Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 20:19

Chủ nhật, 28/04/2024 | 20:19

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 14:34 ngày 01/09/2021

Chuyển đổi số tại EVNNPT: Tiến trình phát triển và những thách thức

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đặt mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong công tác giám sát tiến độ và chất lượng dự án, đồng thời đẩy mạnh việc đấu thầu qua mạng, nhật ký điện tử, chữ ký số trong thẩm định các bước của quá trình đầu tư. Mục tiêu năm 2021 quản lý trên phần mềm toàn bộ vật tư trong quá trình đầu tư xây dựng và năm 2022 toàn bộ vật tư được số hóa, quản lý, theo dõi, cập nhật trên phần mềm.
Dưới đây, chuyên gia Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ đề cập những nội dung định hướng cơ bản, mục tiêu cụ thể và kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực của EVNNPT.
I. Tổng quan:
1. Xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam:
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ- TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", trong đó Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã từng bước đi vào đời sống và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Chính phủ đã xác định chuyển đổi số là một xu thế tất yếu và cũng chính là một cơ hội thuận lợi để Việt Nam bứt phá, phát triển toàn diện trong cuộc CMCN 4.0. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã hướng tới Việt Nam thành một quốc gia chuyển đổi số thông minh, trong đó quốc gia số có 3 trụ cột: (i) Chính phủ số; (ii) Kinh tế số và (iii) Xã hội số. Vai trò của Chính phủ số là nhân tố quan trọng "đầu tàu của đoàn tàu chuyển đổi số".
Đối với doanh nghiệp, những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian ngắn hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên v.v… giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.
2. Xu hướng chuyển đổi số của ngành điện lực:
Theo diễn đàn kinh tế thế giới phối hợp với Accenture về Sáng kiến chuyển đổi số trong lĩnh vực điện lực đánh giá: Ngành điện có đủ điều kiện để thực hiện chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới, các lĩnh vực có thể tập trung chuyển đổi số gồm:
- Quản lý tài sản: Bảo trì theo thời gian thực, được điều khiển từ xa, hoặc dự đoán sẽ kéo dài vòng đời, hiệu quả hoạt động của các tài sản và cơ sở hạ tầng phát điện, truyền tải, hoặc phân phối. Các sáng kiến chính là: (i) Quản lý hiệu suất tài sản; (ii) Công nhân hiện trường kỹ thuật số và (ii) Lập kế hoạch quản lý tài sản thông minh.
- Tối ưu hóa lưới điện: Có thể tối ưu hóa lưới thông qua các nền tảng Energy Aggregation Platforms, Real - Time Supply and Demand Platforms, điều khiển theo thời gian thực và thiết bị được kết nối, tương tác với người vận hành.
- Dịch vụ khách hàng tích hợp: Các sản phẩm và dịch vụ được hỗ trợ kỹ thuật số liên quan đến quản lý năng lượng có thể tạo thành một dịch vụ khách hàng tích hợp. Các nội dung chuyển đổi số chính gồm: (i) Tích hợp lưu trữ năng lượng; (ii) Mô hình quản lý khách hàng số, các giải pháp tích hợp năng lượng và (iii) Quản lý năng lượng.
Ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực điện đã được nhiều hãng như: ABB, Siemens, GE (Giải pháp GE Predix Platform) và SAP phát triển. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (Cloud computing) được ứng dụng trong dự báo phụ tải, hỗ trợ vận hành tối ưu hệ thống khi có sự tham gia của các nguồn năng lượng mới, phân tích chẩn đoán và cảnh báo sớm trong sửa chữa, vận hành và khai thác tối ưu hiệu suất thiết bị, phân tích hành vi và trợ lý ảo chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, các công cụ phân tích hiện đại hỗ trợ các chuyên gia, nhà quản lý các thông tin để ra quyết định.
3. Xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền tải điện:
Như đã nêu, cốt lõi của cuộc CMCN 4.0 chính là chuyển đổi số với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Để thích ứng với xu hướng của CMCN 4.0, EVNNPT đã ban hành Chiến lược phát triển, trong đó xác định một trong số các quan điểm phát triển là đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc CMCN 4.0 trong tất cả các lĩnh vực; đồng thời ban hành kế hoạch chuyển đổi số trong EVNNPT giai đoạn 2021 - 2025.
Với kỳ vọng chuyển đổi số sẽ thực sự tạo ra được sự bứt phá trong giai đoạn đến năm 2025, EVNNPT đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số toàn diện trong mọi lĩnh vực để tạo bứt phá, nâng cao năng suất lao động và năng lực quản trị trong điều kiện hệ thống truyền tải Việt Nam hiện trở thành hệ thống truyền tải có quy mô lớn thứ 2 khu vực ASEAN, đứng thứ 23 trên thế giới và đang lớn mạnh không ngừng.
Mục tiêu kế hoạch chuyển đổi số trong EVNNPT được trải rộng trên toàn bộ các lĩnh vực từ sản xuất, vận hành lưới điện, đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải đến quản trị nội bộ và nền tảng số. Mục tiêu tổng quát là hướng đến các hoạt động của EVNNPT và EVN được số hóa, các hoạt động được tăng cường tự động hoá và ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao: (i) Hiệu quả truyền tải điện năng; (ii) Chất lượng vận hành; (iii) Năng suất lao động và (iv) Năng lực quản trị để EVNNPT cùng EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2030.
II. Những mục tiêu và nội dung cơ bản chuyển đổi số trong lĩnh vực đầu tư xây dựng:
Mục tiêu cụ thể 2021 - 2025: EVNNPT đặt mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong công tác giám sát tiến độ và chất lượng dự án, đồng thời đẩy mạnh việc đấu thầu qua mạng, nhật ký điện tử, chữ ký số trong thẩm định các bước của quá trình đầu tư. Mục tiêu năm 2021 là quản lý trên phần mềm toàn bộ vật tư trong quá trình đầu tư xây dựng và năm 2022 toàn bộ vật tư được số hóa, quản lý, theo dõi, cập nhật trên phần mềm.
EVNNPT cũng từng bước ứng dụng công nghệ mới để thông minh hóa công tác đầu tư xây dựng, bao gồm ứng dụng AI trong giám sát thi công; ứng dụng BIM trong công tác khảo sát thiết kế; ứng dụng GIS trong thiết kế, quản lý tiến độ…
Lựa chọn tuyến và xác định các vị trí cột trên hệ thống GIS trong công tác khảo sát thiết kế đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân.
Song song với ứng dụng công nghệ trong công tác đầu tư xây dựng, EVNNPT cũng đồng thời hoàn thiện dữ liệu của công tác đầu tư xây dựng như cơ sở dữ liệu giá vật tư, hồ sơ điện tử, bộ mã vật tư. Cụ thể:
1. Đến năm 2022:
- 100% số lượng các gói thầu thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi được tổ chức đấu thầu qua mạng khi hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
- 100% dữ liệu thực hiện của nhà thầu được đánh giá, chấm điểm, chia sẻ trong toàn EVNNPT đối với giai đoạn cam kết hoàn thành và vào vận hành.
- 100% ứng dụng nhật ký điện tử công trình và áp dụng chữ ký số trong công tác quản lý dự án.
- Ít nhất 20% các dự án lưới điện từ 220 kV trở lên được áp dụng công nghệ AI trong phân tích hình ảnh để đánh giá chất lượng trong các bước thi công; 70% dự án lưới điện truyền tải được áp dụng phần mềm quản lý tiến độ tiên tiến thực hiện theo các đầu mục chính.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) giá các vật tư thiết bị mua sắm cho đầu tư xây dựng (ĐTXD): Có ít nhất 50% các vật tư thiết bị được đưa vào quản lý.
