Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 15:06

Thứ bảy, 04/05/2024 | 15:06

Tin KHCN

Cập nhật lúc 12:44 ngày 30/05/2022

Vicem Bút Sơn lợi hàng chục tỷ đồng nhờ giải pháp đồng xử lý chất thải

Thực hiện chủ trương triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất xi măng của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, Vicem Bút Sơn đã thực hiện Chương trình đồng xử lý chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế (Chương trình) và đạt được hiệu quả kinh tế cao. 
Đồng xử lý chất thải trong lò xi măng là một lựa chọn ưu thế so với xây dựng mới các nhà máy chuyên dụng đốt rác. Nguyên nhân là do các nhà máy xi măng đã có sẵn ưu thế về thiết bị đốt (lò nung, tháp trao đổi nhiệt,..), các thiết bị bảo vệ môi trường (lọc bụi túi, lọc bụi điện, ống khói,..) nên chỉ cần một lượng vốn đầu tư nhỏ hơn nhiều so với việc xây dựng các lò đốt rác, thì các lò quay xi măng có thể đáp ứng các yêu cầu của việc đồng xử lý chất thải.
Trên thế giới, giải pháp này được đánh giá là một trong những giải pháp bền vững nhất để xử lý chất thải không thể tái chế, được nhiều tổ chức quốc tế công nhận là công nghệ xử lý chất thải an toàn, thân thiện với môi trường và khuyến khích áp dụng. Để thực hiện Chương trình, Vicem Bút Sơn thực hiện đồng bộ các công tác từ khảo sát các nguồn chất thải tại thành phố Hà Nội và các khu vực lân cận để đánh giá lượng chất thải phát sinh, khả năng cung cấp, vận chuyển và phương án xử lý chất thải tại các nhà máy.
Để phù hợp với các quy định trong quản lý nhà nước về xử lý rác thải, trong giai đoạn đầu thử nghiệm Vicem Bút Sơn đã sử dụng các nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường làm nhiên liệu thay thế. Năm 2020, khi hệ thống xử lý rác đi vào hoạt động, tỷ lệ sử dụng rác làm nhiên liệu thay thế than cám đạt 8-10% với khối lượng xử lý bình quân 110 - 130 tấn rác/ngày, tổng khối lượng rác đã sử dụng là 40.300 tấn.
Lò lung clinker - nơi diễn ra quá trình xử lý rác thải. (Nguồn ảnh: http://nuocvadoisong.vn)
Năm 2021, Vicem Bút Sơn đã tối ưu hóa hệ thống, nâng tỷ lệ đốt rác làm nhiên liệu thay thế đạt 21 - 22%, khối lượng xử lý bình quân 300 tấn/ngày, tổng khối lượng rác thải đã xử lý trong năm là 92.500 tấn rác công nghiệp các loại. Nhờ hệ thống điều hành và kiểm soát chất lượng của nhà máy, toàn bộ quá trình sản xuất xi măng và đồng xử lý chất thải được giám sát tự động liên tục, bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sản phẩm và các chỉ tiêu phát thải môi trường.
Kết thúc quá trình thử nghiệm xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại nhà máy, Vicem Bút Sơn nhận thấy việc đồng xử lý chất thải không gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm cũng khẳng định các thành phần hóa học của chất thải không ảnh hưởng tới đặc tính cơ, lý, hóa, không làm giảm chất lượng clinker.
Bên cạnh đó, việc sử dụng rác thải, bùn thải làm nguyên liệu thay thế đã đem lại hiệu quả kinh tế trong việc giảm chi phí mua than cám, giảm tiêu thụ điện và hao mòn tấm lót của máy nghiền than, giảm chi phí sửa chữa thiết bị, giảm chi phí nguyên liệu từ lợi ích trong chi phí xử lý bùn thải công nghiệp, góp phần giảm chi phí sản xuất clinker…
Quá trình sản xuất, đồng xử lý chất thải/chất thải nguy hại được giám sát, điều khiển từ phòng CCR. (Nguồn ảnh: http://nuocvadoisong.vn)
Trong 2 năm vừa qua, Chương trình đồng xử lý chất thải đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Vicem Bút Sơn, góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể, năm 2020, hiệu quả từ Chương trình đồng xử lý chất thải mang lại là 40,12 tỷ đồng, trong đó, hiệu quả từ việc xử lý bùn thải là 2,65 tỷ đồng, từ đốt rác thải là 15,13 tỷ đồng, hiệu quả từ sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo là 22,34 tỷ đồng. Năm 2021, hiệu quả từ Chương trình đồng xử lý chất thải mang lại là 86,99 tỷ đồng, trong đó, hiệu quả từ việc xử lý bùn thải là 17,56 tỷ đồng, từ đốt rác thải là 44,32 tỷ đồng, hiệu quả từ sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo là 25,11 tỷ đồng.
Với những kết quả đã đạt được trong 2 năm qua, Chương trình đồng xử lý chất thải đã tạo tiền đề và là cơ sở để Vicem Bút Sơn tiếp tục tiên phong, đẩy mạnh nghiên cứu, phát huy tối đa các kết quả đạt được hướng tới các mục tiêu về tỷ lệ thay thế nhiệt cao hơn (lên đến 40-50%), sử dụng chất thải đa dạng hơn (kể cả chất thải rắn đô thị), nâng cao tỷ lệ sử dụng bùn thải kết hợp đồng xử lý chất thải nguy hại cùng với đó là các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc sử dụng tro xỉ, thạch cao nhân tạo trong sản xuất xi măng.
Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn là đơn vị thành viên Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, tiền thân là Công ty Xi măng Bút Sơn, được thành lập theo Quyết định số 54/BXD-TCLĐ ngày 28/01/1997 của Bộ Xây dựng. Vicem Bút Sơn luôn mong muốn trở thành thương hiệu hàng đầu Việt Nam về chất lượng, dịch vụ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xi măng và vật liệu xây dựng, phát triển bền vững và sản xuất xanh.
Tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về "0” vào năm 2050. Nhằm thực hiện chủ trương trên, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Công ty trong vấn đề phát triển bề vững, Vicem Bút Sơn đã triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất xi măng với Chương trình đồng xử lý chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng.
Nhật Quang
lên đầu trang