Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 23:26

Thứ hai, 29/04/2024 | 23:26

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 10:59 ngày 26/08/2022

EVNPECC1 tổ chức Hội thảo quốc tế về giải pháp xử lý chống thấm, gia cố cho các công trình năng lượng

Ngày 23/8, tại Hà Nội, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1 (EVNPECC1) và Tập đoàn MC-Bauchemie (Đức) đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Giải pháp xử lý chống thấm, gia cố cho các công trình năng lượng và thủy công bằng công nghệ vật liệu tiên tiến”. Hội thảo kết nối đến các điểm cầu tại Đức và Singapore
Tham dự hội thảo có ông Phạm Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); các tổng công ty phát điện 1, 2, 3, các công ty thủy điện và gần 100 đại biểu từ các công ty, doanh nghiệp, nhà thầu thi công, chủ đầu tư, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng.
Chia sẻ tại chương trình, đại diện EVNPECC1 cho biết, trong những năm gần đây, công suất nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) như điện mặt trời, điện gió… được đưa vào vận hành rất lớn, tạo ra những thách thức không nhỏ trong vận hành hệ thống điện Việt Nam do đặc tính không ổn định của nguồn điện này. 
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh - Tổng giám đốc EVNPECC1 phát biểu tại hội thảo (Ảnh: www.evn.com.vn/)
Trong bối cảnh đó, thủy điện với khả năng tham gia phủ đỉnh biểu đồ phụ tải cũng như hỗ trợ điều tần một cách nhanh chóng, vẫn là một trong những nguồn phát quan trọng. Tính đến hiện tại có khoảng 466 công trình thủy điện đang vận hành, trong đó có trên 350 đập bê tông trọng lực. Tuy nhiên, do thời gian xây dựng đã lâu nên có những công trình đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp, thể hiện qua các hiện tượng nứt kết cấu bê tông thân đập trọng lực và tràn, thấm ở thân đập trọng lực và nền đập. 
Kèm theo đó, một số kết cấu bê tông và bê tông cốt thép trên tuyến năng lượng như áo đường hầm, kênh hộp dẫn nước có áp, tháp điều áp hay nhà máy cũng có hiện tượng thấm và nứt. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về công tác duy tu, bảo dưỡng để nâng cao an toàn công trình, tránh các tác động tiêu cực về xã hội. Một trong các giải pháp bảo trì nâng cao tuổi thọ công trình là xử lý các vết nứt, thấm trong bê tông và nền công trình bằng biện pháp khoan phụt hóa chất.
Trước những vấn đề này, ông Lê Quang Huy – Trưởng phòng Kỹ thuật và Hợp tác quốc tế (EVNPECC1) đã có bài tham luận về “Một số dạng nứt và thấm thường gặp trong kết cấu bê tông thủy công và nền đá” với các vấn đề như: một số dạng nứt và thấm trong bê tông và ảnh hưởng của chúng tới an toàn đập trọng lực; một số vết nứt và thấm ở đập tràn; một số vết nứt có thể gặp ở hầm dẫn nước và nhà máy; thấm trong nền đá.
Ngoài ra, các thí nghiệm về mô hình như: Xử lý chống thấm qua khe nhiệt; Xử lý chống thấm qua hành lang, thấm qua nền, vai đập. Sản phẩm được sử dụng là keo MC-Injekt 2700/ MC-Injekt 2700L, tạo foam cứng (đến khoảng 20MPa) nếu gặp nước; thời gian đông cứng của keo (từ khoảng 15 giây đến 30 phút) có thể điều chỉnh theo điều kiện công trường… cũng được các kỹ sư EVNPECC1 phối hợp với chuyên gia của Tập đoàn MC-Bauchemie chia sẻ tại hội thảo. 
Thông qua chương trình, nhiều vấn đề gặp phải trong các công trình năng lượng đã được các chuyên gia trao đổi, thảo luận. Đồng thời tìm ra những giải pháp tiên tiến, công nghệ mới nhất trong lĩnh vực xử lý chống thấm, gia cố các hạng mục bê tông, nền đất yếu cho các nhà máy điện trong giai đoạn vận hành. Từ đó, đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả vận hành và tăng tuổi thọ công trình.
Hoàng Phương
lên đầu trang