Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 11/05/2024 | 13:27

Thứ bảy, 11/05/2024 | 13:27

Chính sách

Cập nhật lúc 11:35 ngày 07/11/2021

Vai trò của hoạt động đánh giá tiềm năng thương mại hoá sáng chế trong chuyển giao công nghệ

Thương mại hóa sáng chế là một thành phần trong chuyển giao công nghệ, khi muốn sở hữu những công nghệ cốt lõi thì doanh nghiệp phải nhắm đến những công nghệ được bảo hộ thông qua sáng chế. Do đó xác định sáng chế nào có tiềm năng thương mại là một cách thức để biết công nghệ đó có mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hay là không.
Thương mại hóa thành công sáng chế sẽ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp là vấn đề đã được nhiều quốc gia quan tâm và đầu tư hỗ trợ. Thương mại hóa sáng chế sẽ mang lại lợi nhuận, bù đắp các chi phí nghiên cứu, chi phí duy trì hiệu lực và nâng cao danh tiếng, vị thế của chủ sở hữu.
Doanh nghiệp thường có nhiều thị trường tiềm năng, nhưng không thể tham gia tất cả các thị trường, vì vậy họ cần phải phân tích đánh giá các thị trường để chọn ra những thị trường mục tiêu phù hợp nhất cho doanh nghiệp. Vậy nếu coi mỗi sáng chế hay một danh mục sáng chế là một thị trường tiềm năng thì bản thân chủ sở hữu sáng chế cần phải đánh giá được tiềm năng các sáng chế đó để xem xét khả năng tiến hành các bước tiếp theo như định giá,  kết nối, đầu tư hay chuyển giao.
Trước hết  đánh giá tiềm năng thương mại hóa sáng chế là vấn đề ngày càng được các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế quan tâm do tỉ lệ thương mại hóa của các sáng chế được cấp bằng bảo hộ rất khiêm tốn. Nhiều vấn đề đã được đặt ra như: vì sao có những tổ chức, cá nhân sở hữu rất nhiều sáng chế đã được cấp bằng mà không thể thương mại hóa được, phải chăng những chủ sở hữu nhiều bằng sáng chế đã không xác định rõ tiềm năng của sáng chế trên thị trường trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để có chiến lược đầu tư, tiếp cận các bên liên quan một cách phù hợp. Theo Chih-Hung Hsieh (2013) cho rằng rất khó để  đánh giá giá trị của bằng sáng chế trước khi nó được thương mại hóa trên thị trường. Điều này có nghĩa là mặc dù được cấp bằng sáng chế theo đúng các tiêu chí về tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng sản xuất công nghiệp nhưng không có nghĩa các sáng chế được cấp bằng độc quyền có khả năng thương mại hoá.
Đánh giá phân tích tiềm năng bằng sáng chế là một công cụ hữu ích để phát hiện tiềm năng thị trường, góp phần vào việc ra quyết định quản lý danh mục đầu tư. Xác định các bằng sáng chế có giá trị trong danh mục bằng sáng chế của tổ chức là một vấn đề quan trọng đối với các nhà quản lý sở hữu trí tuệ nếu một tổ chức có được phương pháp đánh giá phân tích giá trị công nghệ thông qua phân tích bằng sáng chế, thì tổ chức đó có thể thực hiện các chiến lược tiếp thị và hiệu quả chi phí tốt hơn, tổ chức đó sẽ có thể đưa ra quyết định đúng đắn cho việc thương mại hóa danh mục sáng chế của mình.
Để  đánh giá phân tích tiềm năng thương mại hoá (Kavoos Mohannak 2014) cần phải xây dựng được các tiêu chí để đánh giá ví dụ như : tính sẵn sàng công nghệ, rủi ro pháp lý, lợi ích và tác động xã hội; các yếu tố kinh tế và thị trường… hoặc (Michele Grimaldi 2014) xây dựng phương pháp tận dụng giá trị của các bằng sáng chế dựa trên trích xuất tất cả các thông tin từ danh mục bằng sáng chế, thị trường mức độ phù hợp và các vấn đề liên quan và đề xuất một khung phân tích  đánh giá tiềm năng các bằng sáng chế cho các doanh nghiệp sử dụng.
Một vấn đề khác thường được các chủ sở hữu quan tâm khi sử dụng phương pháp phân tích đánh giá tiềm năng thương mại hoá sáng chế đó là (Chetan Sharma 2019) với sự tăng trưởng theo cấp số nhân về số lượng bằng sáng chế mỗi năm và danh mục đầu tư của các công ty ngày càng mở rộng, phân tích đánh giá chất lượng bằng sáng chế đã trở thành một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Phí duy trì bảo hộ bắt buộc phải trả định kỳ để giữ bằng sáng chế tồn tại trong 20 năm, càng làm tăng thêm tầm quan trọng của việc phân tích đánh giá tiềm năng thương mại hóa của các bằng sáng chế chất lượng. Khi ở giai đoạn sơ khai (Terry Ludlow 2016) , danh mục đầu tư còn tương đối nhỏ, giúp bạn dễ dàng xác định các bằng sáng chế có giá trị và giá trị sử dụng tiềm năng nhất. Khi danh mục đầu tư phát triển, điều này ngày càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, việc duy trì phân tích đánh giá cập nhật và hiểu biết về danh mục đầu tư sáng chế đang sở hữu là một thực tiễn kinh doanh cần thiết, đặc biệt là đối với các công ty công nghệ. Bằng sáng chế luôn đóng vai trò giữ giá trị tiềm năng trong một loạt các giao dịch kinh doanh. Giá trị bằng sáng chế phải là một yếu tố then chốt trong bất kỳ vụ sáp nhập hoặc mua lại nào hoặc khi tìm kiếm các khoản đầu tư bổ sung.
Đánh giá phân tích tiềm năng là yếu tố cần thiết để mang lại sự thành công trong chiến lược thương mại hoá, nó cho phép xác định các mối đe doạ tiềm tàng và công cụ hỗ trợ đắc lực cho người quản lý trong việc tiếp tục đầu tư vào sáng chế hay từ bỏ. Để dễ hình dung ta có thế ví dụ một tổ chức nghiên cứu sở hữu 100 bằng sáng chế và hàng năm tổ chức này sẽ phải nộp phí duy trì hiệu lực cho cả 100 bằng này. Liệu theo thời gian, phí duy trì ngày càng tăng thì người quản lý tổ chức này có nghĩ đến việc thương mại hoá các bằng sáng chế  để bù đắp chi phí nghiên cứu và phí duy trì hiệu lực? Và nếu như thương mại hoá thì phải chọn lựa sáng chế nào đầu tiên để bắt đầu vì nguồn lực của tổ chức đó không thể nào cùng một thời điểm thương mại hoá cả 100 bằng sáng chế, nó phải có thứ tự ưu tiên khác nhau, lúc này vai trò của việc đánh giá tiềm năng thương mại hoá sẽ được phát huy, vì nhờ công cụ đánh giá tiềm năng, tổ chức đó sẽ biết nên xác định tiềm năng của  các sáng chế trên thị trường trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để có chiến lược đầu tư.
Hãy xem xét ví dụ cụ thể sau của IBM vs Qualcomm.
Có thể thấy từ biểu đồ bên dưới, IBM có số lượng bằng sáng chế đang hoạt động (45.487) nhiều hơn so với Qualcomm (26.511). Ngược lại, thu nhập tương ứng của họ từ tài sản trí tuệ là 1,026 triệu USD (IBM) và 5,574 triệu USD (Qualcomm). Điều đó có nghĩa là, với hơn một nửa số lượng bằng sáng chế, Qualcomm đã có thể tạo ra doanh thu tài sản trí tuệ gấp hơn 5 lần so với IBM. Điều gì đã xảy ra với các bằng sáng chế của IBM?
Sử dụng công cụ đánh giá tiềm năng thương mại hóa sáng chế của một công ty trung gian đã lý giải cho chúng ta biết vì sao có sự chênh lệch này. Đó là vì trong nhiều năm Qualcomm luôn duy trì các bằng sáng chế có vị thế cạnh tranh cao so với IBM, khi IBM cũng giống như một số công ty khác trên thế giới theo đuổi số lượng bằng sáng chế thì Qualcomm lại đi theo hướng nâng cao tính cạnh tranh của bằng sáng chế, do vậy các bằng sáng chế của Qualcomm khi thương mại luôn được giá hơn IBM.
Như vậy chúng ta đã thấy đánh giá tiềm năng thương mại hóa sáng chế có vai trò quan trọng đối với những người quản lý danh mục đầu tư sáng chế, việc đánh giá này cần phải thực hiện mang tính chất thường xuyên liên tục định kỳ để xác định lại giá trị những sáng chế mà chủ sở hữu đang có. Thông qua việc đánh giá tiềm năng thương mại hóa này mà chủ sở hữu sẽ quyết định giữ hay loại bỏ duy trì hiệu lực các sáng chế có trong danh mục cũng như có những chiến lược dài hơi trong việc thương mại hóa danh mục sáng chế của mình. Việc đánh giá tiềm năng này nếu được chủ sở hữu thực hiện đánh giá sơ bộ trước khi quyết định đăng ký bảo hộ sáng chế sẽ làm cho sáng chế nếu được cấp bằng sau này sẽ có tiềm năng hơn những sáng chế khác không được đánh giá.
Tài liệu tham khảo:
1. Patent value assessment and commercialization strategy-Chih-Hung-Hsieh; College of Management, Yuan Ze University, Taoyuan, Taiwan; February 2013.
2. A criteria-based approach for evaluating innovation commercialisation - Kavoos Mohannak; 2014.
3. “What is the best way to assess the potential value of a patent portfolio?” Terry Ludlow 2016
4. The patent portfolio value analysis: a new framework to leverage patent information for strategic technology planning-Michele Grimaldi, Livio Cricelli, Martina Di Giovanni, Francesco Rogo; Technological Forecasting & Social Change (2014)
Theo Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM
lên đầu trang