Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 03:05

Chủ nhật, 28/04/2024 | 03:05

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:05 ngày 15/09/2022

Hiệu quả từ chuyển đổi số, Petrovietnam đạt nhiều kết quả nổi bật

Quá trình chuyển đổi số giúp chuyển đổi mô hình quản lý truyền thống sang quản lý điện tử, gắn chặt với việc áp dụng công nghệ mới như: dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT),…
Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, cùng những định hướng cụ thể của Chính phủ nhằm thực hiện thành công “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ. Đây là nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh không chỉ với tất cả các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp của nhà nước và tư nhân. Do đó, thời gian qua đã ghi nhận nhiều đơn vị, tổ chức tăng cường thực hiện việc chuyển đổi từ mô hình quản lý, phát triển hạ tầng số, nền tảng công nghệ kỹ thuật cho đến xây dựng văn hóa nội bộ phù hợp với chiến lược phát triển mới.
Điển hình có thể kể tới Petrovietnam – một trong những đơn vị đầu ngành, trực thuộc quyền quản lý của Chính phủ trong thực hiện nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò, khai thác và làm gia tăng giá trị của nguồn tài nguyên dầu khí tại Việt Nam. Vì tính đặc thù của ngành liên quan đến việc cung cấp và lưu trữ dữ liệu, việc chuyển đổi số ở Petrovietnam đã trở thành yêu cầu cấp bách, được đặt lên hàng đầu ngay từ sớm. Chẳng hạn trong lĩnh vực khoan tại Việt Nam, bao gồm cả khoan phát triển luôn ghi nhận rất nhiều dữ liệu được thu thập trong quá trình khoan. Tuy nhiên, những dữ liệu này còn phân tán, do các bên liên quan nắm giữ chưa được tích hợp tốt để xử lý và giải quyết các vấn đề tối ưu hóa. Để khắc phục tình trạng này, từ cách đây hơn mười năm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã phối hợp với Halliburton ủy quyền cho Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) nghiên cứu tiền khả thi xây dựng Trung tâm dữ liệu thăm dò dầu khí.
Lễ ký kết hợp đồng tư vấn xây dựng chiến lược Chuyển đổi số của Petrovietnam (Ảnh: Báo Tainguyenmoitruong.vn/)
Cùng với đó, Petrovietnam cũng có những định hướng quan trọng, quyết định trực tiếp đến sự phát triển của tập đoàn trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ như hiện tại. Chẳng hạn ở lĩnh vực thượng nguồn, liên quan đến việc thăm dò, phát triển và khai thác nguồn dầu khí, Petrovietnam đã và đang triển khai việc tích hợp dữ liệu bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến khác nhau trong quá trình thu thập, xử lý và giải thích tài liệu. Trong quá trình khoan trắc, bao gồm cả khoan phát triển, khoan thăm dò, các phương pháp công nghệ hiện đại cũng được tăng cường ứng dụng, giúp thu thập rất nhiều dữ liệu phục vụ cho công tác đánh giá, nghiên cứu mức độ khả thi của dự án. Từ những số liệu thu thập được có thể đánh giá, đưa ra giải pháp cụ thể nhằm tối ưu hóa sản lượng hoặc điều chỉnh sản lượng khai thác sao cho phù hợp.
Theo ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Petrovietnam, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào để nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh. Do đó, ông cho rằng hoặc là chuyển đổi số, hoặc là không tồn tại. Đây là xu hướng tất yếu của mọi doanh nghiệp chứ không chỉ riêng với Petrovietnam.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng (Ảnh: Petrovietnam.petrotimes.vn/)
