Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/05/2024 | 22:57

Thứ ba, 07/05/2024 | 22:57

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 08:10 ngày 07/09/2021

Vai trò của hoạt động đo lường trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm và nước sạch

Xoay quanh hiệu quả của hoạt động đo lường, TS Cao Xuân Quân, Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có những chia sẻ với phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), nhằm đưa đến cho độc giả cái nhìn gần gũi về hoạt động đo lường trong một số lĩnh vực điển hình - vấn đề mà vốn được nhiều người gắn cho cái mác “hàn lâm, khó hiểu”.
Đo lường trong lĩnh vực an toàn thực phẩm
Trước tiên, cần hiểu an toàn thực phẩm là bảo đảm thực phẩm không gây hại cho sức khoẻ, tính mạng người sử dụng, bảo đảm thực phẩm không bị hỏng, không chứa các tác nhân vật lý, hoá học, sinh học, hoặc tạp chất quá giới hạn cho phép, không phải là sản phẩm của động vật, thực vật bị bệnh có thể gây hại cho sức khỏe con người.
Vài năm trở lại đây, chất lượng, an toàn thực phẩm xuất khẩu được cải thiện, tuy nhiên tỷ lệ thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu không đáp ứng quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm vẫn còn ở mức cao so với các quốc gia tiên tiến. Từ đó cho thấy vai trò của đo lường trong kiểm soát an toàn thực phẩm là vô cùng quan trọng.
Nhiều công ty xuất khẩu thủy sản đã bị thiệt hại rất lớn khi công tác đo lường chính xác không được đảm bảo. Ví dụ, một công ty thủy sản xuất khẩu tôm đã được kiểm tra dư lượng kháng sinh chloramphenicol có thể gây ung thư và các phản ứng dị ứng. Sau khi kiểm tra tại các cảng nhập cảnh của cả hai quốc gia, tôm đông lạnh được cấp phép nhập cảnh vào quốc gia thành viên thứ nhất, trong khi quốc gia thành viên thứ hai từ chối nhập cảnh. Lô hàng tôm cuối cùng đã bị tiêu hủy với chi phí tương đối cao.
Tại cảng của quốc gia thành viên đầu tiên, việc kiểm tra thực phẩm đã sử dụng Sắc ký lỏng (LC) với giới hạn phát hiện là 6 µg/kg. Tại bến cảng của quốc gia thành viên thứ hai, việc kiểm tra thực phẩm có phương pháp Sắc ký lỏng với Khối phổ tiên tiến hơn (LC-MS), đưa ra giới hạn phát hiện là 0,3 µg/kg. Rõ ràng là thiết bị và phương pháp phát hiện càng chính xác thì càng có nhiều khả năng phát hiện dư lượng và ngược lại, một thiết bị có độ phân giải thấp không có khả năng phát hiện bất kỳ dư lượng trừ khi gặp số lượng cực lớn.
Điều này cho thấy rằng trong an toàn thực phẩm và một số lĩnh vực khác, phương pháp và công nghệ đo lường được sử dụng đều quan trọng và trong nhiều trường hợp, giới hạn tối đa cụ thể là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo sự hiệu quả, công bằng và thống nhất. Do đó, việc đo lường phải được giải quyết một cách triệt để không chỉ cho quá trình đánh giá sự phù hợp mà còn trong quá trình xây dựng khung quản lý pháp lý.
Đo lường trong lĩnh vực phân bón

Máy đo độ ẩm đất trong nông nghiệp.
Phân bón là "thức ăn" do con người bổ sung cho cây trồng. Trong phân bón chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Các chất dinh dưỡng chính trong phân bón là: đạm (N), lân (P), và kali (K). Ngoài các chất trên, còn có các nhóm nguyên tố vi lượng,... Phân bón được chia làm 3 nhóm chính: phân hữu cơ, phân hóa học (phân vô cơ) và phân vi sinh, với sự khác biệt lớn giữa chúng là nguồn gốc, chứ không phải là sự khác biệt trong thành phần dinh dưỡng.
Việc xác định chính xác hàm lượng của phân bón giúp chúng ta kiểm soát được chất lượng sản phẩm phân bón, độ tin cậy cho người sử dụng. Ngoài ra, kiểm soát chất lượng phân bón chính xác giúp chúng ta thực hiện tốt về các tiêu chuẩn chăm sóc cây, không gây tốn kém cho người nông dân, không gây ô nhiễm môi trường đất thêm trầm trọng. Việc tiêu thụ quá mức thường không có chủ ý và xảy ra do máy rải phân bón thiếu sự chính xác về lượng phân và loại phân đối với các ruộng nông nghiệp khác nhau.
Các giải pháp sáng tạo đo lường ứng dụng đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của máy rải phân bón thông minh. Các giải pháp bao gồm việc đo lường khối lượng phân bón rải trên một ha hay xây dựng và phê duyệt phương pháp đo phù hợp. Việc đo lượng phân chảy ra từ máy rải được kết hợp với vị trí GPS của máy rải trên thực địa. Sau đó, số lượng rải có thể được điều chỉnh theo các yêu cầu phân bón khác nhau tại các vị trí khác nhau trên ruộng. Số liệu được ước tính từ bản đồ hàng năm về năng suất của ccánh đồng đã thu hoạch trong những năm trước.
Kết quả, máy rải phân bón mới được kiểm soát đo lường chính xác sẽ mang lại lợi ích cho cả người nông dân và xã hội nói chung: Người nông dân thu được lợi nhuận cao hơn trước và ô nhiễm môi trường cũng giảm đi đáng kể.
Đo lường trong lĩnh vực y tế

Đo lường chính xác trong y tế tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Đo lường lĩnh vực y tế hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của con người, đo lường là quá trình phổ biến trong các hoạt động phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị. Vai trò đảm bảo đo lường chính xác trong y tế rất quan trọng. Nếu các kết quả đo lường thông qua các hoạt động chụp hình ảnh, xét nghiệm,... không chính xác. Kết quả thu được sẽ khó có thể chấn đoán được chính xác hoặc sẽ đưa ra pháp đồ điều trị không phù hợp với tình trạng của bệnh nhân. Dẫn đến, sẽ có quá trình điều trị sai, gây tốn kém, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.
Đo lường trong lĩnh vực nước sạch
Nước sạch rất cần thiết cho cuộc sống con người, bảo vệ cân bằng hệ sinh thái, giữ gìn môi trường an toàn cho mọi sinh vật. Thiếu khả năng tiếp cận với nước sạch là vấn đề nghiêm trọng đối với một số nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương do dân số ngày càng tăng, đô thị hóa nhanh, ô nhiễm nước ngày càng tăng và nhu cầu cạnh tranh về nước. Dữ liệu đánh giá về các thông số chất lượng nước là cần thiết để đảm bảo cơ sở cho những người ra quyết định thực thi các biện pháp chính xác trong việc giám sát, kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ tài nguyên nước…
Có một vị chuyên gia lĩnh vực đo lường từng nói: “Đo lường thể hiện bên ngoài có vẻ bình lặng nhưng bao trùm những chiều sâu kiến thức”. Hay nói đơn giản, hoạt động đo lường không chỉ thể hiện ở các lĩnh vực nêu trên mà hằng ngày, hằng giờ luôn hiện hữu trong cuộc sống.
Đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước. Và đặc biệt, đo lường là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.
Theo VietQ
lên đầu trang