Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 14:25

Thứ năm, 02/05/2024 | 14:25

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 08:55 ngày 16/01/2023

Nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2022 tại tỉnh Vĩnh Long

Trong năm vừa qua, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, trên tất cả các phương diện: truyền thông, kiểm tra, kiểm soát, xây dựng các mô hình thí điểm an toàn thực phẩm…

Kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh ATTP tại 01 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (Ảnh: vtv.vn/)
Cụ thể, trong quá trình triển khai, UBND tỉnh Vĩnh Long đã thành lập đoàn liên ngành gồm thành viên của các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh,... tiến hành triển khai các công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm tra theo chuyên đề, các đợt cao điểm, tháng hành động vì an toàn thực phẩm. 
Thực hiện xây dựng các Kế hoạch kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm theo phân công, chỉ định của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm, như: Kế hoạch số 4754/KH-BCĐ  ngày 14/12/2022 của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh về việc “Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023”; Kế hoạch số 4853/KH-SYT ngày 20/12/2022 của Sở Y tế triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội xuân 2023; Kế hoạch số 70/KH-SNN&PTNT ngày 19/12/2022 của Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội xuân 2023; Kế hoạch số 2584a/KH-SCT ngày 14/12/2022 của Sở Công Thương triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội xuân 2023; Kế hoạch số 714/KH-CQLTT ngày 15/11/2022 về Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Vĩnh Long cũng thực hiện hiệu quả việc triển khai công tác quản lý các sản phẩm, nhóm sản phẩm và trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP đến từng cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên toàn tỉnh (tổng 18.166 cơ sở). Trong đó, ngành Y tế quản lý  9.556 cơ sở (cơ sở sản xuất: 128 cơ sở; Kinh doanh thực phẩm: 647 cơ sở; Dịch vụ ăn uống: 5.469 cơ sở; Thức ăn đường phố: 3.312 cơ sở); ngành Nông nghiệp và PTNT quản lý: 425 cơ sở (sản xuất ban đầu: 69 cơ sở; Sơ chế, chế biến nông lâm thủy sản: 312 cơ sở; Kinh doanh nông lâm thủy sản: 44 cơ sở) và 158.384 cơ sở nhỏ lẻ thuộc diện ký cam kết (với 156.144/158.384 cơ sở thực hiện ký cam kết đến cuối năm 2022, đạt tỷ lệ 98,6%); ngành Công thương quản lý: 8.185 cơ sở (trong đó 428 cơ sở sản xuất thực phẩm và 7.757 cơ sở kinh doanh thực phẩm), 115 chợ (01 chợ hạng 1; 17 chợ hạng 2; 97 chợ hạng 3 và chợ tạm), 05 siêu thị (02 siêu thị tổng hợp và 03 siêu thị chuyên doanh) và 46 cửa hàng tiện lợi kinh doanh thực phẩm tổng hợp. 
Đồng thời, thông qua việc tăng cường trách nhiệm quản lý của các đơn vị, cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh Vĩnh Long còn thực hiện các công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý vi phạm tại 10.142 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thông qua 429 cuộc thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm theo kế hoạch và các đợt cao điểm Tết Nguyên đán, Tháng hành động, Trung thu,... Kết quả ghi nhận số cơ sở đạt kiểm định về an toàn thực phẩm là : 8.962 cơ sở  (88,4%), số cơ sở vi phạm: 1.180 cơ sở (11,6%); thực hiện nhắc nhở với 1.064 cơ sở và phạt tiền với 116 cơ sở cùng số tiền là: 771.487.000 đồng,
Cùng với việc triển khai các công tác thanh tra, kiểm tra, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Vĩnh Long tập trung triển khai việc xây dựng các mô hình thí điểm an toàn thực phẩm, thực hiện kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm an toàn với người tiêu dùng: xây dựng được 223 điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ và 06 mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (chợ Phước Thọ, chợ Cái Ngang, chợ thị trấn Tam Bình, chợ Tân Thành, chợ Tân Quới, chợ Trà Ôn); phát triển mới 03 cửa hàng tiện lợi (Winmart+) với tổng số 46 cửa hàng tiện lợi đã đi vào hoạt động ổn định tính đến hết năm 2022. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng triển khai được 207,7ha/6.115,2 tấn/09 cơ sở, vùng trồng trọt được chứng nhận VietGAP; 30,8ha vùng nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương; 70 trại gà thịt và 09 trại heo đạt chứng nhận VietGAPH hoặc tương đương và 20 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn (tăng 05 chuỗi so với năm trước đó).
Cũng trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Long còn thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; thực hiện tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về ATTP, các hội nghị, các lớp tập huấn phổ biến kiến thức, pháp luật và chuyên môn, nghiệp vụ về ATTP cho cán bộ làm công tác quản lý về an toàn thực phẩm tại tuyến huyện/thị/thành phố và xã/phường/thị trấn và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Ngoài ra, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh còn tiến hành lồng ghép tuyên truyền, giáo dục phổ biến kiến thức, pháp luật về ATTP trong quá trình thanh, kiểm tra nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm…
Lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Long tiến hành treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (Ảnh: vinhlong.dms.gov.vn/)
Với những kết quả đạt được, Ban chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm tỉnh Vĩnh Long đề nghị các đơn vị, các Sở, ban ngành trực thuộc tỉnh tiếp tục thực hiện các hoạt động, đề xuất phương án, tổ chức thực hiện các giải pháp, thành lập tổ kiểm tra nhằm triển khai hiệu quả công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong năm 2023, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023 đang đến gần.
Quang Ngọc
lên đầu trang