Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 00:58

Thứ sáu, 03/05/2024 | 00:58

Chính sách

Cập nhật lúc 09:08 ngày 07/10/2021

Ban hành cơ chế, chính sách đột phá: Hà Nội hỗ trợ hiệu quả khởi nghiệp sáng tạo

Hiểu được nhu cầu phát triển và những khó khăn của doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), TP. Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá, góp phần hỗ trợ startup phát triển.
Nhiệm vụ trọng tâm
Theo UBND TP. Hà Nội, trong xu hướng phát triển nhanh chóng của công nghệ và đặc biệt là sự bùng nổ mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, các nước đều tích cực đầu tư cho hoạt động ứng dụng và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển nền sản xuất quốc gia. Tại Việt Nam, Chính phủ coi khởi nghiệp sáng tạo là một trong những mục tiêu cấp quốc gia nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy ý tưởng để có thể trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Khác với khởi nghiệp thông thường, doanh nghiệp hay dự án khởi nghiệp sáng tạo (startup) có khả năng tăng trưởng nhanh về quy mô khách hàng, doanh thu, lợi nhuận… dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Và, nếu vượt qua các khó khăn, thách thức thì có thể đem lại các giá trị to lớn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền thành phố hiện nay.

Vườn ươm doanh nghiệp chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội đã đạt được một số kết quả nghiên cứu tích cực
Hà Nội hiện có khoảng 268.000 doanh nghiệp, đứng thứ 2 trên cả nước, đồng thời cũng là trung tâm văn hóa - giáo dục - chính trị, là nơi tập trung nhiều trường đại học lớn với 119 trường đại học, cao đẳng và học viện. Sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố những năm qua phản ánh rõ nét những thay đổi căn bản về chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội tăng nhanh, tuy nhiên, các doanh nghiệp có tính đột phá sáng tạo chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 0,1%). Đặc biệt, qua khảo sát tại một số vườn ươm và tổ chức kinh doanh cho thấy, đa số các startup là doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số (hay còn gọi là các SMB Digital).
Loại hình doanh nghiệp này được xem là bước đệm để tiến tới hình thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Do vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp SMB Digital cần có sự hỗ trợ cả về kỹ năng quản trị doanh nghiệp và hạ tầng kỹ thuật để họ có điều kiện phát triển nhanh, tăng tỷ lệ thành công và đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, để phát triển được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cần có chính sách khuyến khích phù hợp.
Hỗ trợ 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo
Hiểu được nhu cầu phát triển và những khó khăn của các startup, TP. Hà Nội đã tích cực đưa ra những giải pháp đột phá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như cải thiện chính sách kinh tế, lập quỹ hỗ trợ đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư từ nước ngoài, ưu đãi thuế, tối ưu hóa thủ tục kinh doanh…
Đặc biệt, thành phố đã thông qua Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025. Mục tiêu của đề án là hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Hà Nội; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững.
Mục tiêu cụ thể của đề án là kết nối các thành phần của hệ sinh thái để hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của thành phố; truyền thông, thay đổi nhận thức và phát huy tinh thần về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo đến từng người dân, sinh viên, thanh niên và đội ngũ trí thức; hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp của Hà Nội để thực hiện vai trò kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn.
Đáng chú ý, hỗ trợ hình thành thêm từ 2 đến 3 vườn ươm doanh nghiệp, không gian khởi nghiệp để phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích hình thành từ 3 đến 5 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân; thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo; 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, Hà Nội là địa phương hội tụ rất nhiều các yếu tố để trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước khi tại đây có nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào với mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và cơ sở dạy nghề phát triển mạnh, có vị thế hàng đầu.
Tuy nhiên, để trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, Hà Nội cần đầu tư mạnh mẽ có chiến lược để phát huy các thế mạnh sẵn có mang màu sắc Thủ đô. Việc xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025” là hết sức cần thiết và cấp bách, phù hợp xu hướng phát triển hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp sáng tạo, hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của thành phố; xây dựng Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước.
Hỗ trợ kinh phí nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại; tổ chức các hội nghị, hội thảo kết nối mạng lưới, kết nối đầu tư… là một trong những nhiệm vụ TP. Hà Nội đặt ra nhằm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang