Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 11/05/2024 | 17:06

Thứ bảy, 11/05/2024 | 17:06

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:56 ngày 05/07/2022

VICEM xử lý “nút thắt”, làm chủ công nghệ

Đổi mới, sáng tạo và vươn lên làm chủ công nghệ là một trong những điểm sáng của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) thời gian qua nhằm gia tăng sức cạnh tranh.
Đổi mới, sáng tạo và vươn lên làm chủ công nghệ là một trong những điểm sáng của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) thời gian qua nhằm gia tăng sức cạnh tranh, khẳng định vai trò trụ cột của ngành xi măng Việt Nam và trở thành doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á ở lĩnh vực này.
Máy nghiền xi măng kiểu đứng. Ảnh: Vicem Hoàng Thạch.
Liên tục trong 2 năm đối mặt với dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của VICEM cũng như các đơn vị thành viên.
Tuy nhiên, VICEM đã chủ động tìm giải pháp để vượt qua, đạt kết quả kinh doanh khả quan trong 2 quý đầu tiên của năm 2022.
Trong 2 quý đầu năm, các đơn vị thuộc VICEM đã bám sát diễn biến giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào để điều chỉnh tăng giá bán xi măng, clinker phù hợp với thực tế thị trường; đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ xi măng tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên theo phương án tổ chức kinh doanh xi măng đã ban hành.
Kết thúc tháng 5, sản xuất kinh doanh toàn VICEM đạt kết quả tích cực với lượng sản xuất clinker hơn 8,6 triệu tấn, bằng 96,4% so cùng kỳ năm ngoái; sản xuất xi măng trực tiếp đạt hơn 10,7 triệu tấn, tăng 2,9%.
Tiêu thụ sản phẩm chính đạt 11,917 triệu tấn, đạt 96,4%; trong đó tiêu thụ xi măng là 10,734 triệu tấn, tăng 2,2% so cùng kỳ. Đáng chú ý, tiêu thụ nội địa đạt 9,168 triệu tấn, tăng 5% so cùng kỳ và xuất khẩu đạt 1,566 triệu tấn. Tổng doanh thu của VICEM đạt 15.764 tỷ đồng, tăng 12,4% với lợi nhuận trước thuế đạt 1.060,9 tỷ đồng; nộp ngân sách 1.037 tỷ đồng, tăng 27,3% so cùng kỳ.
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của thị trường xi măng là cung vượt cầu, giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, không đầu tư thêm nhà máy mới..., VICEM đã chọn phương án cải tạo chiều sâu xử lý “nút thắt” để tăng năng suất, tiết kiệm chi phí và gia tăng năng lực cạnh tranh.
Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh nhận xét, từ đầu năm đến nay, giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt giá than nhập khẩu có thời điểm trong tháng 5/2022 tăng lên 490 USD/tấn. Tham chiếu giá than trên thị trường thế giới từ tháng 10/2021 đến tháng 5/2022, giá bán than nhập khẩu biến động tăng tới 184% và tiếp tục dự báo xu hướng tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2022.
Trong khi đó, nguồn cung vẫn rất khan hiếm. Do đó, giải pháp đổi mới sáng tạo có ý nghĩa đặc biệt giúp VICEM giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh - Tổng giám đốc Lê Nam Khánh chia sẻ.
Ngoài việc rà soát, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng cường giám sát, quản lý thiết bị, chạy lò dài ngày... lãnh đạo VICEM đã định hướng các đơn vị thành viên phát triển theo chiều sâu, cải tạo thiết bị, tăng năng suất lò nung bằng đổi mới sáng tạo, đột phá trong sản xuất.
Điển hình trong hoạt động đổi mới sáng tạo là VICEM đã chỉ đạo VICEM Hoàng Mai thực hiện thành công việc sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý “nút thắt” để nâng năng suất lò nung trong tháng 3/2022. Năng suất lò từ 4.000 tấn clinker/ngày được nâng lên 4.500 tấn clinker/ngày với lượng tiêu hao nhiệt sản xuất clinker giảm khoảng 40 KCal/kg clinker so với thời điểm trước khi cải tạo.
Đây là một trong những thành công lớn nhất của VICEM. So với thời điểm trước đó, sau đợt cải tạo này sẽ đem lại cho VICEM Hoàng Mai mỗi năm xấp xỉ 50 tỷ đồng. Nếu trong điều kiện than khó khăn như hiện nay thì con số làm lợi từ cải tạo “nút thắt” kỹ thuật còn lớn hơn nữa.
Dấu mốc này đã mở ra bước ngoặt mới cho VICEM nói chung và VICEM Hoàng Mai nói riêng trong việc kiểm soát và tự thay thế thiết bị, công nghệ; không phụ thuộc vào nước ngoài. Đây cũng là chương trình đầu tiên do đội ngũ cán bộ kỹ thuật VICEM nghiên cứu, thiết kế và triển khai thực hiện, tiến độ hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch, chứng minh việc hoàn toàn làm chủ công nghệ, thiết bị sản xuất xi măng của đội ngũ kỹ thuật Tổng công ty, khẳng định hiệu quả chủ trương đổi mới sáng tạo của VICEM.
Theo Tổng giám đốc Lê Nam Khánh, trước đây, các lò xi măng được thiết kế để đốt than cám 3C, nhưng nay than cám 3C không còn. Khi sử dụng than cám 4, hoặc cám 5 (thường là 5A, 5B) gây bết dính lò, không đạt năng suất. Việc cải tạo thiết bị đã giúp các doanh nghiệp của VICEM đốt được than phẩm cấp thấp mà không gấy bết dính lò.
Việc sửa chữa xử lý các nút thắt của VICEM trong thời gian qua đã đáp ứng các mục tiêu: tiến độ, chất lượng sau sửa chữa và đảm bảo tuyệt đối an toàn; tăng công suất, năng suất lao động, tiết giảm tiêu hao năng lượng. Đây là một phần trong chương trình đổi mới sáng tạo của VICEM góp phần không nhỏ trong việc hướng tới sử dụng hiệu quả nguyên nhiên liệu là các tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, nhiên liệu thay thế.
Với chi phí thực hiện thấp hơn nhiều so với suất đầu tư các nhà máy, dây chuyền mới, kết quả ghi nhận tăng năng lực sản xuất, giảm chi phí giá thành... đã chứng minh cho việc sử dụng hiệu quả vốn nhà nước, tăng năng lực và vị thế của VICEM trên thị trường xi măng trong nước và quốc tế.
Hiện VICEM đang tiếp tục đẩy mạnh chương trình sử dụng rác thải, bùn thải, tro, xỉ, thạch cao nhân tạo làm nguyên, nhiên, vật liệu thay thế trong sản xuất xi măng; nghiên cứu sử dụng than có phẩm cấp thấp trong sản xuất xi măng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và góp phần bảo vệ môi trường.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện báo cáo kết quả thực hiện Chương trình “Sử dụng rác thải công nghiệp thông thường làm nguyên, nhiên liệu thay thế”, trình Hội đồng thành viên VICEM, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn: https://bnews.vn 
lên đầu trang