Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 08:26

Thứ hai, 29/04/2024 | 08:26

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:09 ngày 15/03/2022

Tạo tiềm lực mới đưa Cơ khí TKV tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

Trong những năm qua, các đơn vị cơ khí thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) không ngừng đẩy mạnh đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, để tăng năng lực cơ khí chế tạo, nội địa hóa các sản phẩm đáp ứng nhu cầu sản xuất than. Tuy vậy, kết quả chưa được như mong đợi, trong khi tiềm năng Cơ khí TKV còn nhiều. Để khai thác tối đa lợi thế hiện có của một thành viên đang trên đà phát triển, tạo cho Cơ khí TKV một tiềm lực mới, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, cần phải xác định rõ thực lực, tiềm năng và những cơ hội phát triển Cơ khí TKV trong bối cảnh hiện nay. Do đó, muốn trở thành “Cơ khí chế tạo” và là một trong các ngành chính trong chiến lược kinh doanh đa ngành, Cơ khí TKV phải có sản phẩm mang thương hiệu của mình, phải vươn ra chiếm lĩnh thị trường nội địa và tạo tiền đề cho xuất khẩu, làm nảy nở mạnh mẽ công nghệ nội sinh và tăng khả năng đồng hóa công nghệ nhập.

Máy xúc lật hông VMC E500-1 - một trong những sản phẩm có tỷ lệ nội địa hoá cao của Cơ khí TKV.
Cơ hội và thách thức từ CMCN 4.0
Cách mạng khoa học công nghệ (KHCN) lần thứ 4 được hình thành dựa trên kết hợp kỹ thuật số, với các công nghệ cao để tạo ra công nghệ thông minh như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật (IoT). Sản xuất tương lai sẽ kết hợp các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, mạng thế giới ảo (phần mềm, mạng) và thế giới thực (máy và thiết bị)… xích lại gần nhau. Sự hội tụ các công nghệ đỉnh cao cho phép sử dụng các nguồn lực một cách tối ưu, tiết kiệm lao động, tiết kiệm đầu tư, tiết kiệm thời gian,... trong quá trình nghiên cứu - chế tạo công nghệ và tổ chức sản xuất và được coi là cơ hội và thách thức đối với các ngành kinh tế của các quốc gia đang phát triển. Nếu nắm bắt và định hướng được thì sẽ là cơ hội bứt tốc để đẩy nhanh tốc độ phát triển; ngược lại, nếu không nắm bắt được thì nguy cơ lạc hậu về kỹ thuật, tụt hậu về kinh tế sẽ hiện hữu ngay trước mắt.
Cơ khí TKV là ngành Cơ khí phục vụ lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản rắn với những đặc điểm riêng có cũng không ngoài quy luật đó, bao gồm cả thách thức và cơ hội phát triển.
Thách thức cơ bản nhất đó là nền tảng công nghệ, kỹ thuật của Cơ khí TKV hiện tại còn đang khá lạc hậu, trình độ công nghệ chủ yếu vẫn ở trình độ của cuộc CMCN lần thứ 2 với nhiều khó khăn và tồn tại: (i) Chưa có công nghệ cốt lõi, chưa làm chủ về công nghệ vật liệu; (ii) Gia công chủ yếu theo hình thức đơn chiếc, quy mô nhỏ; (iii) Tính liên kết ngành, liên kết vùng còn hạn chế; (iv) Quy mô và tiềm lực của doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu năng lực cạnh tranh trong khu vực; (v) Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, không chỉ trong ngành, vùng mà sẽ bao gồm cả trong khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, CMCN 4.0 cũng mang đến cho Cơ khí TKV không ít cơ hội. Với sự phát triển ngày càng mạnh của công nghệ số, thông tin liên lạc, các phần mềm chuyên dụng sẽ vừa là tác nhân thúc đẩy, vừa hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thay đổi phương thức sản xuất theo xu hướng tăng hiệu quả, giảm chi phí. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ gia công, sự hiện đại hóa các thiết bị công nghệ sẽ tạo cơ hội tốt để Cơ khí TKV tiếp cận với KHCN hiện đại, tối ưu hóa quá trình sản xuất, thuận lợi trong đổi mới công nghệ và có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu. Cơ khí TKV cũng như các doanh nghiệp khác sẽ được hưởng lợi từ việc các nhà cung ứng (công nghệ, thiết bị, vật tư kỹ thuật) của các nền kinh tế phát triển khi cùng cạnh tranh nhau làm gia tăng về chất lượng, tiến độ và chi phí.
