Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 20:23

Thứ bảy, 27/04/2024 | 20:23

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 12:10 ngày 25/04/2022

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên là 1 trong 6 trường đại học sư phạm kỹ thuật của cả nước, lấy ứng dụng làm trọng tâm để giảng dạy, có chức năng đào tạo kỹ sư công nghệ và giáo viên kỹ thuật. Được đánh giá là một trong những trường đại học kỹ thuật đầu ngành, những năm gần đây, bên cạnh công tác đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế luôn được Ban Giám hiệu Nhà trường đặc biệt quan tâm nhằm hướng tới xây dựng Trường trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (Hung Yen University of Technology and Education - UTEHY) tiền thân là Trường Trung học Công nghiệp Hưng Yên được thành lập ngày 21/12/1966 thuộc Bộ Công nghiệp nặng. Năm 1970, Trường được đổi tên thành Trường Giáo viên dạy nghề I (thuộc Tổng cục Dạy nghề), năm 1979 được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật I (thuộc Tổng cục Dạy nghề, năm 1987 thuộc Bộ Đại học - Trung học chuyên nghiệp, năm 1990 thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ngày 6/1/2003, Trường được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 04/2003/QĐ-TTg về việc Thành lập Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hướng tới thành trường trọng điểm của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ
Với mục tiêu trở thành trường đại học trọng điểm của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, những năm gần đây, UTEHY đã đẩy mạnh công tác đào tạo theo định hướng ứng dụng trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật công nghệ, kinh tế, ngoại ngữ và giáo dục nghề nghiệp; cung cấp nguồn nhân lực có đạo đức nghề nghiệp, có kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức công nghệ, tri thức khoa học và sáng tạo, với phong cách làm việc chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế; là cơ sở nghiên cứu, truyền bá tri thức khoa học và công nghệ (KH&CN), giáo dục nghề nghiệp cho cộng đồng xã hội và doanh nghiệp. Với những nỗ lực không ngừng, tháng 7/2021, UTEHY đã được xếp ở vị trí thứ 22 trong bảng xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam do Webometric1 công bố. Năm 2018, Nhà trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Năm 2020, UTEHY được công nhận đạt chuẩn xếp hạng UPM2 4 sao theo hệ thống tiêu chí đối sánh chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Năm 2021, UTEHY có 4 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đại học (công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử và công nghệ thông tin).
Hiện tại, Trường có quy mô đào tạo trên 10.000 sinh viên, học viên với 21 ngành đào tạo đại học, chia thành 40 chuyên ngành, trong đó có 8 chuyên ngành thạc sĩ, 2 chuyên ngành tiến sĩ. Nhà trường có thế mạnh và kinh nghiệm nghiên cứu ứng dụng trong các ngành công nghệ trọng điểm: công nghệ cơ khí, công nghệ tự động hóa, công nghệ robot, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu - vật liệu nano, công nghệ hóa học và xử lý môi trường…
Năm học 2020-2021, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 nhưng UTEHY vẫn hoàn thành xuất sắc kế hoạch tuyển sinh và đào tạo; công tác nghiên cứu khoa học trong cán bộ, giảng viên và sinh viên được đẩy mạnh; các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế được tăng cường… Trải qua hơn 55 năm xây dựng và trưởng thành, với uy tín và bề dày kinh nghiệm về đào tạo theo định hướng thực hành ứng dụng, UTEHY luôn là một trong những trường đại học uy tín của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, là địa chỉ đào tạo tin cậy - nơi gửi gắm niềm tin yêu của các bậc phụ huynh và các em sinh viên.
Phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học
Với phương châm lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng, động lực cho sự phát triển, UTEHY đã đặt ra 6 nhiệm vụ và giải pháp chính: Một là, xây dựng hệ sinh thái đồng bộ từ nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, sản xuất thử nghiệm đến chuyển giao công nghệ và thương mại hoá; lấy công trình khoa học hoặc sản phẩm, sáng chế có giá trị đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội làm thước đo đánh giá chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của giảng viên/sinh viên trong Trường. Hai là, luôn nhận thức việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong hoạt động KH&CN là động lực cho sự phát triển của Nhà trường và là nguồn thu của Trường khi tự chủ. Ba là, coi xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh là một trong những giải pháp quan trọng, then chốt góp phần thiết thực triển khai đổi