- Ứng dụng số hóa công tác quản lý mua sắm thiết bị cho dự án, từ khâu chế tạo đến khâu lắp ráp, áp dụng hệ thống QR Code cho từng loại vật tư, thiết bị.
- Triển khai hệ thống giám sát bằng camera đối với nhân lực trên công trường và trang thiết bị của nhà thầu ra vào tại công trường. Trong đó, thực hiện áp dụng công nghệ nhận dạng hình ảnh và AI để phân tích, đánh giá việc tuân thủ của nhà thầu theo hợp đồng.
- Tối thiểu 80% hồ sơ dự án công trình điện xây dựng mới được quản lý dưới dạng hồ sơ điện tử; 100% dữ liệu tài sản hình thành trong quá trình đầu tư được cập nhật đầy đủ lên phần mềm Đầu tư xây dựng (IMIS); Báo cáo tiến độ ĐTXD các dự án theo thời gian thực.
- Nâng cấp phần mềm IMIS 2.0: Áp dụng công nghệ AI nhận diện khuôn mặt trong công tác giám sát thi công, ứng dụng nhật ký điện tử, áp dụng toàn diện chữ ký số nội bộ và các yêu cầu chuyển đổi số khác trong công tác ĐTXD theo kế hoạch của EVN.
- Ứng dụng công nghệ mới cho ít nhất 1 dự án ĐTXD trong công tác khảo sát thiết kế. Ứng dụng các công nghệ mới trong khảo sát 3D, sử dụng chụp ảnh độ phân giải cao (HD) và quét bằng laser 3D, sử dụng các phương tiện bay không người lái khác (UAV- unmanned aerial vehicle). Triển khai đề án ứng dụng thiết kế mô hình thông tin công trình BIM (Building Information Modeling) trong các dự án ĐTXD lưới điện truyền tải 500 kV, 220 kV.
Kiểm tra giám sát online đường dây 500 kV mạch 3 tại thực địa.
2. Đến năm 2025:
- Ứng dụng công nghệ AI trong:
(i) Thực hiện đánh giá, chấm điểm tự động 100% nhà thầu trong công tác đấu thầu.
(ii) Thực hiện giám sát, quản lý bằng hệ thống camera 100% các dự án trạm 500 kV. Trong đó, tập trung giám sát chất lượng thi công của nhà thầu, cũng như an toàn lao động trên công trường.
(iii) Giám sát an toàn lao động, đánh giá việc tuân thủ của nhà thầu.
(iv) Phân tích hình ảnh để nhận diện hình ảnh trong các bước thi công, mục tiêu là ứng dụng công nghệ này tại 100% các dự án.
- 100% các vật tư thiết bị mua sắm cho dự án được quản lý trong CSDL giá toàn EVNNPT; vật tư được số hóa, quản lý, theo dõi, cập nhật trên phần mềm. 100% các dự án lưới điện ứng dụng QR Code để quản lý vật tư, thiết bị.
- 100% các dự án trạm 500 kV được giám sát, quản lý bằng hệ thống camera.
- Mở rộng ứng dụng công nghệ mới trong khâu khảo sát, thiết kế cho các dự án lưới điện 220 kV trở lên.
Phòng Điều khiển Trạm biến áp 220 kV Thuỷ Nguyên - TBA số đầu tiên trên lưới điện truyền tải hoàn thành xây dựng vào vận hành 12/2020. Đây là một trong các TBA số với quy mô lớn nhất tại châu Á (tính đến thời điểm hiện tại).
