Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 19/05/2024 | 00:53

Chủ nhật, 19/05/2024 | 00:53

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 11:01 ngày 11/11/2022

Giải quyết các vấn đề mấu chốt về an toàn thực phẩm: Cụ thể hóa Chỉ thị 17 của Ban Bí thư

Trao đổi với phóng viên Lao Động xoay quanh các nội dung Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn lương thực, thực phẩm trong tình hình mới, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định: Trong thời gian qua, an toàn thực phẩm ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ.
Nhận thức của người dân trong việc thấy an toàn thực phẩm là thiết yếu, gắn liền với đời sống và quyền lợi của chính mình, đồng thời, họ hiểu được rằng nghĩa vụ của chính mình tham gia vào hệ thống, vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Người dân cảnh giác với những người bán các sản phẩm không tốt, không an toàn. Các cơ quan chức năng, ở một chừng mực nào đó, đã hoạt động có hiệu quả hơn. Đơn cử như Cục An toàn Thực phẩm- Bộ Y tế hay các Chi cục An toàn thực phẩm - thuộc Sở Y tế các tỉnh thành... đã hoạt động tốt hơn, kiểm soát chặt chẽ hơn. Nhờ đó, đã “đánh động” các đối tượng kinh doanh sản phẩm không an toàn, không đảm bảo.

PGS Nguyễn Duy Thịnh- Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, những thành quả đó mới chỉ là bước đầu, đi vào thực tế thì vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề mà các cơ quan chức năng phải tập trung giải quyết. Quan trọng nhất, theo chuyên gia ngành công nghệ sinh học và thực phẩm, hiện nay trong ngành nông nghiệp chưa có gì có thể thay thế được hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học...
“Đây là những thứ gây ảnh hưởng rất lớn, tích tụ chất độc hại trong thực phẩm. Rau, củ, quả lớn lên nhờ phân bón hóa học, thuốc trừ sâu bọ cũng là chất hóa học... Có thể con người sẽ ăn trực tiếp, tích tụ chất độc vào cơ thể hoặc các loại gia súc, gia cầm ăn phải cũng tích tụ trong thịt, rồi lại tiếp tục đi vào con người. Vì vậy, kiểm soát cái gốc đầu tiên phải là kiểm soát nông sản” - ông nói.  
Thực tế cho thấy, gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra tại Việt Nam ước tính đã tăng gấp 3 lần sau 30 năm và các ca mắc mới ngày càng trẻ hóa theo thời gian. Theo thống kê mới nhất của ngành y tế, tại Việt Nam, mỗi năm có 183 nghìn ca mới mắc và 123 nghìn người tử vong do ung thư, hiện có 354 nghìn người “sống chung” với ung thư...
“Nếu phòng tránh được ngộ độc trường diễn, là bệnh tật sẽ giảm đi, giảm gánh nặng về chi phí y tế, quỹ bảo hiểm y tế... Không những thế, đời sống người dân tốt hơn, người dân khỏe mạnh, năng suất lao động sẽ tăng... Vì vậy, việc kiểm soát tốt an toàn thực phẩm có lợi về mặt xã hội rất lớn, tránh cho xã hội phải chịu những gánh nặng lớn” - PGS Nguyễn Duy Thịnh phân tích. 
“Để Chỉ thị 17 của Ban Bí thư đi vào đời sống, mang lại những hiệu quả to lớn, thì rất cần được cụ thể hóa bằng các văn bản hướng dẫn. Trong đó, cần nêu rõ trách nhiệm cụ thể của từng Bộ, ngành” - ông Thịnh nhận định.
Theo Báo Lao động
lên đầu trang