Tương tự với lĩnh vực thượng nguồn, cả lĩnh vực hạ nguồn và trung nguồn, Petrovietnam cũng tập trung ứng dụng công nghệ khoa học vào trong việc xử lý dữ liệu, kết nối thông tin giữa các đơn vị nhằm tạo ra chuỗi dữ liệu có khả năng tiếp cận ở hầu hết các đơn vị, hệ thống trực thuộc tập đoàn. Trong đó, các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) là những công cụ hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi số của tập đoàn. Qua quá trình này, Petrovietnam đã phổ quát được nhận thức về chuyển đổi số và vai trò của chuyển đổi số trong toàn hệ thống, biến nó thành một phần của văn hóa công ty nói riêng và toàn ngành dầu khí nói chung.
Đồng thời, Petrovietnam cũng tích cực gia tăng các hoạt động trải nghiệm kết nối, xây dựng văn hóa về sự chia sẻ giữa các cán bộ, công, nhân viên trong tập đoàn, nhằm hỗ trợ cho tất cả thành viên hiểu rõ vai trò, bản chất và lợi ích của việc chuyển đổi số: “Để thực hiện thành công chuyển đổi số, Petrovietnam đã xây dựng văn hóa về sự chia sẻ, phối hợp, kết hợp với quá trình đào tạo và nỗ lực học tập không ngừng. Nghe có vẻ rất không liên quan, nhưng về bản chất, chuyển đổi số chính là quá trình chuyển từ ‘sâu’ thành ‘bướm’, dẫn đến thay đổi tư duy và mô hình kinh doanh”, ông Hùng chia sẻ và nói thêm việc chuyển từ cách làm hiện tại sang một cách làm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và đem đến hiệu quả cao hơn”
Nhờ quá trình chuyển đổi, đến nay Petrovietnam đã gặt hái được một số kết quả đáng chú ý: hoàn thành xây dựng và có được chiến lược về chuyển đổi số; có lộ trình tổng thể dài hạn về chuyển đổi số và tầm nhìn số; bước đầu thực hiện thay đổi mô hình kinh doanh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn ở mặt tổ chức, Petrovietnam đã xây dựng, hình thành những cơ quan, bộ phận thường trực, bộ máy chuyển đổi số ở Petrovietnam và các đơn vị thành viên; số hóa được toàn bộ hệ thống quy trình và cơ sở dữ liệu; ứng dụng AI vào tối ưu hệ thống quản trị, phân tích dữ liệu như: dữ liệu địa chất, thạch học, để đưa vào ứng dụng trực tiếp qua các hoạt động từ lập kế hoạch, quản lý vận hành, khoan thăm dò, khoan tận thăm dò, tận khai thác và bảo dưỡng các nhà máy công nghiệp…
Toàn cảnh buổi họp báo cáo công tác chuyển đổi số và ERP tại Petrovietnam (Ảnh: Petrovietnam.petrotimes.vn/)
Dựa trên những thành công bước đầu, Petrovietnam tiếp tục triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong thời gian tới. Hiện đơn vị đang ở vào giai đoạn 2 và một số công việc bước đầu của giai đoạn 3 là ứng dụng công nghệ vào quản trị, điều hành sản xuất kinh doanh ở các đơn vị, chắt lọc thông tin để đưa ra dự báo và quản trị biến động bằng các định hướng, khuyến cáo cụ thể,… Đối với vấn đề kinh doanh, Petrovietnam xác định mục tiêu cụ thể là: dựa trên nền tảng số đã được hình thành trong những năm qua, tiếp tục đẩy mạnh, kết nối các nguồn lực để đầu tư mạnh mẽ, phục vụ các dự án lớn; mở rộng hợp tác đầu tư phát triển và kinh doanh quốc tế dựa trên lợi thế về quan hệ của Việt Nam với các nước và thị trường, tập trung tại Đông Nam Á, Nga và Trung Đông, Bắc Mỹ,..
Chia sẻ thêm về định hướng, mục tiêu của tập đoàn, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết đơn vị trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên trong giai đoạn cuối năm 2022, tình hình thế giới vẫn còn nhiều biến động có khả năng tác động trực tiếp đến lĩnh vực hoạt động của tập đoàn. Do đó, mục tiêu quan trọng nhất của Petrovietnam trong giai đoạn cuối năm là phải giữ vững được thành quả, mục tiêu chuyển đổi số đã đạt được. Đồng thời, cần phải nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian thực hiện quá trình chuyển đổi số thông qua những dự báo, quản trị rủi ro, kế hoạch dự phòng,… nhằm hoàn thành tốt nhất những nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất kinh doanh được Nhà nước giao phó.
Quang Ngọc
lên đầu trang