Từng bước làm chủ về thiết kế, công nghệ
Khối công nghiệp Cơ khí của Tập đoàn hiện có 12 đơn vị, trong đó có 11 công ty sản xuất cơ khí và 01 Viện nghiên cứu chuyên ngành là Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ, với tổng số lao động là 3.150 người. Doanh thu của Khối đạt khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi năm.
Các Nhà máy sản xuất Cơ khí của TKV đa số được xây dựng từ những năm 1960 -1970 đến nay với sự giúp đỡ của Chính phủ Liên Xô trước đây. Đa số các thiết bị công nghệ là những thiết bị gia công vạn năng cũ với cấp độ chính xác ở mức không cao.
Theo quy hoạch và định hướng phát triển trước đây, Cơ khí TKV được thiết kế, đầu tư trang thiết bị và các quy trình sản xuất chủ yếu phục vụ công tác sửa chữa các thiết bị chuyên ngành trong khai thác mỏ lộ thiên và chế biến than.
Trong 10 năm gần đây, TKV chủ trương đẩy mạnh việc chuyển đổi từ Cơ khí sửa chữa sang Cơ khí chế tạo, từng bước làm chủ về thiết kế, công nghệ để chế tạo các thiết bị, phụ tùng thay thế hàng nhập khẩu. Các đơn vị sản xuất của Cơ khí TKV đã đầu tư, trang bị mới nhiều thiết bị công nghệ hiện đại đồng bộ trong các công đoạn gia công chính xác và đang dần từng bước tự động hóa các khâu sản xuất.
Công ty Cổ phần Cơ khí Ô tô Uông Bí chế tạo, lắp ráp máy đào lò.
Một số sản phẩm chế tạo thay thế nhập khẩu gần đây có thể kể tới, như:
(i) Chế tạo và lắp ráp các thiết bị: Máy xúc EKG-10 có dung tích gầu đến 10m3; Ô tô tải có trọng tải đến 35 tấn; Máy đào lò liên hợp Com-bai AM-50Z; Máy xúc thủy lực phòng nổ trong hầm lò có dung tích gầu từ 0,15 đến 0,6 m3; Đầu tàu điện sử dụng ắc quy phòng nổ dùng trong hầm lò có lực kéo đến 120 kN; Các loại thiết bị Khoan, Xúc, Vận chuyển dùng trong cơ giới hầm lò.
(ii) Chế tạo các loại giàn chống tự hành, giá khung di động trong lò chợ cơ giới hóa đồng bộ; các loại cột chống, xy lanh thủy lực phục vụ khai thác than hầm lò có đường kính đến 200mm.
(iii) Đóng mới các phương tiện thủy, trong đó có tàu chở hàng khô trọng tải đến 15.000 DWT.
(iv) Chế tạo, lắp ráp các loại xe chuyên dùng phục vụ trong ngành. Trong đó có các loại xe trộn nạp thuốc nổ công nghiệp; xe chở vật liệu nổ; xe vận chuyển người, thiết bị, vật tư trong các đường lò dốc.
(v) Thiết kế chế tạo các loại thiết bị điện: các trạm biến áp đến 6.300 kVA- 110 kV; các tủ điện, máy biến áp, khởi động từ phòng nổ đến 1.250 kVA-6/0,4 kV có chất lượng cao.
(vi) Thiết kế, chế tạo các thiết bị thuộc lĩnh vực vận tải, sàng tuyển: Băng tải phòng nổ có công suất đến 3x630 kW, băng tải phòng nổ vận tải dốc xuống, sử dụng hãm tái sinh năng lượng có công suất đến 2x200 kW; các loại máng cào phòng nổ có năng suất đến 250 Tấn/giờ; các loại sàng phân loại đến 800 Tấn/giờ; các hệ thống máy đập, máy sàng khô, ướt, buồng gầu các loại dùng trong nhà máy tuyển khoáng.