III. Những mục tiêu và nội dung cơ bản chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý vận hành lưới truyền tải điện:
EVNNPT đặt mục tiêu năm 2021 hoàn thành cơ bản công tác số hóa hồ sơ quản lý, hồ sơ và dữ liệu các phần tử chính trên lưới truyền tải điện. Năm 2022 hoàn thành số hóa hồ sơ dữ liệu toàn EVNNPT. Đến năm 2025 dữ liệu quản lý vận hành lưới truyền tải điện có khả năng chia sẻ, liên kết và được ứng dụng công nghệ số trong phân tích, dự báo, báo cáo tổng hợp.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, công nghệ thông minh, thiết bị không người lái trong chuyển đổi quy trình nghiệp vụ trong lĩnh vực kỹ thuật như quản lý công tác thí nghiệm, quản lý kiểm tra đường dây, quản lý kiểm tra trạm biến áp, sửa chữa bảo dưỡng...
Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến để phân tích, dự báo, chuẩn đoán, trợ giúp quyết định góp phần thông minh hóa quy trình nghiệp vụ. Trong đó, tập trung vào công tác phát hiện khiếm khuyết đường dây và đánh giá chỉ số sức khỏe tài sản tích hợp lập kế hoạch sửa chữa bảo dưỡng theo phương pháp tiên tiến.
Cụ thể, theo yêu cầu cần đạt được các nội dung sau:
Đến năm 2022:
- Thu thập, chuẩn hóa và bước đầu quản lý tập trung dữ liệu tại kho dữ liệu dùng chung dựa trên mô hình CIM.
- Hoàn thiện CSDL của hệ thống phần mềm PMIS: 100% thiết bị lưới điện truyền tải được số hóa.
- Sửa chữa bảo dưỡng khai thác hiệu quả thiết bị:
(i) Ứng dụng CNTT trong sửa chữa theo phương pháp CBM (Condition Based Maintenance) cho TBA từ 110 kV trở lên.
(ii) Thử nghiệm ứng dụng AI trong công nghệ xử lý và nhận diện hình ảnh trong kiểm tra và giám sát hành lang tuyến đường dây bằng thiết bị chụp ảnh và thiết bị bay thông minh. Lựa chọn 1 đường dây 500 kV và 1 đường dây 220 kV thực hiện áp dụng.
(iii) Ứng dụng hiện trường (Digital Workforce) cho khối truyền tải: 100% cán bộ hiện trường sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động thông minh cho các công tác như: Tiếp nhận nhiệm vụ; thực hiện kiểm tra, sửa chữa, thí nghiệm hiệu chỉnh và giám sát an toàn.
Sử dụng công nghệ vệ sinh bề mặt dây dẫn trên đường dây 220 kV Tuy Hoà - Nha Trang, giảm tổn thất điện năng truyền tải.
- Đẩy mạnh số hóa quy trình nghiệp vụ: Là kết hợp giữa chuyển đổi quy trình nghiệp vụ (quy trình, chính sách nhằm hỗ trợ chuyển đổi số) và ứng dụng công nghệ số vào quy trình nghiệp vụ; mục tiêu đến năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng các ứng dụng CNTT trong quản lý các quy trình nghiệp vụ của EVNNPT:
(i) Đưa vào ứng dụng thử nghiệm phần mềm quản lý thí nghiệm do NPTS thực hiện.
(ii) Đưa vào ứng dụng thử nghiệm phần mềm quản lý công tác kiểm tra đường dây, trạm biến áp do PTC 2 và 3 thực hiện.
Kiểm tra đường dây 500 kV Dốc Sỏi - Đà Nẵng bằng công nghệ thiết bị UAV.
Đến năm 2025:
- Nâng cao chất lượng CSDL của hệ thống phần mềm PMIS: 100% thiết bị điện trên lưới điện được cập nhật vào hệ thống phần mềm PMIS.
- Sửa chữa bảo dưỡng, nâng cao hơn nữa hiệu quả khai thác thiết bị:
(i) Ứng dụng hiệu quả sửa chữa theo phương pháp CBM/RCM tại lưới điện từ 110 kV trở lên.
(ii) Nâng cao chất lượng ứng dụng hiện trường và hỗ trợ đầy đủ thông tin trên các thiết bị thông minh trong công tác kiểm tra hiện trường.
