Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 30/04/2024 | 06:27

Thứ ba, 30/04/2024 | 06:27

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 12:00 ngày 11/04/2024

Thanh Hóa: Doanh nghiệp chủ động áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm

Hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đang tích cực đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại vào sản xuất và tìm tòi, nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021- 2030 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh phục hồi lại sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư đổi mới, cải tiến hệ thống máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Hiện nay tỉnh Thanh Hóa có trên 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trước sự phát triển vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, máy móc, công nghệ hiện đại đang ngày càng thể hiện vai trò quyết định đối với việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp. Đồng thời xem đây là chìa khóa quan trọng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Nhiều doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa chủ động áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ảnh: Truyền hình Thanh Hóa
Điển hình, Công ty cổ phần phân bón Lam Sơn chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phân bón hữu cơ, hàng năm, đều dành một nguồn kinh phí lớn cho hoạt động nghiên cứu, cải tiến máy móc kỹ thuật trong sản xuất. 
Với tầm nhìn chiến lược của Công ty cổ phần Phân bón Lam Sơn trở thành một doanh nghiệp tiên phong đi đầu, tận tâm trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và cung cấp các loại phân bón có thành phần hữu cơ đảm bảo chất lượng góp phần phát triển một nền nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững thì con đường ngắn nhất để thực hiện thành công chiến lược này là đầu tư khoa học và công nghệ. Vì vậy, Công ty luôn quan tâm đổi mới công nghệ và nghiên cứu cho ra đời nhiều dòng sản phẩm phù hợp với các loại cây trồng cho những vụ mùa bội thu. 
Nhờ vậy, năm 2020, đơn vị đã được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh. Năm 2024, đơn vị phấn đấu sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt khoảng 22 nghìn tấn phân bón, tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ.
Công ty TNHH Daehan Global Thanh Hóa cũng là một trong những đơn vị may xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Canada và Hàn Quốc. Trong nửa đầu năm 2023 do thị trường tiêu thụ có dấu hiệu sụt giảm, vì vậy, công ty đã chủ động tìm kiếm thị trường và nguồn hàng mới, tập trung xây dựng tiêu chí về công nghệ, chất lượng sản phẩm, đảm bảo năng suất nguồn cung, đáp ứng yêu cầu của đối tác.
Theo đó, công ty đã quan tâm đào tạo nguồn lao động, mua sắm máy móc thiết bị hiện đại và triển khai công nghệ đến từng người lao động. Hiện tại, công ty đã đầu tư máy móc công nghệ mới nhất để áp dụng vào quá trình sản xuất như: máy vẽ sơ đồ tự động, máy cắt, may tự động, máy trải vải, máy cuộn viền, máy kiểm tra vải, máy tời vải...
Đặc biệt công ty đã đầu tư hệ thống chuyền treo tự động. Các móc treo với đầu đọc sẽ di chuyển chính xác theo từng công đoạn sản xuất cho tới khi hoàn thành sản phẩm. Quy trình sản xuất được kiểm soát hoàn toàn tự động và có thể truy xuất thông tin, được kiểm soát bằng máy tính do đó các thông tin, dữ liệu liên quan đến sản xuất đều có thể theo dõi và kiểm soát nhằm tối ưu hóa năng lực sản xuất. Nhờ đó chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao, tiết kiệm thời gian, và nhiều chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Năm 2023 doanh thu của công ty đạt trên 7 triệu USD, tạo việc làm ổn định cho 750 lao động với mức lương trung bình từ 7 đến 9 triệu đồng/tháng.
Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta là một doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nên chất lượng sản phẩm luôn được xem là "chìa khóa vàng" để doanh nghiệp phát triển và đứng vững trên thị trường. Do đó, các dòng sản phẩm thể thao, may mặc, bóng đá của công ty luôn được cải tiến, đổi mới cách thức sản xuất phù hợp với điều kiện để xuất khẩu. Mặc dù trong thời gian qua, hoạt động xuất khẩu có phần giảm sút, tuy nhiên công ty quyết định tạo bước đột phá với việc đầu tư nguồn nhân lực và tài chính để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ sản xuất, giám sát kỹ thuật các công đoạn, đầu tư thiết bị hiện đại nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.
Việc cải tiến hệ thống máy móc thiết bị giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng. Ảnh: Truyền hình Thanh Hóa
Cùng với sự chủ động của doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa cũng triển khai nhiều giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, đầu tư công nghệ như Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 – 2025. Các chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương về hỗ trợ đổi mới máy móc thiết bị cho doanh nghiệp; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm... Nhờ đó, các doanh nghiệp đều từng bước ổn định sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất chất lượng hơn giai đoạn trước.
Việc quan trọng cần làm lúc này đó là Thanh Hoá cần tiếp tục xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghiên cứu, triển khai ứng dụng các giải pháp năng suất xanh và phát triển cộng đồng. Đồng thời, hướng dẫn thật cụ thể để áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, nhất là các công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh vào doanh nghiệp.
Nguồn: vietq.vn
lên đầu trang