Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 17/05/2024 | 06:36

Thứ sáu, 17/05/2024 | 06:36

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 08:13 ngày 08/03/2023

Phát triển công nghệ lưới vây phục vụ đánh bắt thủy, hải sản

Thành công của đề tài đã mở ra hướng phát triển mới cho nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản của tỉnh Khánh Hòa.
Nằm ở khu vực ven biển Nam Trung Bộ, Khánh Hòa là một trong những tỉnh có sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển hoạt động đánh bắt thủy, hải sản. Trong đó, nghề đánh bắt lưới vây được coi là một trong những phương pháp đánh bắt giúp mang lại sản lượng thủy, hải sản hấp dẫn, cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân.
Tuy nhiên, trong thời đại công nghiệp công nghệ 4.0 phát triển, quy trình đánh bắt và các trang bị phục vụ cho quá trình đánh bắt bằng lưới vây hiện nay lại tương đối hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu và quy mô ngày càng tăng. Theo chia sẻ của Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản (Trường Đại học Nha Trang), sản lượng khai thác trung bình cho một đơn vị cường lực đội tàu đánh bắt xa bờ trong tỉnh khá thấp so với các địa phương lân cận. Cùng với đó, các công nghệ bảo quản sản phẩm sau đánh bắt vẫn còn áp dụng theo phương thức truyền thống, khiến cho chất lượng sản phẩm thấp, chưa tạo ra được giá trị cao cho sản phẩm.
Việc cải tiến lưới vây đã góp phần nâng cao hiệu quả khai thác. (Ảnh: baokhanhhoa.vn/)
Đứng trước thực trạng này, nhóm tác giả đến từ Trường Đại học Nha Trang (Khánh Hòa) đã tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu và triển khai đề tài “Ứng dụng công nghệ nghề lưới vây”. Mục tiêu nhằm xây dựng quy trình, thiết bị khai thác, xử lý và bảo quản sản phẩm thủy, hải sản phù hợp với quy mô đội tàu lưới vây của tỉnh, nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế của nghề đánh bắt lưới vây.  
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành triển khai các phương pháp, cải tiến và đánh giá vàng lưới vây phù hợp với đối tượng đánh bắt và đặc điểm ngư trường: chiều dài lưới 1.120m, chiều cao lưới 140m, sử dụng dây giềng rút chính 8 tao (loại dây bọc chì). Đối với hầm bảo quản, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất sử dụng vật liệu cách nhiệt bằng vật liệu PU; tiến hành hoàn thiện và đưa ra các quy trình khai thác nghề lưới vây, như: Quy trình cải tiến lưới vây, quy trình khai thác lưới vây cải tiến, sơ chế bảo quản sản phẩm…
Từ cơ sở nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành ứng dụng và triển khai thực tế những thay đổi tại ngư trường. Kết quả thu được sau 4 chuyến khảo sát và nghiệm thu trên biển đều cho thấy kết quả khả quan, với sản lượng và hiệu suất đánh bắt được cải thiện tốt hơn so với phương pháp đánh bắt trước đây. Cụ thể, tốc độ chìm của vàng lưới cải tiến đạt 0,22 m/s, gấp 2,4 lần vàng lưới truyền thống; hiệu suất đánh bắt đàn cá của tàu thực nghiệm đạt 80,8%, trong khi tàu truyền thống là 73,5%; số lượng đá cây mang theo bảo quản chỉ hao hụt 20 cây/hầm cải tiến so với 50 cây/hầm truyền thống. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu vi sinh vật hiếu khí của hầm truyền thống cao gấp 6 lần so với hầm cải tiến, giúp cho chất lượng bảo quản sản phẩm cũng cao hơn so với trước đây…
Với những kết quả thu được, đề tài của nhóm nghiên cứu đã vinh dự được Hội đồng Khoa học Trường Đại học Khánh Hòa nghiệm thu, đưa vào ứng dụng thực tiễn trong quá trình đánh bắt tại tỉnh Khánh Hòa. Theo TS. Nguyễn Long - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, đề tài của nhóm nghiên cứu đã có nhiều đổi mới trong hệ thống máy móc; bổ sung quy trình khai thác nghề lưới vây cải tiến; thay thế hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU… góp phần ứng dụng công nghệ trong nghề khai thác lưới vây tại Khánh Hòa.
Theo số liệu thống kê năm 2021 của Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Khánh Hòa đã có mặt tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, với kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 536,62 triệu USD/năm.
Quang Ngọc
lên đầu trang