Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 30/04/2024 | 17:08

Thứ ba, 30/04/2024 | 17:08

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 07:32 ngày 12/05/2022

Giải pháp của Vietsovpetro đạt giải Nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc

Giải pháp “Thu hồi khí Hydrocarbon trên tàu chứa dầu Vietsovpetro bằng cách lắp đặt thêm hệ thống thu gom hydrocarbon” của ThS. Trần Văn Vĩnh - Chánh Kỹ sư tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các cộng sự đã xuất sắc giành giải Nhất lĩnh vực Nông lâm ngư nghiệp và môi trường tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16.
Với giải pháp này, ThS. Trần Văn Vĩnh đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Ban tổ chức, Bằng Lao động Sáng tạo, Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo và tiền thưởng trị giá 50 triệu đồng.
Hệ thống thu gom hydrocacbon (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Chia sẻ tại Lễ trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 được tổ chức vào tối ngày 11/5, ThS. Trần Văn Vĩnh cho hay, để khai thác dầu thô ngoài khơi, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro sử dụng đội tàu chứa dầu (FSO) để tiếp nhận, xử lý đến dầu thương phẩm, sau đó tàng chứa và xuất bán cho khách hàng. Mỗi FSO có sức chứa 150.000 tấn với công suất tiếp nhận và xử lý lên tới 15.000 tấn/ngày. 
Việc xử lý dầu đến thương phẩm được thực hiện ở các hầm công nghệ của FSO. Trong đó, sản phẩm giếng đến FSO được gia nhiệt đến 60-65oC. Ở nhiệt độ này, một lượng lớn dầu nhẹ (hydrocacbon) sẽ bay hơi qua hệ thống van thở trên FSO, đến đuốc để đốt và thoát ra môi trường không khí bên ngoài.
"Nếu tính từ khi khai thác dầu đến nay, lượng dầu nhẹ bay hơi qua hệ thống van thở trên các FSO của Vietsovpetro đã lên đến hơn 2 triệu tấn. Như vậy, hàng năm, Vietsovpetro không chỉ mất đi một lượng đáng kể dầu nhẹ, gây lãng phí nguồn tài nguyên mà còn làm ô nhiễm môi trường không khí bên ngoài" - ThS. Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ThS. Vĩnh, trong quá trình xuất bán dầu thô và tiếp nhận dầu thương phẩm, một lượng lớn hydrocarbon giàu LPG cũng bị đẩy qua hệ thống van thở ra môi trường không khí bên ngoài.  
Chính vì vậy, nhằm tận thu được tài nguyên cho đất nước, giảm ô nhiễm môi trường, ThS. Trần Văn Vĩnh cùng các cộng sự của Vietsovpetro đã đề xuất lắp đặt hệ thống thu hồi khí hydrocacbon từ hệ thống van thở của FSO. Hệ thống này bao gồm một bình tách, làm sạch các tạp chất trong khí thu gom trước khi đi vào máy nén; bộ trao đổi nhiệt Gas-Gas; bộ trao đổi nhiệt khí; bình tách dùng để tách lỏng và khí sau khí ra khỏi bộ trao đổi nhiệt; bộ fill lọc khí; hệ thống thông gió và thoát nước; đường nhiên liệu cung cấp khí đốt cho lò hơi trên FSO.
Sau khi nghiên cứu, năm 2015, Vietsovpetro đã lắp đặt hệ thống thu hồi khí hydrocacbon trên FSO-2 để thu hồi hydrcacbon từ hệ thống van thở. Kết quả vận hành thực tế cho thấy, với lưu lượng tiếp nhận và xử lý 2.500 tấn dầu/ngày, hệ thống này đã giúp thu nhận một lượng khí hydrocacbon và LPG khoảng trên 25 tấn/ngày. Đáng chú ý, 10-12 tấn khí hydrocarbon và LPG thu hồi được sử dụng để cung cấp cho hệ thống nồi hơi của FSO-02, thay thế nguồn dầu DO/FO. Trong khi đó, 12-15 tấn LPG còn lại và dầu nhẹ C5+ được chuyển vào cùng dầu thương phẩm.
Cũng theo ThS. Trần Văn Vĩnh, đây là lần đầu tiên hệ thống thu gom khí van thở được lắp đặt trên tàu chứa dầu FSO của Vietsovpetro. Đặc biệt, hệ thống này có khả năng áp dụng cho tất cả các tàu chứa dầu FSO của Vietsovpetro và các loại tổ hợp xử lý dầu FPSO có hệ thống van thở đang vận hành tại các công ty điều hành khai thác các mỏ dầu khí của Petrovietnam. Ngoài ra, các kho/bồn chứa dầu thô tại các nhà máy lọc dầu trong nước, các kho xăng dầu của Petrolimex, PVOil có hệ thống van thở ra môi trường không khí cũng hoàn toàn có thể áp dụng, lắp đặt hệ thống thu hồi khí này. 
Được biết, ngoài giải pháp đạt giải Nhất của tác giả Trần Văn Vĩnh, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro còn có hai giải pháp cũng đạt giải cao tại hội thi lần này. Đó là giải pháp “Kết cấu Subsea Tmeplate kết nối với giếng khoan thăm dò TU-3X không sử dụng trạm lặn bão hòa” của tác giả Nguyễn Văn Thắng và các cộng sự đến từ Viện nghiên cứu Khoa học và Thiết kế. Giải pháp này đạt giải Nhì trong lĩnh vực cơ khí, xây dựng, giao thông vận tải. Bên cạnh đó là giải pháp đạt giải Ba “Nghiên cứu, chế tạo ứng dụng bộ điều khiển điện tử giúp đồng bộ hai đoàn xe trailer Nicolas, phục vụ kịp thời thi công chân đế BK-21” của tác giả Võ Đức Thảo và các cộng sự đến từ Xưởng Điện máy xây dựng Xí nghiệp xây lắp khảo sát và sửa chữa các công trình khai thác dầu khí. 
Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của toàn dân trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020-2021), Ban tổ chức đã nhận được 542 giải pháp tham dự đến từ 55 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành. Hội đồng giám khảo đã chọn được 84 giải pháp đề nghị Ban tổ chức trao giải gồm 5 giải Nhất; 11 giải Nhì; 23 giải Ba và 45 giải Khuyến khích. 
Hà Nguyễn
lên đầu trang