mới KH&CN một cách căn bản và toàn diện theo hướng chất lượng, hiệu quả và hội nhập với các chuẩn mực quốc tế. Bốn là, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển mạnh hoạt động KH&CN trong Nhà trường ở các lĩnh vực: thực hiện các đề tài/nhiệm vụ/chương trình KH&CN các cấp, một số kết quả nghiên cứu đăng ký sở hữu trí tuệ và phát triển các dịch vụ KH&CN. Năm là, phát triển cả về số lượng và chất lượng các công trình công bố khoa học của cán bộ, giảng viên trên các tạp chí trong nước và quốc tế thuộc danh mục WoS/Scopus. Xây dựng Tạp chí KH&CN (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên) nằm trong danh mục VCI do Hội đồng Giáo sư nhà nước công nhận. Sáu là, xây dựng và tổ chức các chương trình hội thảo quốc gia/quốc tế gắn với các ngành đào tạo trong Nhà trường và xu hướng phát triển chung của thế giới về KH&CN.
Giai đoạn 2015-4/2022, Trường đã chủ trì thực hiện 493 đề tài/dự án các cấp, trong đó có 5 đề tài cấp nhà nước, 17 đề tài cấp bộ, 3 đề tài cấp tỉnh và 468 đề tài cấp trường…; số bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học uy tín, hội thảo trong và ngoài nước của trường đạt gần 1.659 bài, trong đó có 341 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế (số lượng bài báo quốc tế thuộc danh mục WoS tăng nhanh, trong năm học 2020-2021 đạt 60 bài); hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên cũng đạt được nhiều thành tích tiêu biểu như: Vô địch Cuộc thi Robot Châu Á - Thái Bình Dương năm 2015, Giải Nhất cuộc thi Nhà Sáng tạo trẻ với Intel Galileo 2015, 1 Huy chương Bạc Triển lãm quốc tế dành cho Nhà sáng tạo trẻ năm 2019, 1 giải Ba Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2020, 10 giải thưởng tại Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Hưng Yên cùng rất nhiều giải tại các cuộc thi Olympic khác nhau… Bên cạnh đó, Nhà trường còn thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học nhằm trao đổi kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong các lĩnh vực. Đặc biệt, từ ngày 3-6/11/2021, Trường đã phối hợp với Hội nghiên cứu Biên tập Công trình KH&CN Việt Nam (VASE) tổ chức Hội thảo quốc tế về cơ khí tiên tiến, tự động hóa và phát triển bền vững 2021 (AMAS 2021). Hội thảo đã thu hút hơn 200 đại biểu tham dự gồm các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện bộ/ngành, doanh nghiệp cùng nhau trao đổi về các vấn đề trong lĩnh vực cơ khí, tự động hoá và phát triển bền vững.
Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế
Hoạt động hợp tác quốc tế luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các trường đại học, trong đó có UTEHY. Trong mỗi giai đoạn phát triển, Nhà trường đều có những chương trình, kế hoạch hợp tác quốc tế phù hợp, phát huy tốt truyền thống, thế mạnh của Trường để đạt được hiệu quả thiết thực. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, Nhà trường đã có nhiều chương trình đào tạo tiên tiến được phát triển và triển khai thích ứng với điều kiện của Việt Nam. Các hội nghị, hội thảo chuyên đề, các lớp bồi dưỡng do các chuyên gia quốc tế thực hiện đã góp phần làm thay đổi phương pháp giảng dạy, nhất là việc ứng dụng công nghệ mới, nguồn tài liệu và trang thiết bị phục vụ đào tạo.
Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của hoạt động hợp tác quốc tế trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác đào tạo, trao đổi giảng viên và sinh viên với các viện nghiên cứu, trường đại học như: Fontys (Hà Lan); Phùng Giáp, Trung Nguyên, Đức Minh, Nghĩa Thủ, Đại học KH&CN Quốc gia Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc); Đại học Hà Nam (Trung Quốc); Đại học Open University (Malaysia); Đại học Kỹ thuật Liberec, Hradec Kralove (Cộng hòa Séc); VIA (Đan Mạch); Oulu (Phần Lan), Edge Hill (Vương quốc Anh); Sun Moon (Hàn Quốc)...
Với việc xác định rõ sứ mạng và tầm nhìn, UTEHY sẽ tiếp tục đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng xu thế hội nhập toàn cầu.
1 Bảng xếp hạng đại học thế giới Webometrics (Webometrics Ranking of World Universities) hay Bảng xếp hạng web của các trường đại học là một hệ thống xếp hạng các trường đại học dựa trên một chỉ số tổng hợp gồm khối lượng nội dung web (số trang và tệp tin), số lượt xem và độ ảnh hưởng đến ấn phẩm bên ngoài (trích dẫn) của trang web đại học đó, từ đó đánh giá được độ nổi bật của thương hiệu đại học đó. Các thứ hạng được phòng thí nghiệm Cybermetrics, một thành viên của Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha (CSIC) xuất bản.
2 Hệ thống xếp hạng đối sánh do Việt Nam phát triển mang tên “University Performance Metrics” (UPM).
TS Vũ Hồng Sơn
Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên
(Nguồn: vjst.vn)
lên đầu trang