Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 18:36

Thứ bảy, 04/05/2024 | 18:36

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:11 ngày 23/11/2023

Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương

Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và từng bước phát triển sản xuất thông minh, các giải pháp đưa ra cần giải quyết được những thách thức nội tại, đồng thời, phải tạo ra môi trường và những đòn bẩy phù hợp. 
Những “điểm sáng” trong chuyển đổi số ngành Công Thương
Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến 2030 và Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội đến năm 2025 đã xác định rõ nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là chìa khóa để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nên cần đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng thí điểm. (Ảnh minh hoạ - bnews.vn)
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã giao các đơn vị chức năng như Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Dầu khí và Than, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số .v.v. chủ động nghiên cứu, đề xuất với Lãnh đạo Bộ, Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương nhanh chóng tiếp cận với các công nghệ mới, thực hiện chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh.
Nhờ đó, hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp ngành Công Thương đã có những chuyển biến hết sức tích cực. Hoạt động ứng dụng đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được doanh nghiệp triển khai một cách mạnh mẽ và trở thành những giải pháp cấp bách mang tính sống còn để vượt qua những thách thức của đại dịch Covid-19 và những giải pháp để nâng cao nội lực của các doanh nghiệp. 
Điển hình, trong lĩnh vực điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã được vinh danh ở hạng mục doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc, với hoạt động triển khai mạnh mẽ ở các đơn vị thành viên; Trong lĩnh vực khoáng sản, các doanh nghiệp cũng đã tập trung phát tầng công nghệ thông tin hiện đại, triển khai rộng rãi hệ thống tự động hóa; Trong ngành dầu khí đã thực hiện chuyển đổi số ở tập đoàn và lộ trình triển khai cho các đơn vị thành viên.
Năm 2022 là năm thứ 4 EVN được nhận Giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc (Ảnh: EVN)
Trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, Công ty Cổ phần Bia rượu Nước giải khát Hà Nội cũng là một điển hình với hệ thống 24 nhà máy sản xuất với công nghệ thiết bị hiện đại tự động hóa đồng bộ hóa cao và đạt những chứng nhận về hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường theo tiêu chuẩn ISO 9001;
Trong lĩnh vực dệt may, Tập đoàn dệt may cũng đã có những lộ trình nguyên tắc, kế hoạch để triển khai hoạt động chuyển đổi số và đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Đặc biệt đã xây dựng và vận hành phần mềm quản trị sản xuất sợi kết nối trực tiếp giữa văn phòng của tập đoàn và các công ty thành viên, cập nhật tình hình sản xuất chính xác nhanh chóng, đưa ra các báo cáo quản trị trích xuất trên hệ thống, góp phần nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp thành viên của tập đoàn.
Không chỉ ở những doanh nghiệp lớn mà trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số đang diễn ra ở nhiều phạm vi khác nhau giúp doanh nghiệp từng bước thiết lập hệ thống sản xuất kinh doanh có tính linh hoạt cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, mang lại hiệu quả hết sức tích cực; đồng thời mang đến diện mạo, năng lực mới cho các doanh nghiệp.
Nhiệm vụ trọng tâm
Chuyển đổi số đã mang lại cho các doanh nghiệp hiệu quả và lợi ích không thể phủ nhận. Việc ứng dụng các công nghệ mới đặc biệt là công nghệ số vào thực tiễn sản xuất kinh doanh giúp các doanh nghiệp thiết lập được một hệ thống sản xuất kinh doanh có tính linh hoạt và hiệu quả cao, tối ưu chi phí vận hành, giúp các nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định kinh doanh chính xác, kịp thời. Không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; việc ứng dụng công nghệ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp tạo ra giá trị hoàn toàn mới bằng việc hình thành các sản phẩm dịch vụ mới thậm chí có mô hình kinh doanh mới hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời đại mới.
