Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 19:49

Chủ nhật, 28/04/2024 | 19:49

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:18 ngày 10/05/2022

Than Vàng Danh thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa công tác vận tải hầm lò

Công ty Than Vàng Danh đã nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng các bộ điều khiển từ xa đóng/mở ghi đường sắt phòng nổ dùng trong và ngoài hầm lò giúp tăng năng suất vận tải đường sắt trong hầm lò, đồng thời giảm nguy cơ mất an toàn khi vận hành thiết bị vận tải đường sắt trong hầm lò.
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa trong công tác đào lò, khai thác than, Công ty CP Than Vàng Danh đã chế tạo và đưa vào sử dụng các bộ điều khiển từ xa đóng/mở ghi đường sắt phòng nổ dùng trong và ngoài hầm lò. Giải pháp không chỉ mang lại nhiều hiệu quả cho đơn vị mà còn góp phần giúp Than Vàng Danh tiến tới tự động hóa khâu vận tải đường sắt. Được biết, đây cũng là giải pháp giành giải Nhất Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh năm 2021 và được các đơn vị bạn đến tham quan, học tập, áp dụng thành công.
Theo đó, một bộ điều khiển tự động đóng mở ghi đường sắt có cấu tạo gồm tủ điều khiển và bộ ghi điều khiển bằng piston khí nén. Để thực hiện thao tác điều khiển ghi rẽ từ xa, người vận hành phải cho tàu chạy chậm lại trước ghi từ 10-20m. Sau đó, quan sát, kiểm tra vị trí ghi, đèn báo, biển chỉ hướng ghi để đóng mở ghi theo hướng cần di chuyển. Bằng giải pháp này, người vận hành chỉ cần ngồi trên tàu và nhấn nút để điều hướng đoàn tàu theo ý muốn thay vì phải lên xuống để bẻ ghi bằng tay như trước. Với thời gian thực hiện chỉ vài giây, giải pháp này đã giúp giảm thời gian vận chuyển người và vật tư so với trước đây từ 20-30 phút/chuyến. Quan trọng hơn, giải pháp giúp bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động. 
Tầm xa điều khiển của bộ điều khiển từ xa đóng/mở ghi đường sắt phòng nổ dùng trong hầm lò lên tới 100-150m với môi trường mở và từ 30-50m với môi trường nhiều vật cản. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Bên cạnh đó, việc áp dụng giải pháp đóng mở ghi đường sắt phòng nổ còn giúp năng suất vận tải của các phương tiện được nâng lên, sức lao động thủ công của người thợ được giảm, tiết kiệm năng lượng điện ắc quy tàu điện, nâng cao thời gian phục vụ của đầu tàu trong ca. Ngoài ra, những chi phí sửa chữa, thay má phanh tàu cũng được giảm đáng kể, giúp đơn vị tiết kiệm được chi phí sản xuất....
Được biết, Công ty CP Than Vàng Danh đang sử dụng phương tiện vận tải bằng tàu điện để vận chuyển người, than, đất đá, vật liệu bằng đường sắt trong hầm lò với tổng chiều dài 65km. Trên các tuyến đường có nhiều ga chứa, ga trung chuyển, nhiều lối rẽ phải lắp đặt với tổng số trên 420 bộ ghi các loại. Hiện nay, đơn vị đã lắp đặt được 190/240 bộ ghi tự động trên các tuyến đường sắt chính, có cung độ dài. Dự kiến, đơn vị sẽ tiếp tục khảo sát và lắp đặt bổ sung cho các đường rẽ nhánh trong năm 2022. Từ việc áp dụng thành công và mang lại hiệu quả ở Than Vàng Danh, một số đơn vị khác như Than Uông Bí, Mạo Khê, Nam Mẫu, Quang Hanh, Mông Dương… cũng đã áp dụng các bộ điều khiển từ xa đóng/mở ghi đường sắt phòng nổ dùng trong hầm lò.
Với chủ trương cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa trong quản lý và sản xuất, theo ông Đinh Hữu Quyết - Trưởng ban Cơ điện Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường áp dụng công nghệ vận tải phù hợp với từng đơn vị, nhân rộng tự động hóa hệ thống vận tải đường sắt hầm lò. Cũng theo ông Quyết, Tập đoàn sẽ rà soát các vị trí có điều kiện phù hợp để đầu tư cơ giới hóa, tự động hóa phương tiện, thiết bị vận chuyển người, vật tư, vật liệu, cải thiện điều kiện làm việc, đi lại cho công nhân.
Bích Phương

lên đầu trang