Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 22:13

Thứ sáu, 19/04/2024 | 22:13

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 16:26 ngày 30/05/2023

Đồng Nai: Nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại tỉnh Đồng Nai vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nhất là thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong kiểm soát mất vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng các cơ quan chức năng ở Đồng Nai xác định vẫn còn nhiều nỗi lo về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm cần mạnh tay hơn nữa để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung.
Thực phẩm bẩn tiếp cận bếp ăn người thu nhập thấp
Là một trong những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp với lực lượng lao động lớn nhất của cả nước, Đồng Nai được biết đến như là nơi để tiêu thụ thực phẩm “bẩn” không rõ nguồn gốc với giá rẻ ở khu vực phía Nam.
Ông Nguyễn Đình Quang, Phó đội trưởng Đội 3 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, tình hình mua bán, giết mổ động vật không phép, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật đã chết; vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra. Đối tượng vi phạm là các cơ sở giết mổ, nổi lên ở TP. Biên Hòa, các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc.

Cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Ngoài ra, còn có tình trạng sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nằm trong danh mục được phép sử dụng để sơ chế, chế biến thực phẩm. Tập trung ở đối tượng là chủ các cơ sở sơ chế sản phẩm động vật, thực phẩm đông lạnh, phần lớn ở địa bàn Trảng Bom, Long Thành, Biên Hòa.
Trong khi đó, theo Trưởng phòng Y tế huyện Thống Nhất Nguyễn Công Thành, trên địa bàn huyện hiện có 32 bếp ăn tập thể tại các trường mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ. Qua kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại 7 bếp ăn trong quý I-2023 cho thấy, các trường học đều mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thực phẩm đông lạnh để qua ngày. Nhân viên trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm có giấy khám sức khỏe còn hiệu lực, được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tuy nhiên, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học còn một số khó khăn như: việc ghi chép nhật ký lưu mẫu và ghi chép sổ kiểm thực 3 bước của một số trường chưa cụ thể, còn bỏ trống nhiều nội dung theo quy định.
Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm
Theo ông Nguyễn Đình Quang, quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng công an với các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn gặp không ít vướng mắc. Các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi với nhiều phương thức nhằm đối phó với sự phát hiện, kiểm tra của cơ quan chức năng. Các văn bản quy định của pháp luật chưa chặt chẽ. Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm còn thấp, thiếu tính răn đe.
Đặc biệt, lực lượng công an chưa được đào tạo chuyên sâu trong việc thu mẫu thực phẩm, thú y. Do đó, khi phát hiện, xử lý các vụ việc về vệ sinh an toàn thực phẩm phải phối hợp với cơ quan khác để thu mẫu.
Đối với các hành vi vi phạm như: sử dụng phụ gia, hóa chất không rõ nguồn gốc trong chế biến thực phẩm, quá trình xử lý vi phạm cần có thời gian tạm giữ tang vật là thực phẩm để phân tích, giám định. Tuy nhiên, đây là loại tang vật đặc thù, dễ hư hỏng, phải có thời gian chờ thu mẫu, phân tích mẫu để làm cơ sở xử lý. Nhưng hiện chưa có văn bản quy định về quy trình, cách thức, trách nhiệm, địa điểm bảo quản thực phẩm tươi sống để tạm giữ tang vật. Trên địa bàn tỉnh cũng không có địa điểm, kho lưu trữ nào để lưu giữ những tang vật vi phạm. Từ đó, gây khó khăn cho công tác tạm giữ, lưu mẫu phục vụ cho công tác điều tra xác minh.
Liên quan đến công tác giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh, ông Lê Minh Hân, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai) thông tin, có 3 loại hình cơ sở giết mổ động vật đang tồn tại trên địa bàn tỉnh gồm: cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở giết mổ tạm thời và điểm giết mổ trái phép/không phép. Trong năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, các sở, ban, ngành, địa phương đã tổ chức kiểm tra, xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm trong hoạt động giết mổ, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y trên địa bàn.
Cũng theo ông Hân, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn tồn tại tình trạng giết mổ động vật nhỏ lẻ, thủ công, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm như: giết mổ trên nền gạch, có diện tích chật hẹp, trang thiết bị không đảm bảo. Nhiều trường hợp giết mổ động vật trái phép, bày bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, đặc biệt là ở các chợ tạm, vỉa hè, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, chính quyền ở một số nơi còn lơ là trong việc xử lý các điểm giết mổ không phép. Việc xử lý vi phạm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa triệt để, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe. Hộ giết mổ động vật chưa nhận thức đúng về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm mà chỉ chạy theo lợi ích trước mắt, chưa chấp hành việc đưa động vật vào giết mổ tập trung…
Hiện Đồng Nai có 49 cơ sở giết mổ động vật có sự kiểm soát của cơ quan thú ý với công suất bình quân 60 con trâu, bò và hơn 2,1 nghìn con lợn, 40 ngàn con gà mỗi ngày.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang