Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 17:23

Thứ bảy, 27/04/2024 | 17:23

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:06 ngày 19/04/2023

Xúc tiến chuyển giao công nghệ gắn với bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ

Sáng ngày 18/4, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã diễn ra Tọa đàm “Xúc tiến chuyển giao công nghệ gắn với bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ”.
Phát triển thế hệ doanh nghiệp mới dựa trên khai thác tài sản trí tuệ
Nhằm hưởng ứng và chào mừng Ngày đổi mới sáng tạo quốc gia (21/4), Ngày sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) và Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ - Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc tổ chức chương trình Tọa đàm “Xúc tiến chuyển giao công nghệ gắn với bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ” và lễ ra mắt dự án cộng đồng "Nền tảng kết nối cung - cầu công nghệ: TECHTRUST.VN" tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc.

Ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát biểu tại tọa đàm
Ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, Khu công nghệ cao Hoà Lạc được hoạch định là một khu công nghệ cao quốc gia chuyên về nghiên cứu, phát triển công nghệ. Bước sang giai đoạn phát triển mới, để có những bước chuyển mình vượt bậc, hiện Khu công nghệ cao Hoà Lạc đang từng bước đẩy mạnh tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các sản phẩm công nghệ; phát triển một hệ sinh thái toàn diện với tư duy cởi mở thu hút các tài năng công nghệ nghiên cứu, làm việc.
Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu, phát triển và thương mại hoá dựa trên tài sản trí tuệ đã và đang được nhắc nhiều lần, là quan điểm hàng đầu có ý nghĩa xuyên suốt trong sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trong các chương trình hành động, nghị quyết của Nhà nước.
“Chúng tôi hướng tới hình thành và phát triển một thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp mới trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, ứng dụng khoa học và công nghệ, mô hình kinh doanh mới tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế quốc gia” - ông Trần Đắc Trung nhấn mạnh.
Tính đến nay, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được hơn 100 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 94.760 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 376 ha. Trong đó có 86 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài.
Các dự án đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm, công nghệ sinh học phục vụ y tế, công nghệ cơ khi chính xác, công nghệ tự động hóa...
Nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các tập đoàn kinh tế lớn cũng như của các viện nghiên cứu, trường đại học đã đi vào hoạt động. Khu công nghệ cao Hoà Lạc cũng được thiết kế để có hệ thống các đơn vị, tổ chức trung gian hỗ trợ cho các hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hoá kết quả nghiên cứu nhằm kết nối giữa khu vực nghiên cứu với khu vực thương mại hoá, phổ biến, trình diễn, thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ.
Chẳng hạn như: Trung tâm đào tạo và ươm tạo công nghệ cao, Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ, Viện nghiên cứu Hira. Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã chính thức được khởi công ngày 9/1/2021. Dự kiến khi hoàn thành sẽ thu hút các nguồn lực để tăng cường hơn nữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng và Việt Nam nói chung.
"Cầu nối" kết nối cung - cầu công nghệ Việt Nam
Tuy nhiên, ông Trần Đắc Trung cho rằng, trong quá trình thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc cũng ghi nhận những bất cập như: Nhu cầu đầu tư cơ sở nghiên cứu thực tế khá hạn chế, hoạt động R&D còn mang tính chất hình thức, lúng túng trong việc đầu tư, bố trí kinh phí, nhân lực R&D của doanh nghiệp.

Tọa đàm “Xúc tiến chuyển giao công nghệ gắn với bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ”
Đồng thời, cần cải thiện công tác thẩm định công nghệ của dự án, quy hoạch nhóm dự án vào các phân khu R&D sao cho có sự liên kết giữa các dự án và có sự đồng bộ, phù hợp về cơ sở hạ tầng hay cũng như làm sao để thu hút, khuyến khích, thúc đẩy hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp... để có thể hình thành nên các doanh nghiệp có tiềm năng tạo nên giá trị, công nghệ tương lai...
Bên cạnh đó việc nâng cao năng lực của các tổ chức trung gian về chuyển giao công nghệ, thương mại hoá tài sản trí tuệ; hình thành mạng lưới liên kết có chất lượng cũng như xây dựng được niềm tin, cơ chế phối hợp giữa các tổ chức này có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh của Khu công nghệ cao Hoà Lạc nói riêng và của quốc gia nói chung vẫn còn nhiều hạn chế về nguồn lực cho hoạt động này.
Để phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc bám sát mục tiêu “phát triển thành một thành phố khoa học và công nghệ, một đô thị sinh thái và thông minh, là một yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế khu vực và cả nước với vai trò là đầu mối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ mới” bên cạnh việc tập trung thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư công nghệ cao, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng thì cũng cần thúc đẩy, tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ, thương mại hoá tài sản trí tuệ.
Đồng thời, cần hình thành các dịch vụ tập trung, dễ dàng tiếp cận cho các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong quá trình hình thành, phát triển và kinh doanh sản phẩm công nghệ của mình. “Nền tảng cộng đồng TECHTRUST được ra mắt sẽ đóng góp trong việc kết nối giữa cung - cầu công nghệ, thúc đẩy kết nối giữa các cá nhân, chuyên gia, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực chuyển giao và thương mại hoá công nghệ” - ông Trần Đắc Trung chia sẻ thêm.
Sứ mệnh của Techtrust.vn là tư vấn, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm công nghệ cao ứng dụng vào trong sản xuất, kinh doanh và đời sống nhằm tạo ra sự đột phá trong việc giải quyết các vấn đề xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Trường Phi, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, trong bối cảnh hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam còn yếu và đang hoàn thiện cần ưu tiên phát triển năng lực bắt kịp trình độ công nghệ cao nhất (đường biên công nghệ) thông qua tiếp nhận và phổ biến công nghệ tiên tiến từ nước ngoài hoặc các công ty đa quốc gia, thay vì cố gắng thúc ép tạo ra công nghệ mới thông qua R&D. Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo từng bước để nâng cao hiệu quá, năng suất cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Trường Phi cũng khuyến nghị, hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng khuyến khích đi kèm với điều kiện để đẩy mạnh chuyển giao, lan tỏa công nghệ từ các dự án FDI; tăng cường đào tạo nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp và các tổ chức trung gian khoa học và công nghệ; chia sẻ thông tin, phối hợp triển khai các hoạt động giới thiệu, trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ; nâng cao nhận thức về công nghệ cho doanh nghiệp, đặc biệt là nhận thức về vai trò và vị trí của tài sản trí tuệ.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang