Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 08/09/2024 | 07:38

Chủ nhật, 08/09/2024 | 07:38

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 13:27 ngày 09/07/2024

“Nghiên cứu đánh giá tình hình thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ hầm lò, QCVN 01:2011/BCT và đề xuất các giải pháp quản lý trong lĩnh vực khai thác mỏ hầm lò”

Là đề tài cấp Quốc gia do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin thực hiện nhằm đánh giá mức độ tuân thủ quy chuẩn hiện hành, từ đó đề xuất, chỉnh sửa, hoàn thiện một số nội dung còn thiếu nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn lao động và giảm thiểu sự cố, tai nạn trong điều kiện sản xuất của các mỏ than hầm lò.
Các quy chuẩn quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ hầm lò đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho người lao động và giảm thiểu các nguy cơ tai nạn và hậu quả môi trường. Các quy chuẩn này đảm bảo rằng các công việc trong môi trường khai thác mỏ sẽ được thực hiện dưới những điều kiện an toàn nhất có thể. Đồng thời, cung cấp các hướng dẫn và yêu cầu cụ thể về các biện pháp an toàn, thiết bị bảo hộ và quy trình làm việc để giảm thiểu nguy cơ tai nạn trong quá trình khai thác, vận hành và bảo dưỡng hầm lò mỏ than.
Không những thế, các quy chuẩn còn quan tâm đến tác động của hoạt động khai thác lên môi trường. Chúng yêu cầu các nhà khai thác mỏ than thực hiện các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ các tài nguyên nước và đảm bảo bền vững cho môi trường sống xung quanh. Tóm lại, các quy chuẩn quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ than hầm lò đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của người lao động, giảm thiểu các rủi ro và tác động đến môi trường, cũng như đảm bảo tính bền vững của hoạt động khai thác.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Báo Quảng Ninh)
Trên thực tế, các quy chuẩn kỹ thuật của ngành mỏ được hoàn thiện dựa theo nguyên tắc áp dụng và rút kinh nghiệm để cải tiến dần. Từ đó, các quy định trong công tác an toàn sẽ được kiện toàn và đưa ngành mỏ đạt được mức độ an toàn ngang bằng với các ngành công nghiệp khác.
Trong ngành mỏ, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác than hầm lò QCVN 01: 2011/BCT (QCVN 01) là quy chuẩn có mức độ pháp lý cao nhất đối với công tác quản lý an toàn lao động, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong khai thác than hầm lò. Quy chuẩn này được sửa đổi từ Quy phạm kỹ thuật an toàn trong các hầm lò than và diệp thạch TCN 14.06.2006 và trước đó TCN 14.06.2006 được sửa đổi trên cơ sở TCN 14.06.2000. Sau mỗi lần sửa đổi, nhiều điều chỉnh, thay thế, bổ sung đã được đề cập nhằm hoàn thiện công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động . 
Tuy nhiên, sau khi được ban hành và áp dụng một số quy định thuộc Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn trong khai thác than hầm lò còn chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của sản xuất và ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành công nghiệp khai thác than mỏ hầm lò. Ngoài ra, khi xem xét các quy định của QCVN 01 liên quan đến sự cố, tai nạn lao động xảy ra tại các mỏ than hầm lò trong những năm gần đây cho thấy, còn một số tồn tại cơ bản về cơ cấu quản lý an toàn trong mỏ than hầm lò.
Do đó, việc triển khai đề tài nhằm mục tiêu đánh giá mức độ tuân thủ quy chuẩn hiện hành, từ đó đề xuất, chỉnh sửa, hoàn thiện một số nội dung còn thiếu và chưa phù hợp với hiện trạng sản xuất trong Quy chuẩn hiện hành, nhằm tăng cường công tác quản lý ATVSLĐ và giảm thiểu sự cố, tai nạn trong điều kiện sản xuất của các mỏ than hầm lò.” chủ nhiệm đề tài - TS Phùng Quốc Huy (Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin) cho biết.
Công nhân Công ty cổ phần đồng Tả Phời thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sáng Việt Nam được trang bị bảo hộ lao động trong sản xuất (Ảnh minh hoạ - TTXVN)
Trong gần 2 năm triển khai nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành khảo sát tổng hợp hiện trạng và mức độ tuân thủ các quy định thuộc QCVN 01 tại các đơn vị khai thác than hầm lò. Cụ thể, để thu thập thông tin, nhóm nghiên cứu thực hiện khảo sát thông qua phiếu bảng hỏi, đối tượng hướng đến là các đơn vị khai thác, đào lò, tư vấn và các chuyên gia. Bên cạnh đó, nghiên cứu tổng quan các quy phạm an toàn tại một số nước trên thế giới. Đây là những cơ sở để tổng hợp, phân tích và đánh giá những tồn tại trong quy chuẩn hiện hành.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích, đánh giá hiện trạng những tồn tại trong QCVN 01 và tổng quan Quy phạm an toàn của một số nước trên thế giới và Việt Nam; Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp quản lý trong lĩnh vực khai thác than hầm lò và xây dựng dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sửa đổi QCVN 01.
Sau cùng, TS Phùng Quốc Huy và các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin đã thành công nghiên cứu giải pháp quản lý ATVSLĐ và xây dựng dự thảo quy chuẩn QC 01 mới dựa trên các tài liệu pháp lý liên quan tới ATVSLĐ trong khai thác hầm lò hiện hành tại Việt Nam, các quy phạm an toàn trong khai thác than hầm lò một số nước có ngành khai thác than hầm lò phát triển trên thế giới như: Ba Lan, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc. 
Đặc biệt, các chỉnh sửa, bổ sung được thực hiện qua kết quả điều tra mức độ tuân thủ các quy định QCVN 01 của các đơn vị khai thác than hầm lò trong tập đoàn TKV, TCT Đông Bắc, cũng như các ý kiến đóng góp sửa đổi của các chuyên gia đầu ngành, đại diện các đơn vị sản xuất than thông qua các hội thảo khoa học.
Có thể thấy, kết quả của đề tài nghiên cứu không chỉ khẳng định năng lượng, khả năng tiếp thu nhạy bén của các nhà nghiên cứu trong nước và còn tạo cơ sở để Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt những sửa đổi, bổ sung được nêu tại chương III và dự thảo QCVN 01 (phụ lục II) để các quy định được phù hợp với hiện trạng và tương lai sản xuất tại các mỏ than hầm lò hiện nay.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác than hầm lò QCVN 01: 2011/BCT được ban hành kèm theo Thông tư số 03/2011/TT/BCT ngày 15 tháng 02 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, là văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng bắt buộc cho mọi tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động khai thác mỏ ở Việt Nam. QCVN 01 có mức độ pháp lý cao nhất đối với công tác quản lý an toàn lao động, vệ sinh lao động trong khai thác than hầm lò. 
Bảo Lâm
lên đầu trang