Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 15:22

Chủ nhật, 05/05/2024 | 15:22

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 16:35 ngày 13/04/2023

“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023: Đợt cao điểm chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Những tháng đầu năm nay, tuy không xảy ra vụ ngộ độc nhiều người trên địa bàn tỉnh, nhưng nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về các hoạt động trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm nay, ông Lê Văn Tạo (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, nhấn mạnh: “Qua Tháng hành động sẽ tạo nên đợt cao điểm chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm ở tỉnh”.
Chọn chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, Tháng hành động kỳ vọng đạt những kết quả gì khi thực hiện, thưa ông ?
- Nhận định vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, cấp bách, lâu dài, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe Nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21-10-2022 về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Để Chỉ thị đi vào thực tiễn, tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh chọn chủ đề “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 là: “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Tháng hành động diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5-2023.
Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 là điểm nhấn tạo nên đợt cao điểm, là một chiến dịch truyền thông, tăng cường kiểm tra để nâng cao nhận thức người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm nhằm chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Các hoạt động trọng tâm sẽ được đẩy mạnh là gì, thưa ông ?
- Một trong những hoạt động trọng tâm của Tháng hành động là chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm. Hoạt động truyền thông sẽ được triển khai vừa có chiều rộng lẫn chiều sâu với đa dạng hình thức truyền thông gián tiếp và trực tiếp. Sẽ huy động các cơ quan thông tấn báo chí ở địa phương tham gia chiến dịch truyền thông về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Quan tâm biểu dương, quảng bá các sản phẩm, các mô hình, chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng thực phẩm an toàn. Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật.
Băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về an toàn thực phẩm cũng sẽ được treo để truyền thông đến người dân. Các đơn vị chuyên môn, tổ chức chính trị, xã hội sẽ tổ chức truyền thông trực tiếp như tổ chức hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về an toàn thực phẩm,... Sản xuất tin, bài, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự trên chuyên trang Báo Hậu Giang, phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hậu Giang. Tăng cường giám sát, hướng dẫn các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tuyên truyền vận động người dân tham gia tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn đến các cơ quan chức năng.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm sẽ được tăng cường với nhiều đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành từ tuyến tỉnh, huyện, xã. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Qua đó, nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
Thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm sẽ được tăng cường trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”.
Tuy không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người ở tỉnh, nhưng nguy cơ là có, điều này được đánh giá như thế nào, thưa ông ?
- Dù không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người nhưng vẫn phát hiện các cơ sở vi phạm qua thanh kiểm tra, nguy cơ mất an toàn thực phẩm luôn tiềm ẩn. Kết quả kiểm tra dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội Xuân 2023, đã kiểm tra 873 cơ sở có 60 cơ sở vi phạm. Đối với 60 cơ sở vi phạm đã phạt tiền đối với 12 cơ sở, các cơ sở còn lại đã nhắc nhở, bắt buộc khắc phục ngay các lỗi vi phạm. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội Xuân 2023 số cơ sở vi phạm bị xử lý vẫn còn nhiều, trong đó, chủ yếu là loại hình kinh doanh thực phẩm do có các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý an toàn thực phẩm có quy định mới chủ cơ sở cập nhật chưa kịp thời. Một số lỗi vi phạm chủ yếu, như chưa thực hiện bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm; điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn hạn chế; nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; cống rãnh thoát nước thải khu vực chế biến bị ứ đọng, không được che kín; khám sức khỏe định kỳ và xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm chưa đầy đủ; kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; mua nguyên liệu dùng để sản xuất, chế biến thực phẩm chưa có hợp đồng, hóa đơn đầy đủ. Các cơ sở thực phẩm trên địa bản tỉnh đa số có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, mặc dù được tuyên truyền, vận động thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm nhưng do điều kiện cơ sở vật chất của một số cơ sở còn hạn chế nên dẫn đến vi phạm.
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Vẫn còn các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tình trạng buôn lậu thực phẩm, gian lận thương mại và hàng giả; quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp; an toàn thực phẩm trong các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa bảo đảm... ảnh hưởng lớn tới an ninh, an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn có nguy cơ, các thị trường nhập khẩu tăng các rào cản kỹ thuật (bên cạnh rào cản an toàn thực phẩm đã bổ sung thêm rào cản phòng, chống dịch Covid-19) dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản gặp nhiều khó khăn...
Xin cảm ơn ông !
Theo https://www.baohaugiang.com.vn/
lên đầu trang