Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 20:14

Chủ nhật, 28/04/2024 | 20:14

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:27 ngày 30/05/2023

Viện Dầu khí Việt Nam đạt giải Nhất Giải thưởng Vifotec 2022

Mới đây, Ban tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (Vifotec) đã công bố danh sách công trình đạt Giải thưởng Vifotec 2022.
Tổng cộng 43 đề tài, dự án được trao tặng giải thưởng. Đây đều là những công trình đang áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao giúp thay thế nhập khẩu và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống.
Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) được trao giải Nhất cho công trình “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu cho trầm tích lục nguyên của mỏ dầu tại Bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam”, do nhóm tác giả Nguyễn Minh Quý, Phạm Trường Giang, Hoàng Long và các cộng sự tại Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) triển khai thực hiện.
Đây là kết quả xứng đáng với công sức và thành quả lao động của đội ngũ chuyên gia, nhà nghiên cứu VPI, góp phần đem lại giá trị kinh tế cao cho ngành dầu khí nhờ gia tăng sản lượng khai thác tại khu vực Bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam.
Khu vực triển khai thử nghiệm công nghiệp hóa phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu tại mỏ Bạch Hổ (Ảnh: petrovietnam.petrotimes.vn/)
Theo nhóm nghiên cứu, đề tài được thực hiện trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu khí ở Việt Nam ngày một suy giảm do đang trong giai đoạn khai thác cuối đời mỏ. Một số mỏ được phát hiện gần đây đa phần là mỏ nhỏ, mỏ cận biên, có nhiều điều kiện hạn chế nên khó đưa ngay vào phát triển khai thác. Do đó, yêu cầu tối ưu khai thác dầu khí tại các mỏ truyền thống được đề xuất thực hiện nhằm tận dụng những lợi thế vốn có vào khai thác, đảm bảo trữ lượng nguồn cung, giảm thiểu chi phí và áp lực đầu tư.
Dựa trên ý tưởng đề xuất, nhóm tác giả đã xây dựng quy trình chế tạo, thiết kế và triển khai thành công thiết bị sản xuất hệ hóa phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu quy mô pilot tại Việt Nam. Đồng thời đã nghiên cứu và đưa ra được giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu cho các đối tượng mỏ nhỏ, mỏ cận biên… để cùng kết nối, tích hợp công nghệ với các mỏ lân cận để triển khai dự án nâng cao hệ số thu hồi dầu với chi phí thấp và hiệu quả cao nhất. 
Theo các chuyên gia, kết quả nghiên cứu của đề tài đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghệ thu hồi dầu khi khai thác tài nguyên tại thềm lục địa của Việt Nam. Đặc biệt, kết quả này càng có ý nghĩa hơn khi các mỏ dầu ngoài khơi của nước ta đều có điều kiện nhiệt độ và áp suất vỉa cao, tính chất phức tạp về cấu trúc địa chất, hàm lượng khóa hóa trong nước vỉa cao… trong khi các sản phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu trên thế giới chưa đáp ứng được yêu cầu hoặc số ít sản phẩm có thể sử dụng được nhưng lại có giá thành cao.
Kết quả của đề tài còn góp phần khẳng định năng lực nghiên cứu khoa học và công nghệ của Viện Dầu khí Việt Nam nói riêng, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói chung trong việc làm chủ công nghệ và hóa phẩm nâng cao hệ số thu hồi dầu, góp phần gia tăng sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam.

Viện Dầu khí Việt Nam nhận giải Nhất tại Lễ trao giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam - Vifotec 2022. (Ảnh: VPI)
Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động, Trung ương Đoàn  niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức thường niên nhằm tôn vinh các nghiên cứu đang ứng dụng thực tế của các nhà khoa học cả nước giúp nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống, an ninh và quốc phòng. Trong 28 năm tổ chức, GIải thưởng đã nhận đựợc gần 3.000 công trình tham gia với hơn 900 công trình đoạt giải.
Năm 2022, Ban Tổ chức Vifotec cũng nhận được 128 công trình tham gia, chọn được 43 sản phẩm xuất sắc để trao giải, gồm: 04 giải Nhất, 09 giải Nhì, 15 giải Ba và 15 Giải khuyến khích. Các giải được trao cho 06 nhóm lĩnh vực gồm: cơ khí tự động hóa (9), vật liệu (6), công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông (5), sinh học (6), công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu (10), tiết kiệm năng lượng và năng lượng mới (7).  
Ngoài công trình “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu cho trầm tích lục nguyên của mỏ dầu tại Bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” do VPI thực hiện, ngành dầu khí còn có một đề tài khác cũng được trao tặng giải Nhất Giải thưởng Vifotec 2022. Đó là dự án “Nghiên cứu chương trình bảo trì tiên đoán và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả vận hành khai thác mỏ khí condensate Hải Thạch - Mộc Tinh lô 05-2 và 05-3 trên Biển Đông Việt Nam” do tác giả Ngô Hữu Hải, Trần Vũ Tùng, Trần Ngọc Trung và các cộng sự Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) thực hiện.
Quang Ngọc
lên đầu trang