(vii) Từng bước chế tạo và xuất khẩu các phụ tùng thiết bị dùng trong khai thác, vận tải khoáng sản ra thị trường quốc tế, điển hình như các loại: Chi tiết chịu mài mòn của các máy Combai; Bi chao, trục ắc trong các thiết bị vận tải công suất lớn; Con lăn băng tải;...
Bên cạnh đó, nhiều thiết bị trước đây đều phải nhập khẩu từ các nước phát triển như: Ba Lan, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc hiện đã được Cơ khí TKV nội địa hóa từng phần, chế tạo các loại phụ tùng thay thế để chủ động trong sản xuất và giảm chi phí đầu tư thiết bị. Hiện tại, Cơ khí TKV đang hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn sản phẩm, tính toán tỷ lệ nội địa hóa và dần có sự quan tâm đến công tác xây dựng thương hiệu để giúp thị trường có thêm thông tin nhận diện được các sản phẩm cơ khí thương hiệu TKV.
Máy móc hiện đại được Công ty Cổ phần Công nghiệp Ôtô - Vinacomin đầu tư, nhằm đáp ứng năng lực chế tạo, sửa chữa
Duy trì sản xuất vượt qua đại dịch
Năm 2021 là năm thứ 2 nền kinh tế chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19, trong đó cơ khí là ngành sản xuất đã chịu tác động kép từ việc suy giảm nhu cầu trên thị trường do các ngành kinh tế khác giảm sản xuất, đồng thời chịu thêm tác động do nguồn cung các vật tư, phụ tùng, nhất là vật tư nhập khẩu có xu hướng khan hiếm và không ổn định về giá cả. Với Cơ khí TKV, đại dịch Covid có tác động kép ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh. Trong đó ảnh hưởng lớn nhất là nguồn cung cấp các vật tư, phụ tùng nhập khẩu bị ảnh hưởng cả về tiến độ lẫn sự ổn định về giá cả. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực kinh tế điều chỉnh giảm sản lượng dẫn đến giảm cung trên thị trường kéo theo chi phí sản xuất tăng cao.
Kết quả sản xuất kinh doanh của Cơ khí TKV năm 2021, về cơ bản vẫn đảm bảo được sự tăng trưởng về chỉ tiêu doanh thu bán hàng, song các chỉ tiêu hiệu quả thì bị giảm rõ rệt. Tổng doanh thu năm 2021 của cả Khối (11 đơn vị) đạt 5.441,73 tỷ đồng/4.038,26 tỷ đồng kế hoạch (KH), đạt 134,8% KH năm và bằng 122,9% doanh thu thực hiện năm 2020. Tiền lương bình quân chung toàn Khối đạt 9.635 ngàn đồng/người/tháng, đạt 112,8% KH và bằng 103,7% so với năm 2020. Tỷ trọng tăng thu nhập bình quân thấp hơn khá nhiều so với tỷ trọng tăng doanh thu tương ứng đã phản ánh đúng về bản chất giá trị tăng lên của doanh thu là do giá trị tăng lên của giá vốn tác động.
Giá cả vật tư tăng cao, không ổn định dẫn đến chi phí tài chính tăng, một số đơn vị có quy mô nhỏ gặp nhiều ảnh hưởng về nguồn vốn sản xuất. Các chi phí phát sinh liên quan đến chi phí kiểm soát dịch bệnh, xét nghiệm, tổ chức sản xuất 3 tại chỗ, … làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, lợi nhuận trước thuế của khối Cơ khí năm 2021 ước đạt 44.820 triệu đồng, đạt 117% KH và bằng 103,2% so với năm 2020.
Tiếp tục xây dựng Cơ khí TKV phát triển An toàn - Bền vững - Hiệu quả
Nhận thức được những thay đổi về môi trường vĩ mô trong giai đoạn sắp tới khi Việt Nam thúc đẩy tiến trình CNH, HĐH và tăng cường hội nhập quốc tế, TKV đã sớm tổ chức nghiên cứu, đánh giá lại thực trạng các doanh nghiệp, phân tích các điểm mạnh, điểm yếu để tìm ra các cơ hội phát triển trong giai đoạn tiếp theo, điều đó được thể hiện qua Chiến lược phát triển Cơ khí TKV giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2035.
Thị trường nội địa của Cơ khí TKV giai đoạn tiếp theo được định hướng thay đổi và phát triển với một số nét chính sau:
+ Tiếp tục xây dựng Cơ khí TKV phát triển An toàn - Bền vững - Hiệu quả và gắn với quy hoạch phát triển của TKV. Đảm bảo năng lực sản xuất để đáp ứng các yêu cầu trong TKV và dần vươn ra thị trường bên ngoài.
+ Sắp xếp lại sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, đầu tư đổi mới và tăng cường năng lực chế tạo, sửa chữa các thiết bị phục vụ cho các lĩnh vực sản xuất chính của TKV. Chuyên môn hóa công tác sửa chữa máy móc thiết bị, liên kết sử dụng kỹ thuật, công nghệ và các dịch vụ kỹ thuật khác.
+ Tăng cường sự hợp tác giữa Tư vấn - Thiết kế - Chế tạo trong nước, chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài kết hợp đào tạo nhân lực. Đẩy mạnh phát triển năng lực trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, nghiên cứu KHCN. Đẩy mạnh, tăng cường và mở rộng hợp tác trong công tác phát triển sản phẩm phục vụ nhu cầu của các đơn vị trong TKV, các ngành kinh tế khác và xuất khẩu.
Mục tiêu cụ thể về cơ khí chế tạo, phấn đấu đáp ứng nhu cầu về phụ tùng cơ khí của các đơn vị sản xuất trong TKV với tỷ lệ: đến năm 2025 đạt 75 ÷ 80% nhu cầu; đến năm 2030 đạt ≥ 85%; năm 2035 đạt ≥ 90% nhu cầu. Đáp ứng nhu cầu về thiết bị, dây chuyền đồng bộ trong khai thác than hầm lò trong TKV với tỷ lệ: đến năm 2025 đạt 50 ÷ 60% nhu cầu; đến năm 2030 đạt ≥ 75%; năm 2035 đạt ≥ 85% nhu cầu. Đối với thiết bị khai thác lộ thiên (than và khoáng sản các loại), đến năm 2025 phấn đấu đáp ứng 100% nhu cầu xe vận tải trung xa, xe chuyên dùng (chở thuốc nổ, chở hóa chất, chở nước…), máy xúc gầu thuận chạy bằng điện của các đơn vị trong TKV; đáp ứng nhu cầu về thiết bị, dây chuyền đồng bộ trong sàng tuyển và chế biến than của các đơn vị trong TKV với tỷ lệ: đến năm 2025 đạt ³ 80% nhu cầu; đến năm 2030 đạt ≥ 85%; năm 2035 đạt ≥ 90% nhu cầu. Đối với thiết thiết bị và dây chuyền đồng bộ trong chế biến khoáng sản, phấn đấu đáp ứng nhu cầu của các đơn vị trong TKV với tỷ lệ: đến năm 2025 đạt từ 40 ÷ 50% nhu cầu; đến năm 2030 đạt ≥ 60%; năm 2035 đạt ≥ 70% nhu cầu. Trong lĩnh vực nhiệt điện than, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị sản xuất điện than trong TKV về thiết bị lọc bụi, bơm nước làm mát, hệ thống thiết bị tiếp nhận, vận chuyển và lưu kho nhiên liệu (than, đá vôi) với tỷ lệ: đến năm 2025 đạt từ 40 ÷ 50% nhu cầu; đến năm 2030 đạt ≥ 60%; năm 2035 đạt ≥ 70% nhu cầu.
Về dịch vụ sửa chữa, thực hiện 100% kế hoạch sửa chữa trung đại tu các thiết bị công nghệ trong khai thác, chế biến, vận chuyển than trong toàn Tập đoàn ngay từ năm 2020. Phấn đấu tham gia và nâng cao tỷ trọng công tác sửa chữa thiết bị công nghệ của các lĩnh vực sản xuất khác của TKV (như nhiệt điện, sản xuất Alumin và nhôm, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất hóa chất) theo các giai đoạn: đến năm 2025 đạt từ 10% đến 15% nhu cầu; đến năm 2030 đạt ≥ 25%; năm 2035 đạt ≥ 50% nhu cầu. Tăng tỷ trọng chế tạo phụ tùng dùng trong sửa chữa trung đại tu thiết bị công nghệ theo từng giai đoạn: đến năm 2025 đạt ≥ 35% ; đến năm 2030 đạt ≥ 55%; năm 2035 đạt ≥ 70% trên tổng giá trị chi phí phụ tùng trong sửa chữa. Từng bước nghiên cứu, tổ chức sản xuất để tăng cung cấp dịch vụ sửa chữa tại hiện trường, đáp ứng nhanh nhất yêu cầu về tiến độ của đơn vị sử dụng thiết bị. Phấn đấu tăng doanh thu từ cung cấp dịch vụ sửa chữa tại hiện trường tăng đều bình quân hàng năm với mức ≥5%/năm về giá trị so với mốc thực hiện năm 2020.
