Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 07:19

Chủ nhật, 28/04/2024 | 07:19

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 17:00 ngày 22/12/2021

Trường Đại học Công nghiệp TP HCM: Từ trường trung cấp nghề đến đại học 4 sao

Tháng 9-2021, Tổ chức đánh giá, xếp hạng uy tín hàng đầu thế giới QS-Quacquarelli Symonds đã công bố Trường ĐH Công nghiệp TP HCM đạt chuẩn chất lượng QS Star 4 sao. Cơ chế tự chủ đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho nhà trường.
Theo TS Phan Hồng Hải, hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP HCM, từ khi được tự chủ trường đã có nhiều thay đổi từ nguồn thu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu cũng như chủ động mở ngành đáp ứng nhu cầu xã hội, tuyển sinh... đến chất lượng đầu ra, công trình nghiên cứu. “Khi được tự chủ, trường thuận lợi hơn trong việc đưa ra các chính sách khuyến khích đội ngũ làm việc hiệu quả, chủ động cân đối tài chính chi trả trong việc thu hút giảng viên giỏi, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo cũng như thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nhà trường”, ông Hải cho biết.
Trường có tính quốc tế cao
Dự án gắn sao QS-Star bắt đầu được nhà trường triển khai từ năm 2019. Đến tháng 9-2021, trường đạt chuẩn chất lượng QS Star 4 sao với số điểm 684/500. Bộ tiêu chuẩn QS Star với 8 tiêu chuẩn cụ thể bao gồm: Teaching (chất lượng giảng dạy); Employability (việc làm của sinh viên); Internationalization (quốc tế hóa); Academic Development (phát triển học thuật); Program Strength (chương trình đào tạo thế mạnh); Facilities (cơ sở vật chất); Social Responsibility (trách nhiệm xã hội); Inclusiveness (phát triển toàn diện). Trong đó, các tiêu chuẩn chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất, việc làm của sinh viên, phát triển học thuật, phát triển toàn diện nhà trường đã xuất sắc đạt 5 sao. Theo QS Stars: “Trường đại học được đánh giá 4 sao là trường có tính quốc tế cao, thể hiện qua sự xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo; là môi trường dạy và học lý tưởng cho giảng viên và sinh viên”.
Đến nay, nhà trường đã kiểm định thành công 8 chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA. Trong năm 2021, thêm 4 chương trình được tổ chức AUN-QA đánh giá thành công và 6 chương trình đầu tiên của trường được tổ chức ABET kiểm định. Trong 2 năm qua, nhà trường tiếp tục được giữ thứ hạng 601+ trong top các trường đại học hàng đầu châu Á; top 10 trường đại học Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng QS châu Á; vị trí số 5 của Việt Nam trong bảng xếp hạng của Webometrics. Giai đoạn 2018 - 2023, Nhà trường xác định hoàn thành kiểm định 11 chương trình đào tạo bậc đại học theo Bộ tiêu chuẩn ABET (Hoa Kỳ) và 23 chương trình theo tiêu chuẩn AUN-QA. Để có được kết quả ấn tưỡng trên, PGS.TS Đàm Sao Mai – phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Những năm qua trường luôn chú trọng công tác đánh giá, kiểm định chất lương và xếp hạng giáo dục. Nhờ cam kết tham gia kiểm định chuẩn quốc tế, hoạt động dạy và học ngày càng được chuẩn hóa, giảng viên được tập huấn cách thức thiết kế nội dung theo chuẩn đầu ra, đánh giá sinh viên bằng nhiều hình thức đa dạng, phương pháp giảng dạy phong phú. Song song đó là việc định kỳ thực hiện cải tiến về chất lượng thông qua kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người học, thông qua phổ điểm của sinh viên. Đây là điều kiện tiên quyết giúp nhà trường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường”.
Thay đổi tích cực nhờ được tự chủ
Tiền thân của Trường ĐH Công nghiệp TP HCM là Trường Huấn nghiệp Gò Vấp được thành lập năm 1956. Đến năm 1994, trường được đổi tên thành Trường Công nhân kỹ thuật IV, trực thuộc Bộ Cơ khí và luyện kim. Năm 1999, trường được Chính phủ quyết định nâng cấp thành Trường CĐ Công nghiệp 4 với mục tiêu đào tạo cán bộ có trình độ cao đẳng kỹ thuật, trung học chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật. Đến 12-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Trường ĐH Công nghiệp TP HCM trực thuộc Bộ Công thương.