(iii) Các đường dây cao thế (tại các vị trí cột quan trọng) được giám sát và ứng dụng AI để phân tích, hỗ trợ phát hiện sự cố như: Phát hiện vi phạm hành lang tuyến và mức độ sạt lở móng cột v.v…
Hình ảnh camera giám sát khoảng cột 314-315 (đường dây 220 kV Thiên Tân - Nha Trang do PTC3 quản lý), khi đơn vị giao thông thi công đường tỉnh lộ 2 Diên Khánh - Khánh Hoà.
- Sử dụng tối ưu dữ liệu SCADA/EMS để dự báo và vận hành tối ưu.
- Tích hợp dữ liệu đánh giá chỉ số đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến để thông minh hóa quy trình nghiệp vụ: Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong công tác phân tích, dự báo, chuẩn đoán, trợ giúp quyết định.
IV. Những mục tiêu và nội dung cơ bản chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị nội bộ:
Nhằm nâng cao tỉ lệ tự động hóa quy trình và báo cáo, với mục tiêu 80% quy trình nghiệp vụ được số hóa và liên thông, 100% các báo cáo và chỉ tiêu được tổng hợp tự động, EVNNPT đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị nội bộ, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số trong quản trị bao trùm tất cả các ban chuyên môn.
Xác định mục tiêu đến năm 2022 đạt 80% quy trình nghiệp vụ được số hóa và liên thông với nhau, triển khai thống nhất hệ thống văn phòng số (D-Office) toàn EVNNPT, ứng dụng triệt để chữ ký số, làm việc di động, họp trực tuyến, triển khai ứng dụng EVN Smart trong toàn EVNNPT.
Các mục tiêu cụ thể của EVNNPT theo yêu cầu như sau:
Đến năm 2022:
- Triển khai thống nhất hệ thống văn phòng số (Digital Office) toàn EVNNPT.
- 100% lãnh đạo các cấp, chuyên viên EVNNPT được trang bị hệ thống làm việc từ xa và họp trực tuyến.
- 80% CBCNV có chức trách, nhiệm vụ được cấp chữ ký số và được áp dụng trong các ứng dụng/giao dịch quản lý nội bộ.
- 100% văn bản được pháp luật cho phép được số hóa dưới dạng số liệu số và được lưu trữ, ứng dụng các công nghệ mới để khai thác, phân tích thông tin đã được số hóa.
- 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp được xây dựng trên hệ thống BI và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo phục vụ điều hành.
- 80% quy trình nghiệp vụ hiện tại được số hóa và liên thông, riêng lĩnh vực văn phòng có 90% quy trình nghiệp vụ sẽ không sử dụng giấy tờ.
- Xây dựng và thiết lập môi trường làm việc cộng tác, chia sẻ và kết nối thông tin giữa các hệ thống CNTT hiện tại, đáp ứng cho cả các hoạt động của EVNNPT.
- 80% CBCNV sử dụng ứng dụng di động phục vụ người lao động, nhằm trao đổi, quản lý và cập nhật các luồng nghiệp vụ liên quan.
- Thí điểm ứng dụng nhận diện khuôn mặt trong việc hỗ trợ theo dõi ra/vào TBA/phòng điều khiển TBA/B0x theo ca/kíp công tác tại các PTC.
- Hoàn thiện hệ thống quản lý nguồn nhân lực (HRMS):
Hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống đào tạo trực tuyến (Elearning) tích hợp với phần mềm HRMS.
Ứng dụng CNTT trong quản lý hồ sơ thiết bị; quản lý yêu cầu hỗ trợ, quản lý sự cố, quản lý vấn đề, quản lý thay đổi hệ thống VTCNTT, quản lý vận hành hệ thống VTCNTT, tổng hợp báo cáo, thống kê theo quy định. Giám sát chất lượng dịch vụ CNTT; tính toán chỉ số vận hành, chỉ số hiệu quả, tổng hợp báo cáo.