Về dịch vụ kỹ thuật, phấn đấu đáp ứng nhu cầu tư vấn đầu tư, thiết kế, giám định, thử nghiệm và kiểm tra bằng phương pháp không phá hủy (NDT), đánh giá chất lượng… của các đơn vị trong và ngoài TKV với tỷ lệ: đến năm 2025 đạt ³ từ 40 ÷ 50% nhu cầu; đến năm 2030 đạt ≥ 60%; năm 2035 đạt ≥ 80% nhu cầu. Phấn đấu trở thành một nhà cung cấp dịch vụ KHKT trong lĩnh vực sản xuất cơ khí, tự động hóa, dây chuyền thiết bị khai thác và chế biến khoáng sản, thiết bị sản xuất và sử dụng năng lượng, thiết bị sản xuất hóa chất…) có uy tín trong nước từ sau năm 2025 và trong khu vực vào năm 2035. Cung cấp dịch vụ kiểm tra, kiểm định các loại giàn, giá chống có cơ cấu điều khiển bằng thủy lực áp dụng cho sản phẩm thiết kế mới lần đầu và sản phẩm kiểm định sau sửa chữa trung tu theo quy định, đáp ứng 100% nhu cầu trong toàn Tập đoàn từ sau năm 2025.
Cùng với đó là tăng tỷ trọng giá trị sản xuất chế tạo cơ khí từ 75% tổng doanh thu năm 2020 lên mức 80% tổng doanh thu vào năm 2025 và ≥ 85% tổng doanh thu sau 2030; tăng tỷ trọng doanh thu ngoài ngành từ mức 10% giá trị sản xuất cơ khí năm 2020 lên mức 15% vào năm 2025, ≥ 20% giá trị sản xuất cơ khí vào năm 2030 và không thấp hơn 30% vào năm 2035.
Lãnh đạo Tập đoàn TKV kiểm tra sản phẩm cơ khí chế tạo của Công ty CP Công nghiệp Ô tô - Vinacomin.
Định hướng giải pháp phát triển
Để giúp Cơ khí TKV mạnh dạn tham gia CMCN 4.0 một cách tự tin và sớm đạt được kết quả mong đợi trong giai đoạn tới, Tập đoàn TKV sẽ tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, chú trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt của doanh nghiệp; lực lượng kỹ thuật và đội ngũ chuyên gia các lĩnh vực. Tuyển dụng mới đi đôi với công tác sàng lọc, đào tạo/ đào tạo lại để nâng cao chất lượng lao động kỹ thuật, bổ sung các nhóm công nghệ hiện đang thiếu/yếu. Chú trọng phát triển đội ngũ công nhân kỹ thuật có năng lực tiếp cận công nghệ mới và thiết bị hiện đại.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh Cơ giới hóa - Tự động hóa - Tin học hóa, tiếp tục chương trình đầu tư hiện đại hóa thiết bị, công nghệ, nâng cao trình độ tự động hóa và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đầu tư song song giữa các thiết bị công nghệ và các phần mềm chuyên ngành, nhất là các phần mềm hỗ trợ thiết kế sản phẩm và quản lý kho. Khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết bị đã được đầu tư.
Rà soát, hoàn thiện các quy trình công nghệ trong sản xuất, hoàn thiện và bổ sung các Định mức kinh tế kỹ thuật để tối ưu hóa chi phí trong sản xuất và nâng cao năng suất lao động. Tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thử nghiệm các sản phẩm mới. Đẩy mạnh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu thông qua các đề tài KHCN để chuyển hóa thành các sản phẩm thương mại có năng lực cạnh tranh tốt trên phạm vi quốc gia và khu vực.
Theo Tạp chí cơ khí Việt Nam
lên đầu trang