GS.TS Lê Văn Tán – phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Từ định hướng đào tạo nghề chuyển mình sang cơ sở giáo dục đại học theo hướng ứng dụng, trong thời gian đầu, nhà trường đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đội ngũ giảng viên ban đầu của trường có rất ít tiến sĩ do định hướng là đào tạo nghề. Cùng với đó, những máy móc thiết bị thực hành, thí nghiệm đã bị lỗi thời đã khiến cho việc thực hành không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Thêm vào đó, chương trình đào tạo được nâng cấp từ trung cấp lên giảng dạy đại học cũng đối mặt với nhiều bất cập, không đảm bảo yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng của Bộ Công Thương. Nhận thấy rõ những thách thức đó, lãnh đạo nhà trường đã mạnh dạn đưa ra những quyết sách lớn, trong số đó phải kể đến việc tham gia đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015 - 2017 theo quyết định số 902/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 23-6-2015 về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện đối với các hoạt động của trường”.
Theo lãnh đạo nhà trường từ khi tham gia đề án tự chủ, trường đã chủ động, linh hoạt trong việc tận dụng những lợi thế của cơ chế tự chủ để có lộ trình phát triển phù hợp. Với việc được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện, trường có nhiều thuận lợi như: được chủ động hơn về các khoản chi thường xuyên, đầu tư mua sắm thiết bị máy móc phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chủ động xây dựng các chế độ về tiền lương, thưởng, phụ cấp để thu hút nhân tài về trường phục vụ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức. Nhà trường đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, triển khai mô hình KOSEN (Nhật Bản) mở rộng, cải thiện môi trường giáo dục, cảnh quan nhà trường. Cũng nhờ cơ chế tự chủ, việc chuyển giao công nghệ ở trường mới phát triển trong vài năm gần đây với nhiều công trình có giá trị hàng tỉ đồng. 
Trong đó công trình “Máy cắt, vớt bèo, rong, lục bình và rác thả nổi trên các tuyến kênh tại Vườn quốc gia U Minh Thượng” đã được chuyển giao cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp. Sau nhiều lần cải tiến nâng cấp thiết bị này hiện đang được tiếp tục chuyển giao theo đặt hàng cho nhiều doanh nghiệp khác với giá trị lên đến hàng tỉ đồng/thiết bị. Công trình “Hệ thống lọc nước uống cho các trường THCS tại Đà Nẵng” là chương trình cộng đồng (do Công ty Coca cola VN tài trợ kinh phí thông qua Trung tâm Sức khoẻ gia đình và phát triển cộng đồng – CFC). CFC đã đặt hàng nhà trường chế tạo thiết bị lọc nước lắp đặt cho trường học với kinh phí hàng trăm triệu đồng.
Ông Thái Duy Tùng - giảng viên khoa tài chính ngân hàng, chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp nhà trường, cho biết: “Ngoài việc được giảng dạy kiến thức, sinh viên trường còn được tạo điều kiện để bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng. Nhà trường còn xây dựng Quỹ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lên tới 5 tỉ đồng mỗi năm để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Việc đầu tư xây dựng các phòng mô phỏng theo thực tế doanh nghiệp như “nhà máy thông minh ứng dụng công nghiệp 4.0” hay “phòng thực hành quản trị doanh nghiệp” ngay trong trường đã được sinh viên đánh giá cao. Bạn Lê Thị Yến Nhi (sinh viên năm 4 khoa thương mại du lịch), chia sẻ: “Với ngành thương mại điện tử đang theo học, tôi đã được làm việc như thực tế tại các tập đoàn lớn ngay từ năm 3 tại các phòng mô phỏng của trường. Tôi vô cùng thích thú với cách học này”.
Hội đồng Giáo sư cơ sở xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2021
Thu hút nhân lực trình độ cao với chính sách đãi ngộ tốt
Theo TS Phan Hồng Hải, đến nay, trường đã có 7 giáo sư, 31 phó giáo sư, 217 tiến sĩ trên tổng số 1.381 nhân sự (trong đó hơn 1.000 giảng viên). Để đạt được kết quả này, ban giám hiệu nhà trường đã đưa ra lộ trình và chính sách thu hút nhân sự có trình độ cao về trường. Kết quả trong 6 năm (từ 2015-2020), tỉ lệ tiến sĩ của trường đã tăng từ 14% lên 25% trên tổng số giảng viên. “Đối với việc thu hút giảng viên có trình độ cao về công tác tại trường, chúng tôi đã tăng cường tìm kiếm, mời, khuyến kích các tiến sĩ ở nước ngoài về trường công tác. Mỗi năm trường đặt chỉ tiêu tuyển dụng tối thiểu được 15 tiến sĩ trở lên; tăng cường tìm kiếm nguồn nghiên cứu sinh trong và ngoài nước và đưa ra các chính sách đãi ngộ tốt đối với tiến sĩ về công tác tại trường; xây dựng chương trình hợp tác trao đổi giảng viên với các đối tác quốc tế để mời giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy tại trường”, ông Hải cho hay.
Chia sẻ về quyết định chọn làm việc tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, PGS.TS Nguyễn Minh Phú – giảng viên khoa công nghệ nhiệt lạnh, cho biết: “Tôi lựa chọn trường này để làm việc vì tại đây tôi được tạo điều kiện để giảng viên không chỉ giảng dạy tốt mà còn phát huy năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân”.
Theo moit.gov.vn
lên đầu trang