Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 07:03

Chủ nhật, 28/04/2024 | 07:03

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 10:39 ngày 09/03/2020

PVN định hướng phát triển bằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam yêu cầu Hội đồng Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2020 - 2022 cần tiếp tục kết nối trí tuệ của các chuyên gia trong và ngoài nước, tập trung vào vấn đề dịch chuyển năng lượng và kinh tế xanh; chú trọng công tác chuyển đổi số phục vụ cho hoạt động dầu khí; tư vấn cho Lãnh đạo PVN trong quá trình rà soát chiến lược phát triển các lĩnh vực cốt lõi, xây dựng chiến lược phát triển mới đến năm 2030 và năm 2045.
Ngày 5/3/2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức Kỳ họp tổng kết hoạt động của Hội đồng Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2017 - 2019 trực tuyến tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Giàn Công nghệ Trung tâm số 2, mỏ Bạch Hổ.

Hội đồng đã đánh giá, thảo luận về: Kết quả công tác thăm dò khai thác dầu khí giai đoạn 2011 - 2019 và định hướng tiếp theo; Sử dụng hiệu quả năng lượng tại các nhà máy chế biến dầu khí; Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ và đề xuất áp dụng tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2022, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cũng như các Tiểu ban trực thuộc sẽ tái cấu trúc theo hướng tinh gọn, hiệu quả; bám sát các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi để tư vấn phản biện, xây dựng các chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ dài hạn cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tại Kỳ họp, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đề xuất Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai mô hình đổi mới sáng tạo mở để tận dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ, tri thức trên toàn thế giới và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lấy các doanh nghiệp làm trung tâm để thúc đẩy các hoạt động ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ, quản lý mới vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, gắn kết hoạt động đổi mới, sáng tạo với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để khoa học công nghệ thực sự là động lực quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Để vận hành mô hình và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hiệu quả, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần xây dựng Chiến lược đổi mới sáng tạo với các mục tiêu, lộ trình công nghệ gắn liền với Chiến lược phát triển của PVN và triển khai 4 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: Nâng cao vai trò lãnh đạo của người đứng đầu các đơn vị; phát triển tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới cơ chế, chính sách quản lý hoạt động khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng văn hóa thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thiết lập các mối quan hệ hợp tác chiến lược về khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Trước mắt, VPI sẽ hợp tác với các đơn vị sản xuất, kinh doanh của PVN triển khai áp dụng phần mềm nhận diện các “điểm nghẽn” trong quá trình vận hành của các nhà máy để xây dựng thành các đầu bài kỹ thuật cụ thể và kêu gọi, tìm kiếm giải pháp công nghệ từ khắp thế giới để triển khai, áp dụng thử nghiệm mô hình đổi mới sáng tạo mở.
Phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp, TS. Phan Ngọc Trung - Thành viên HĐTV yêu cầu Hội đồng Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ tới cần tiếp tục kết nối trí tuệ của các chuyên gia trong và ngoài nước, tập trung vào vấn đề dịch chuyển năng lượng và kinh tế xanh; chú trọng công tác chuyển đổi số phục vụ cho hoạt động dầu khí. TS. Phan Ngọc Trung  yêu cầu Hội đồng nhanh chóng kiện toàn, tư vấn cho Lãnh đạo Tập đoàn trong quá trình rà soát chiến lược phát triển các lĩnh vực cốt lõi, xây dựng chiến lược phát triển mới đến năm 2030 và năm 2045 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước, bám sát Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo TS. Lê Xuân Huyên - Phó Tổng giám đốc PVN, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2020 - 2022, các thành viên Hội đồng cần chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác tư vấn phản biện, kết nối với Hội đồng Khoa học và Công nghệ các đơn vị, để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cho các nhà máy/công trình dầu khí. TS. Lê Xuân Huyên cho rằng cần song hành khoa học lý thuyết (dài lâu mới có kết quả) và khoa học ứng dụng (giải quyết ngay các vấn đề nóng), gắn chiến lược phát triển khoa học công nghệ với chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Nhiệm vụ trước mắt của Hội đồng là tinh giản bộ máy để tiết giảm chi phí, hoạt động hiệu quả hơn; tập trung vào công tác đánh giá tiềm năng dầu khí khu vực phía Bắc bể Sông Hồng và đề xuất các giải pháp hiệu quả để giải quyết các “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách.
Nguồn petrotimes.vn
lên đầu trang