Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 13:28

Thứ hai, 29/04/2024 | 13:28

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 09:31 ngày 07/06/2023

Tập huấn bồi dưỡng thông tin về thương mại điện tử và kinh tế số cho gần 200 giảng viên đại học

Ngày 5/6, tại Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Chương trình tập huấn giảng viên về thương mại điện tử và kinh tế số năm 2023. Gần 200 giảng viên đến từ các trường đại học khu vực miền Bắc lần đầu tiên được tham gia tập huấn, nâng cao kiến thức về thương mại điện tử và kinh tế số.
Phát biểu khai mạc, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, trải qua hơn bốn thập kỷ hình thành và phát triển, thương mại điện tử - một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số đã ngày càng khẳng định được vai trò, tầm quan trọng đối với doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế số nói chung. Nhận thức được vai trò quan trọng của thương mại điện tử đối với sự phát triển, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo nhằm phát triển thương mại điện tử ổn định và bền vững. 
Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc khóa tập huấn (Nguồn ảnh: congthuong.vn/)
Trên thực tế, hiện nay số lượng các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam là trên 500, trong đó có 36 trường đào tạo chuyên ngành thương mại điện tử, trên 50 trường đào tạo học phần thương mại điện tử. Con số này còn khá hạn chế để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trong khi đó, theo kết quả khảo sát công bố tại Báo cáo Sách trắng thương mại điện tử năm 2022 cho thấy, có 64% doanh nghiệp được khảo sát dành sự ưu tiên hơn trong tuyển dụng đối với các nhân sự được đào tạo về công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Tuy nhiên, theo một khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, chỉ có 30% nhân lực tại công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử hiện nay mới được đào tạo chính quy về thương mại điện tử; 70% còn lại được tuyển dụng từ các lĩnh vực thương mại, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin và một số ngành nghề liên quan. Như vậy, hiện nay nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp đối với nguồn nhân lực về thương mại điện tử là rất lớn.
Trước vấn đề này, đại diện Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhận định, việc tổ chức buổi tập huấn này nhằm mục tiêu giúp các giảng viên cập nhật các chính sách, xu hướng mới của kinh doanh số và công nghệ liên quan tới đào tạo thương mại điện tử, hỗ trợ các trường bổ sung, sửa đổi chương trình đào tạo, bài giảng, học liệu, thực tập và kiến tập cho sinh viên. Đồng thời, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của giảng viên, đóng góp cho hoạt động xây dựng chính sách và pháp luật về kinh tế số, thương mại điện tử và đào tạo thương mại điện tử.
“Thông qua khóa tập huấn này, Ban tổ chức hi vọng là cầu nối, thắt chặt quan hệ giữa các trường đại học, thúc đẩy sự hợp tác trong xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng học liệu, trao đổi giảng viên. Đồng thời, cũng tạo lập mối liên kết giữa các trường đại học với các cơ quan hoạch định chính sách và pháp luật, các tổ chức và doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử” - bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay. 
Các đại biểu là các giảng viên của gần 200 trường đại học tham dự chương trình (Nguồn ảnh: congthuong.vn/)
Cũng tại chương trình, PGS.TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương cho biết, trường Đại học Ngoại thương là một trong những trường đầu tiên đào tạo về thương mại điện tử trong cả nước. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, bộ môn này luôn được duy trì và phát triển trong chương trình đào tạo của Trường. Đại diện trường Đại học Ngoại thương cũng hy vọng thông qua Chương trình tập huấn giảng viên về thương mại điện tử và kinh tế số sẽ tạo ra bước tiến mới trong đào tạo lĩnh vực này tại các cơ sở giáo dục đại học nước ta.
Đồng thời, khóa tập huấn cũng là cơ hội để các giảng viên của trường Đại học Ngoại thương nâng cao kỹ năng về lĩnh vực này, đồng thời, có cơ hội học hỏi, giao lưu và kết nối với các trường đào tạo về thương mại điện tử và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp về thương mại điện tử.
Chương trình đào tạo khóa tập huấn gồm 3 phiên: Giới thiệu các nền tảng số, công nghệ số vào chương trình đào tạo thương mại điện tử và kinh tế số; Chính sách và pháp luật hiện tại cũng như dự kiến ban hành về kinh tế số và thương mại điện tử tác động thế nào tới chương trình đào tạo; Hợp tác giữa các trường đại học, cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp. Hình thức tập huấn theo hướng tương tác và mở, khuyến khích trao đổi, tranh luận giữa các đại biểu với khách mời và báo cáo viên.
Cùng với Chương trình tổ chức tại Hà Nội ngày 5/6, Chương trình sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh vào các ngày 7 và 9/6/2023.
Theo Báo cáo thương mại điện tử toàn cầu của eMarketer, năm 2022, doanh thu thương mại điện tử toàn cầu ước đạt khoảng 5,54 nghìn tỷ USD, chiếm 21% tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu. Dự báo đến năm 2025, doanh thu thương mại điện tử toàn cầu có thể đạt đến 7,38 nghìn tỷ USD và chiếm 24,5% tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu.
Trước sự phát triển của thế giới, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục phát triển và trở thành kênh phân phối quan trọng. Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Việt Nam cũng được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (với tốc độ tăng trưởng 20%/năm).
Hoàng Phương
lên đầu trang