm khu vực, quốc tế với những nghiên cứu thực sự có chất lượng;

- Mời gọi những nghiên cứu viên có trình độ, có năng lực chuyên môn cao, có uy tín và tăng cường hợp tác về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực dầu khí với tổ chức/đơn vị trong và ngoài nước. Mời hoặc cần có sự có mặt của những nghiên cứu viên hàng đầu về dầu khí nhằm nhập thụ kiến thức và tăng cường tầm cao của Viện Dầu khí Việt Nam và dần nâng cấp năng lực của Viện, thu hút cũng như tăng số lượng nghiên cứu viên cao cấp, giáo sư, tiến sỹ của Viện. Tham gia các dự án nghiên cứu và hội thảo quốc tế sẽ tăng mối hợp tác nghiên cứu với các nơi khác nhau trên thế giới. Tăng cường các hoạt động giao lưu khoa học giúp cán bộ làm nghiên cứu học tập, cập nhật thông tin, định hướng nghiên cứu, đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp, phong cách làm việc hiệu quả;

- Tăng cường đầu tư có trọng điểm cho khoa học và công nghệ. Đầu tư thích đáng cho nghiên cứu cơ bản và một số chương trình nghiên cứu dài hạn mang tính chiến lược (tư vấn dự án, tư vấn vận hành, năng lượng thay thế, chống ăn mòn, phụ gia và hóa phẩm mới...). Nghiên cứu cơ bản phải gắn liền với nghiên cứu ứng dụng, trong đó ưu tiên nghiên cứu để giải quyết các vấn đề cấp bách đặt ra trong từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Tập đoàn;

- Gắn khoa học và công nghệ với an ninh năng lượng và phát triển bền vững;

- Thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của Tập đoàn và tại các tổng công ty/đơn vị thành viên;

- Ngân sách hàng năm giành cho nghiên cứu phát triển tối thiểu bằng 2% tổng chi phí sản xuất kinh doanh (của Tập đoàn/đơn vị);

- Định hướng các loại hình và nội dung nghiên cứu bao gồm: Về nghiên cứu cơ bản cần bám sát các định hướng chiến lược của Tập đoàn và Nhà nước để đề xuất các chương trình nghiên cứu dài hạn. Các đề tài nghiên cứu cơ bản đúng định hướng cần tập trung thực hiện kịp thời. Về nghiên cứu ứng dụng, cần bám sát thực tế các đơn vị sản xuất để giải quyết vần đề cụ thể. Tăng cường ký kết các hợp đồng nghiên cứu khoa học trực tiếp với các đơn vị sản xuất kinh doanh trong Tập đoàn.

Một số giải pháp

1. Gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên cứu với triển khai ứng dụng vào thực tiễn. Đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ, đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào ngành công nghiệp dầu khí.Xu hướng mới của khoa học và công nghệ là liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh; Khuyến khích sự hợp tác giữa các đơn vị thành viên với các Viện trong, ngoài nước cũng như các cơ quan giáo dục bậc cao;

2. Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học.

Tuyển dụng, đào tạo và sử dụng cán bộ khoa học và công nghệ phù hợp nhất cho mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ;

Lập phương án thuê chuyên gia, các nhà quản lý khoa học có kinh nghiệm của nước ngoài tham gia quản lý và nghiên cứu khoa học.

Đầu tư các thiết bị NCKH đến năm 2025 từ thăm dò khai thác đến chế biến dầu khí.

3. Thực hiện đào tạo, phát triển đội ngũ nghiên cứu viên khoa học và công nghệ

Người làm nghiên cứu khoa học được tôn trọng và được quyền chọn lĩnh vực và đề tài, tạo môi trường nghiên cứu thực sự để phát huy tính sáng tạo khả năng của mỗi cá nhân, đảm bảo những dịch vụ cơ bản cho những nghiên cứu viên nước ngoài được mời.

Giữa Trường Đại học Dầu khí, Viện Dầu khí Việt Nam khi hoạt động có sự tương tác trong nghiên cứu và giáo dục vì sẽ kích thích cả nghiên cứu viên và sinh viên.

Xây dựng đội ngũ cán bộ NCKH, con người tương xứng với tổ chức để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển cả trước mắt và lâu dài là đòi hỏi cấp bách và lâu dài. Nâng cao tính tự giác, vai trò cá nhân, tính sáng tạo của những người làm công tác nghiên cứu khoa học; coi trọng vai trò cá nhân của người làm công tác khoa học và công nghệ. Tuyển chọn và sắp xếp công việc; chọn các nhà khoa học có uy tín làm lãnh đạo hoặc cán bộ nghiên cứu tham gia bầu lãnh đạo; tin tưởng, khuyến khích, nâng đỡ, đãi ngộ tương xứng các cán bộ trẻ, năng động, sáng tạo, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát huy vai trò cá nhân của họ, giúp cho các cán bộ NCKH trẻ trở thành nhân tài một cách vững chắc nhất.

4. Thực hiện nhất quán trong ngành trong việc xây dựng tầm nhìn, xác định công nghệ then chốt, lộ trình công nghệ, trong đó chú trọng nhu cầu của thị trường, năng lực khoa học và công nghệ và các yếu tố khác để hiện thực hóa các công nghệ then chốt được lựa chọn.

 Cụ thể hơn đây chính là việc áp dụng chính sách “lựa chọn và tập trung và các hướng ưu tiên, các sản phẩm điển hình/đặc trưng - là thế mạnh của từng đơn vị”.

Mỗi thương hiệu phải gắn liền với một hay vài loại sản phẩm điển hình, dịch vụ điển hình. Cách chọn hướng nghiên cứu dựa trên nguyên tắc: i) Đó là các hướng nghiên cứu mũi nhọn, đang được thế giới quan tâm, phù hợp với chiến lược phát triển của ngành; ii) Điều kiện máy móc, con người và thế mạnh của đơn vị; iii) Dám chấp nhận sự thách thức, mạo hiểm.

5. Xây dựng và áp dụng các chính sách ưu tiên phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ và nhất quán trong ngành.

Chính sách đào tạo nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ. Tập trung đào tạo cán bộ đầu ngành/chuyên gia khoa học và công nghệ;

Chính sách thu hút cán bộ khoa học và công nghệ giỏi về làm việc cho ngành dầu khí, chú trọng  trong đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ;

Chính sách đãi ngộ xứng đáng để tránh chảy máu chất xám, xây dựng và phát triển đội ngũ khoa học và công nghệ nòng cốt;

Cơ chế/chính sách quản lý công tác nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ của Tập đoàn và các đơn vị;

Cơ chế/chính sách tài chính giành nguồn lực thích đáng đầu tư cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ và ngân sách hàng năm cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng và đổi mới công nghệ;

Chế tài về trách nhiệm của các đơn vị sản xuất kinh doanh trong việc đổi mới công nghệ, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ.

6. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ

Tăng cường tự chủ về các mặt: tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, quản lý tài chính và quản lý nguồn lực;

Hạn chế hành chính hóa, quan liêu hóa quá trình triển khai và thực hiện nghiên cứu khoa học;

Đổi mới cơ chế quản lý và đặt hàng cho khối nghiên cứu khoa học công nghệ;

Đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong các đơn vị thành viên: các đơn vị trong Tập đoàn cần phải có bộ phận chuyên trách công tác nghiên cứu phát triển: quản lý hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới, ứng dụng khoa học và công nghệ;

Ban hành các chính sách tài chính/tín dụng tạo thuận lợi cho hoạt động đổi mới công nghệ của các đơn vị sản xuất kinh doanh trong Tập đoàn, đưa các đơn vị này trở thành chủ thể của đổi mới công nghệ;

Cơ chế tiền lương - động lực thúc đẩy tính năng động của các nhà khoa học là phương thức hợp đồng NCKH (trong đó, chế độ lương, thưởng cho cán bộ nghiên cứu phải đảm bảo được mặt bằng thu nhập chung trong Ngành). Phương thức này góp phần tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh trên thị trường khoa học.

 

Tại Viện Dầu khí Việt Nam hiện nay, người lao động cũng là đoàn viên công đoàn hầu hết là những người làm nghiên cứu khoa học đã đóng góp cho công tác nghiên cứu khoa học của Viện nói riêng và của Tập đoàn nói chung. Đó là những người lao động trí óc, cần có trình độ chuyên môn, cần phải được tuyển dụng, đào tạo bài bản để đáp ứng được yêu cầu làm công tác nghiên cứu khoa học. Sự quan tâm về mọi mặt của Tập đoàn và Công đoàn sẽ tạo điều kiện cho người lao động của Viện làm tốt hơn công tác nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.


Phạm Văn Khang

 

Viện Dầu khí Việt Nam

lên đầu trang