Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 06:12

Thứ năm, 02/05/2024 | 06:12

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:11 ngày 27/11/2023

Tiếp cận tổng thể và toàn diện quá trình chuyển đổi số, tiến tới sản xuất thông minh

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) Trần Minh cho rằng: việc ứng dụng công nghệ 4.0 với cách tiếp cận tổng thể và toàn diện từ quá trình chuyển đổi số để tiến tới sản xuất thông minh là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam. 
Tại Hội thảo “Xu hướng công nghệ mới trong chuyển đổi số ngành Công Thương” được tổ chức hôm 21/11/2023 vừa qua, đại diện Bộ Công Thương đã nhấn mạnh rằng lĩnh vực dịch vụ, thương mại điện tử đang có sự chuyển mình mạnh mẽ để nắm bắt cơ hội, đẩy nhanh quá trình phát triển trong xu hướng ứng dụng công nghệ mạnh mẽ từ Cuộc Cách mạng lần thứ tư nhưng trong khu vực sản xuất vẫn là những bước đi có phần chậm chạp, những điểm sáng trong việc thực hiện hiệu quả chuyển đổi số tại các doanh nghiệp vẫn chưa nhiều.
Phần lớn các hoạt động tại doanh nghiệp hiện này mới dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi trong lĩnh vực quản trị hoặc cục bộ ở một số mảng sản xuất như: quản lý, bảo trì thiết bị, quản lý hiệu quả năng lượng, quản lý kho.v.v… Khó khăn của các doanh nghiệp xuất phát từ cả yếu tố bên trong và bên ngoài. 
Doanh nghiệp ngành Công Thương vẫn còn gặp không ít khó khăn trong việc chuyển đổi số (Ảnh minh hoạ - Báo Công Thương)
Để từng bước giải quyết những khó khăn này, trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã giao các đơn vị chức năng thuộc Bộ chủ động nghiên cứu, đề xuất với Lãnh đạo Bộ, Thủ tướng Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp triển khai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương nhanh chóng tiếp cận với các công nghệ mới, thực hiện chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh. 
Đồng thời, tổ chức rất nhiều sự kiện nhằm kết nối, tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp giữa các cơ quan hoạch định chính sách và các doanh nghiệp ngành Công Thương, đơn vị tư vấn, cung cấp công nghệ và giải pháp; từ đó hình thành một cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0, thực hiện chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tiến hành đánh giá toàn diện mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp trong tiếp cận với công nghiệp 4.0; đồng thời xem xét tới tốc độ phát triển và ứng dụng của các công nghệ mới trên thế giới, đặc biệt sau giai đoạn Covid19 vừa qua, với nhiều thay đổi trong xu thế phát triển của chuỗi cung ứng toàn cầu, phương thức hoạt động của từng doanh nghiệp, để đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 thông qua chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn đến năm 2030.
Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và từng bước phát triển sản xuất thông minh, các giải pháp đưa ra cần giải quyết được những thách thức nội tại, đồng thời, phải tạo ra môi trường và những đòn bẩy phù hợp. Trong đó, cần ưu tiên cho các nhóm giải pháp bao gồm: Giải pháp tác động đến các yếu tố, năng lực cốt lõi của doanh nghiệp; Giải pháp tác động tới các yếu tố hỗ trợ, tác động trực tiếp tới các năng lực cốt lõi của doanh nghiệp; Giải pháp tác động tới yếu tố môi trường chung.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã xây dựng “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định mục tiêu về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặt ra kế hoạch đến năm 2025 Việt Nam là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin.  
Minh Khuê
lên đầu trang