Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 02:04

Thứ sáu, 03/05/2024 | 02:04

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:11 ngày 11/11/2022

Quản lý sản xuất hiệu quả nhờ chuyển đổi số

Nhờ ứng dụng các phương pháp khoa học kỹ thuật, công tác quản lý sản xuất tại các cơ sở công nghiệp vừa và nhỏ đã trở nên dễ dàng, thuận tiện, giúp nâng cao năng suất lao động với chi phí vận hành được tối ưu.
Nắm bắt sự chuyển dịch của thế giới cũng như Việt Nam và những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam thời gian qua đã và đang triển khai nhiều biện pháp, ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ, vào sản xuất. Trong đó, công tác chuyển đổi số được coi là một trong những hoạt động quan trọng, góp phần tối ưu hóa công tác quản trị, chi phí, lợi nhuận, tăng cường khả năng tương tác nhanh chóng với khách hàng cũng như các chính sách chăm sóc và phục vụ khách hàng.  
Chuyển đổi số giúp kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), công tác chuyển đổi số lại đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, bởi đây là con đường ngắn nhất giúp các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực sản xuất, bắt kịp mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh hiện đại trong thời buổi cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ và lan rộng khắp trên thế giới. 
Việt Nam là quốc gia ghi nhận sự hiện diện của phần đông các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm khoảng 98% trong tổng số 870.000 doanh nghiệp đang hoạt động và kinh doanh tại Việt Nam. Đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các doanh nghiệp này đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.
Theo chia sẻ của đại diện một số doanh nghiệp, hoạt động chuyển đổi số trong cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây như một nhu cầu tự nhiên, nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý của các cấp lãnh đạo. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các giải pháp, phần mềm sử dụng nền tảng số vào hoạt động quản lý kế toán - tài chính, quản lý nhân sự, quản lý kỹ thuật, góp phần đảm bảo tính hiệu quả cho công tác quản trị doanh nghiệp. 
Chẳng hạn trong công tác vận hành công việc hàng ngày, việc ứng dụng công nghệ, áp dụng thành quả của chuyển đổi số giúp người lao động tại các doanh nghiệp có thể xây dựng quy trình làm việc hiệu quả và tiết kiệm thời gian hơn nhiều so với cách quản lý truyền thống: các hoạt động như báo cáo, nhắc lịch, quản lý tài liệu,... đều có thể thực hiện nhanh chóng chỉ với vài thao tác đơn giản thông qua các ứng dụng quản lý, giúp loại bỏ các hoạt động dư thừa, gia tăng tính hiệu quả và tinh thần làm việc của nhân viên. 
Đồng thời, nếu áp dụng công tác số hóa, thực hiện các biện pháp giao dịch tự động cũng giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực. Chẳng hạn một doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong ngành bán buôn, bán lẻ, sau khi nhận được đơn hàng của khách hàng, nhờ việc triển khai tự động hóa giúp doanh nghiệp có thể nhanh chóng gửi email xác nhận đơn hàng tới người mua mà không cần nhân lực trực tiếp phụ trách.  
Trong khi đó, với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, việc áp dụng các công nghệ tự động hóa, số hóa trong sản xuất có thể giúp doanh nghiệp duy trì trạng thái sản xuất liên tục, với các sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, ổn định. Nhờ đó mà doanh nghiệp có thể thu được nhiều lợi ích: nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí đầu vào, cải tiến chất lượng và đảm bảo an toàn,...
Nhìn chung, chuyển đổi số là một cuộc chạy đua cả về thời gian và công nghệ. Với một đất nước có đến 98% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc chạy đua trong công tác chuyển đổi số lại càng trở nên gắt gao hơn bao giờ hết. Nếu không nhanh chóng triển khai, thay đổi, rất có thể những doanh nghiệp này sẽ bị loại bỏ ra khỏi cuộc đua thương trường, dành chỗ cho những đơn vị biết nắm bắt thời cơ, sẵn sàng đương đầu với những thử thách mới mà Cách mạng công nghệ 4.0 đem lại.
Ngày 03/06/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu xác định Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp,...
Trước đó, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) đã ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2022, trong có nhiệm vụ trọng tâm là: “Phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với mục tiêu hết năm nay đạt tối thiểu 150.000 doanh nghiệp DNNVV được sử dụng các tài liệu hướng dẫn, công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, thuê,  mua các giải pháp CĐS”.
Quang Ngọc
lên đầu trang