Hoàn thiện thông tin, dữ liệu số giai đoạn đến năm 2022:
(i) 100% hồ sơ văn phòng, quản trị, tuyên truyền, thi đua, hồ sơ pháp lý công trình, hồ sơ thanh quyết toán được số hóa và cập nhật đầy đủ lên phần mềm.
(i) 100% dữ liệu giá trị tài sản được cập nhật đầy đủ trên phần mềm ERP.
(iii) 100% vật tư được số hóa, quản lý, theo dõi, cập nhật trên phần mềm.
(iv) 100% hồ sơ an toàn VSLĐ, PCCC, CNCH được số hóa và quản lý tập trung.
(v) 100% hồ sơ bảo vệ được số hóa và quản lý tập trung.
(vi) 100% hồ sơ và các thông tin liên quan đến người lao động được số hóa (trên phần mềm HRMS) cho phép tổng hợp, thông kê, báo cáo theo các yêu cầu thực tế.
(vii) 100% hồ sơ bảo vệ đường dây, TBA, các phương án đảm bảo an ninh trật tự HTĐ được số hóa ở định dạng có thể tìm kiếm, bóc tách thông tin được.
(viii) 100% hồ sơ pháp chế bao gồm văn bản pháp quy, quy chế QLNB, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá được số hóa và cập nhật đầy đủ lên phần mềm thư viện điện tử.
(ix) 100% văn bản pháp luật được số hóa cho phép tìm kiếm theo nội dung.
(x) Số hóa hồ sơ quản lý, thu thập dữ liệu vận hành VTCNTT phục vụ các hệ thống thống tin cấp độ 3 trở lên. Số hóa 100% thông số kỹ thuật thiết bị VTCNTT của HTTT cấp độ 3 trở lên; giám sát các chỉ số vận hành của 100% thiết bị và dịch vụ CNTT cấp độ 3 trở lên.
Đến năm 2025:
- 100% CBCNV có chức trách, nhiệm vụ được cấp chữ ký số và được áp dụng trong các ứng dụng quản lý/giao dịch nội bộ.
- 100% quy trình nghiệp vụ hoạt động của EVNNPT và EVN được số hóa.
- 100% CBCNV sử dụng ứng dụng phục vụ người lao động (Smart EVN), nhằm trao đổi, quản lý và cập nhật các luồng nghiệp vụ liên quan.
- Nghiên cứu xây dựng các phòng đào tạo, huấn luyện dựa trên công nghệ thực tế ảo.
- Xây dựng AI, kết hợp với nền tảng phân tích dữ liệu lớn để tổng hợp và cảnh bảo về việc trùng lặp, chồng chéo giữa các văn bản.
- Hoàn thiện mô hình ứng dụng CNTT trong quản trị tài chính hiện đại để thiết lập môi trường, mô hình tính toán và cân đối tài chính trong toàn Tập đoàn; nâng cấp hệ thống báo cáo sử dụng trên app moble phục vụ công tác quản lý.
Tạm kết:
Trên đây là những nội dung định hướng cơ bản, mục tiêu cụ thể và kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực của EVNNPT. Để chuyển đổi số thành công, có hiệu quả, EVNNPT cần xác định rõ những khó khăn, vướng mắc và những thách thức trong quá trình thực hiện.
Kỳ tới: Kết quả bước đầu và nhận diện những thách thức trong quá trình chuyển đổi số của EVNNPT
THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo:
[1] Đề án tổng thể Chuyển đổi số của Tập đoàn điện lực Việt Nam, ban hành năm 2020.
[2] Kế hoạch Chuyển đổi số trong Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, giai đoạn 2021 - 2025, do EVNNPT ban hành tháng 3/2021.
Theo nangluongvietnam.vn
lên đầu trang