Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 13:54

Thứ hai, 29/04/2024 | 13:54

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:06 ngày 24/11/2022

Nền tảng kinh doanh số: xu hướng mới để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc

Việc chuyển đổi từ phương thức kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu trở thành 01 trong 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu trong công tác chuyển đổi số của tỉnh Vĩnh Phúc vào năm 2025.
Trong bối cảnh thế giới liên tục chuyển mình với những ảnh hưởng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc chuyển đổi xu hướng từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày một phổ biến, trở thành giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp xâm nhập và mở rộng thị trường.
Nắm bắt xu hướng này, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang nhanh chóng thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh doanh theo nền tảng số tại nhiều doanh nghiệp, bước đầu ghi nhận một số kết quả khả quan.
Chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống sang các nền tảng số đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đẩy mạnh thực hiện (Ảnh: congnghiepmoitruong.vn/)
Điển hình là trường hợp của Công ty TNHH phát triển công nghệ cao Minh Anh (thành phố Phúc Yên), đơn vị chuyên kinh doanh các mặt hàng nuôi trồng, chế biến sản phẩm đông trùng hạ thảo. Đây là dòng sản phẩm có sự yêu cầu khắt khe về môi trường sinh trưởng và chỉ sản xuất theo mùa, nuôi trồng ở một số vùng nhất định, do đó, để đảm bảo yêu cầu của các đơn vị thu mua, Công ty TNHH phát triển công nghệ cao Minh Anh đã đầu tư hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại vào nuôi trồng, chế biến đông trùng hạ thảo như: thiết bị hấp khử trùng, buồng cấy vô trùng, phòng nuôi được kiểm soát nhiệt độ - độ ẩm, máy sấy thăng hoa, máy seal màng nhôm… Nhờ đó mà chất lượng đông trùng hạ thảo được cải thiện rõ rệt, có thể sản xuất quanh năm với sản lượng đạt 3 - 5 tạ/tháng. Đồng thời, các mẫu kiểm định được công ty gửi đi phân tích tại Việt Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia đều cho kết quả khả quan, được gắn tem truy xuất nguồn gốc QR để hỗ trợ người dùng thuận tiện tra cứu, theo dõi và kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Ông La Việt Hồng - cố vấn khoa học Công ty TNHH Phát triển công nghệ cao Minh Anh cho biết, ứng dụng nền tảng số trong sản xuất kinh doanh hiện đang trở thành xu hướng phát triển của doanh nghiệp nói chung và công ty Minh Anh nói riêng, nhằm từng bước nâng cao vị thế, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghệ số. Vì vậy, công ty đã thay đổi linh hoạt, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động xúc tiến thương mại như quảng bá, bán hàng trên các nền tảng trực tuyến như Facebook, Zalo, website. Ngoài ra, còn liên tục tiến hành nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, thực hiện xây dựng hệ thống công nghệ thông tin về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Kết quả thu được là dòng sản phẩm đông trùng hạ thảo của công ty được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, có mặt tại khắp các tỉnh miền Bắc.
Từ trường hợp của Công ty TNHH Phát triển công nghệ cao Minh Anh, tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp tục thúc đẩy hơn nữa việc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Nhờ đó mà đến cuối tháng 9/2022, toàn tỉnh đã có gần 8.200 giao dịch thanh toán trực tuyến qua nền tảng thanh toán của Cổng dịch vụ công quốc gia; khoảng 4.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; hoạt động mua bán, trao đổi nông sản, đồ gia dụng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử trở nên sôi động hơn.
Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn so với hơn 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, dẫn đến mức độ ứng dụng các công nghệ sản xuất còn rất thấp, các doanh nghiệp chưa được trang bị những kỹ năng đầy đủ cho người lao động để thúc đẩy hoạt động sản xuất trong một nhà máy thông minh. 
Do đó, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc cần có những giải pháp kịp thời để thúc đẩy hơn nữa hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ tại các doanh nghiệp. Trong đó cần chủ động xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản làm cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số; thực hiện các kế hoạch tuyên truyền, đẩy mạnh phổ biến thông tin về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng nền tảng số trong quản trị, sản xuất kinh doanh; thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp trong ngành công nghệ số; phủ sóng toàn bộ các khu công nghiệp bằng công nghệ 5G; hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử… 
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực ứng dụng công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số, đào tạo nguồn lực công nghệ số, thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh.
Thực hiện thành công những mục tiêu trên sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 của tỉnh Vĩnh Phúc vào nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước trong công tác chuyển đổi số.
Quang Ngọc
lên đầu trang