Và có thể nói chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng đã trở thành nhu cầu cấp thiết tại Việt Nam. Tuy nhiên các nhà quản lý doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những khó khăn khi đưa quyết định chuyển đổi khi nào, chuyển đối ra sao trong thời kỳ bùng nổ công nghệ với sự gia tăng và lựa chọn tích cực nhưng phải gắn liền với định hướng sản xuất kinh doanh, phù hợp với năng lực của từng doanh nghiệp.….
Hội nghị thúc đẩy chuyển đổi số tại Bộ Công thương nhằm đánh giá tình hình triển khai và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc chuyển đổi số và phát triển chính phủ điện tử tại Bộ Công thương. (Ảnh: Nhân dân)
Theo ông Trần Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương “Ứng dụng công nghệ 4.0 với cách tiếp cận tổng thể và toàn diện từ quá trình chuyển đổi số để tiến tới sản xuất thông minh là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam. Nếu như lĩnh vực dịch vụ, thương mại điện tử đang có sự chuyển mình mạnh mẽ để nắm bắt cơ hội, đẩy nhanh quá trình phát triển trong xu hướng ứng dụng công nghệ mạnh mẽ từ Cuộc Cách mạng lần thứ tư thì trong khu vực sản xuất vẫn là những bước đi có phần chậm chạp; các doanh nghiệp áp dụng hiệu quả vẫn chưa nhiều, phần lớn các hoạt động tại doanh nghiệp hiện này mới dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi trong lĩnh vực quản trị hoặc cục bộ ở một số mảng sản xuất như: quản lý, bảo trì thiết bị, quản lý hiệu quả năng lượng, quản lý kho.v.v…
Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và từng bước phát triển sản xuất thông minh, các giải pháp đưa ra cần giải quyết được những thách thức nội tại, đồng thời, phải tạo ra môi trường và những đòn bẩy phù hợp. Trong đó, cần ưu tiên cho các nhóm:
Thứ nhất, nhóm giải pháp tác động tới các yếu tố, năng lực cốt lõi của doanh nghiệp, gồm: con người, trong đó tập trung vào tư duy chiến lược và tổ chức; năng lực tổ chức, triển khai, làm việc trong môi trường số với khả năng hấp thụ, ứng dụng, làm chủ và làm việc cùng các thiết bị, công nghệ mới; tri thức, công nghệ, trong đó cần triển khai, nâng cấp đồng thời và đồng bộ công nghệ sản xuất, công nghệ quản trị và công nghệ số; hạ tầng và môi trường, văn hóa doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, đồng thời duy trì quá trình triển khai liên tục.
Thứ hai, nhóm giải pháp tác động tới các yếu tố hỗ trợ, tác động trực tiếp tới các năng lực cốt lõi của doanh nghiệp; tập trung vào việc nâng cao chỉ số môi trường công nghệ quốc gia gắn với các yếu tố về sản xuất thông minh; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển năng lực công nghệ và thử nghiệm sản phẩm, tài nguyên và hạ tầng cần thiết để chuyển đổi số và sản xuất thông minh; đồng thời phát triển mạng lưới các đơn vị hỗ trợ về đào tạo nhân lực, cung cấp giải pháp kỹ thuật, công nghệ .v.v... 
Thứ ba, nhóm giải pháp tác động tới yếu tố môi trường chung, trong đó, tập trung vào thiết lập các yếu tố về môi trường kỹ thuật và yếu tố môi trường phát triển như hình thành Khung kiến trúc chuyển đổi số sản xuất và Kiến trúc công nghệ của nhà máy thông minh, các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá mức độ sẵn sàng và mức độ trưởng thành của các yếu tố cấu thành cũng như tổng thể quá trình chuyển đổi số phục vụ sản xuất thông minh.
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cũng như cập nhật những xu hướng công nghệ mới của ngành Công Thương, ngày 21/11/2023, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Xu hướng công nghệ mới trong chuyển đổi số ngành Công Thương”. Đây là một diễn đàn có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo cơ hội để các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra những thảo luận về chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất và năng lượng, nhận diện những xu hướng công nghệ mới, những thách thức trong quá trình chuyển đổi số của ngành Công Thương.
Tố Uyên
lên đầu trang