Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 22:20

Thứ hai, 29/04/2024 | 22:20

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:11 ngày 10/10/2022

Công trình nghiên cứu của Công ty Nhôm Lâm Đồng - TKV đạt giải thưởng Khoa học công nghệ Mỏ

Với đề tài “Áp dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ, tổ chức, quản lý sản xuất tại khâu mỏ - tuyển”, Công ty Nhôm Lâm Đồng - TKV đã vinh dự được trao tặng giải B - giải thưởng Khoa học Công nghệ mỏ do Hội Khoa học Công nghệ mỏ Việt Nam tổ chức.
Vừa qua, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam đã tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc khóa IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027 và trao tặng giải thưởng dành cho các đơn vị, cá nhân có thành tích, xuất sắc trong công tác hội và hoạt động nghiên cứu khoa học. 
Công ty Nhôm Lâm Đồng - TKV với đề tài “Áp dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ, tổ chức, quản lý sản xuất tại khâu mỏ - tuyển” đã vinh dự được trao tặng giải B - giải thưởng Khoa học Công nghệ mỏ. Đây là một trong những minh chứng quan trọng, ghi nhận thành tích, đóng góp của Công ty Nhôm Lâm Đồng cho hoạt động nghiên cứu khoa học thời gian qua.  
Công ty Nhôm Lâm Đồng - TKV nhận giải thưởng khoa học công nghệ mỏ do Hội khoa học và công nghệ mỏ Việt Nam tặng (Ảnh: tapchicongthuong.vn/)
Theo chia sẻ của đại diện các tác giả, ngay từ khi đưa vào hoạt động, Công ty Nhôm Lâm Đồng - TKV đã triển khai nhanh chóng các hoạt động sản xuất, khiến công suất thực tế của công ty luôn vượt xa so với thiết kế ban đầu. Do đó, để đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt loại 1 theo tiêu chuẩn quốc tế, cần có sự cải tiến, nâng cấp dây chuyền sản xuất, giảm tiêu hao vật tư, tăng mức độ an toàn của thiết bị. 
Từ thực trạng này, Công ty Nhôm Lâm Đồng - TKV đã tiến hành triển khai các nhóm nghiên cứu, thực hiện nhiều đề tài khác nhau, với mục đích chung nhằm cải tiến các thiết bị trong dây chuyền tuyển quặng và sản lượng tinh quặng tinh tăng qua từng năm. Từ đó giúp ổn định dây chuyền sản xuất, đáp ứng đủ nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất alumin với năng suất cao.
Chẳng hạn, trong công tác sàng, lọc bùn thải quá trình tuyển quặng, nhóm nghiên cứu của Công ty Nhôm Lâm Đồng - TKV đã thực hiện đề tài "Cụm công trình hệ thống kênh lắng bùn thải quặng đuôi và kênh dẫn nước tự chảy tuần hoàn từ hồ thải quặng đuôi về nhà máy tuyển". Kết quả thu được từ nghiên cứu giúp phát triển hệ thống đường dẫn, chia tách bùn thải sau khi tuyển được bơm và lắng xuống hồ thải quặng đuôi, trong khi lượng lớn nước sạch phía trên lòng hồ sẽ tự chảy ra hồ Cai Bảng thông qua hệ thống mương dẫn. 
Một hồ chứa bùn sau khi tuyển quặng của Công ty Nhôm Lâm Đồng - TKV (Ảnh: vnanet.vn/)
Với tính ứng dụng cao, đề tài đã được công ty đưa vào triển khai trực tiếp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh từ năm 2018, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí lên tới hơn 5 tỷ đồng/năm. Đồng thời, việc triển khai hiệu quả đề tài còn giúp Công ty Nhôm Lâm Đồng - TKV đảm bảo an toàn cho các hồ chứa bùn thải quặng đuôi, hạn chế tối đa việc xả nước trong các hồ thải quặng đuôi ra môi trường, cân đối quy hoạch sử dụng nước hợp lý, hướng tới xây dựng môi trường công ty xanh - sạch - đẹp.
Cũng trong cụm đề tài được trao giải, còn có công trình cải tạo bộ truyền động kiểu mới lắp đặt cho máy rửa cánh vuông EV4 Nhà máy tuyển. Đây là công trình quan trọng, có ý nghĩa trực tiếp cho việc cải tiến, nâng cấp quy mô sản xuất của nhà máy. Theo chia sẻ từ nhóm tác giả, bộ truyền động cũ của máy rửa cánh vuông được cấu tạo bằng hệ thống bánh răng hở toàn phần, có một số nhược điểm như: tính ổn định không cao, tuổi thọ bánh răng thấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. 
Trong quá trình hoạt động ở tải cao, chịu lực tác động đột ngột từ trục chính sẽ khiến cho trục trung gian lắp bánh răng côn thường xuyên bị gãy, buộc cả dây chuyền phải dừng hoạt động để sửa chữa. Mức chi phí cho công tác thay thế, sửa chữa bánh răng, trục trung gian, vòng bi lên tới gần 500 triệu đồng/năm, gây tiêu tốn không nhỏ chi phí, nguồn lực sản xuất của công ty.
Để hạn chế tình trạng này, nhóm nghiên cứu của Công ty Nhôm Lâm Đồng đã thực hiện nghiên cứu, phát triển bộ truyền động mới, thay thế cụm bánh răng côn hở, trục trung gian, thay thế bằng bánh răng trụ lắp trong hộp kín; cải tiến khớp nối loại các đăng chịu tải trọng lớn. Quá trình triển khai, lắp đặt đã tiến hành ứng dụng cho cả 4 máy tuyển quặng của Công ty Nhôm Lâm Đồng, giúp đơn vị chỉ cần hoạt động 3/4 máy đã có thể đáp ứng được sản lượng cấp cho nhà máy Alumin. Đồng thời, việc ứng dụng hiệu quả còn giúp tăng tính ổn định, dự phòng và đặc biệt là đảm bảo tính chủ động trong việc cân đối điều hành sản xuất tại nhà máy Tuyển.
Từ hiệu quả của việc ứng dụng các thành quả nghiên cứu, khoa học công nghệ trong công tác sản xuất, kinh doanh đã giúp Công ty Nhôm Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm hiệu quả các chi phí. Đồng thời, việc triển khai nghiên cứu vào thực tiễn còn giúp tạo động lực phấn đấu, không ngừng sáng tạo cho cán bộ, nhân viên của công ty. Mục tiêu đưa Công ty Nhôm Lâm Đồng trở thành đơn vị kiểu mẫu nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng thành quả kỹ thuật trong lao động, sản xuất. 
Quang Ngọc
lên đầu trang