Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 20:19

Thứ bảy, 27/04/2024 | 20:19

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 21:27 ngày 01/05/2020

Dệt may Việt Nam trước thách thức Covid-19

Không chỉ là vấn đề sức khỏe và tính mệnh con người, an ninh kinh tế thế giới cũng đang đứng trước mối đe dọa vô cùng lớn với đại dịch do Covid-19 gây ra. Nền công nghiệp Dệt May Việt Nam đã hội nhập kinh tế toàn cầu hai thập kỷ nay, vậy trước đại dịch toàn cầu, cũng sẽ chịu ảnh hưởng khôn lường.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas). Ảnh: KBH
COVID-19 CÓ ẢNH HƯỞNG TRẦM TRỌNG TỚI NGÀNH DMVN
Nhớ lại quý IV/2019, toàn ngành DMVN mới chỉ xác định những khó khăn trong năm 2020, trong đó bao gồm suy giảm kinh tế toàn cầu do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, xu hướng bảo hộ mậu dịch và những yêu cầu khó khăn hơn từ người tiêu dùng toàn cầu trước những lo lắng về môi trường, biến đổi khí hậu, và những đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Không chuyên gia nào, nhà kinh tế nào mảy may dự đoán được một đại dịch lại có thể cuốn cả nền kinh tế thế giới vào một cái phễu khổng lồ.
Và khi Covid-19 bất ngờ tấn công nhanh, dữ dội vào công xưởng sản xuất của thế giới là Trung Quốc, thì lập tức nền kinh tế toàn cầu chao đảo. Trung Quốc kéo dài kỳ nghỉ Tết nguyên đán, với mục đích hạn chế sự lây lan của Covid-19, khiến mọi nhà máy sản xuất tạm ngủ yên. Biên giới Trung Quốc còn bị các nước xung quanh phong tỏa, không những vậy, hàng hóa, nguyên vật liệu từ Trung Quốc cũng bị ách lại trước các cánh cổng hải quan. Riêng nguồn cung vải, thì Trung Quốc chiếm tới 54% tỷ lệ toàn cầu. Việc nguồn cung chủ đạo hàng hóa, nguyên vật liệu của thế giới bị ách tắc, kéo theo sản xuất toàn cầu đình đốn. Âu cũng là mặt trái của
nền kinh tế toàn cầu hóa mà chúng ta cần chấp nhận, bên cạnh những lợi thế đã rõ.
“Dịch do Covid-19 có ảnh hưởng trầm trọng tới Ngành DMVN trong Quý I, thậm chí tới cả Quý II/2020. Cụ thể, ảnh hưởng lớn nhất là nguồn cung nguyên phụ liệu từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… sang Việt Nam bị thiếu. Do thiếu hụt nguyên phụ liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp DMVN có khó khăn, cụ thể là đảo lộn bố trí chuyền sản xuất do các doanh nghiệp phải điều chỉnh: Kế hoạch sản xuất các mặt hàng nguyên liệu đang có; Bố trí lại dây chuyền sản xuất từ hàng dệt thoi, sang hàng dệt kim; Bố trí lại giờ làm việc cho người lao động (do ở một số địa phương, có những doanh nghiệp buộc phải giảm giờ
làm của người lao động).” – Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết.
Xưởng may khẩu trang của May Chiến Thắng - với sự hỗ trợ của văn phòng. Ảnh: KBH
Còn với Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) với vai trò là đầu tàu dẫn dắt toàn Ngành DMVN, trong những ngày đầu tiên có dịch, đã nổi lên là một nhân tố hàng đầu trong việc sử dụng năng lực dệt may của mình để đưa ra một sản phẩm hoàn toàn mới, phục vụ nhân dân phòng chống dịch Covid-19, đó là khẩu trang vải kháng khuẩn. Điều đó cho thấy phản ứng linh hoạt, hiệu quả của Vinatex trước tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, cho dù đẩy mạnh hoạt động sản xuất mặt hàng khẩu trang, đủ để cung ứng cho thị trường toàn quốc trong thời gian có dịch, thì cũng chỉ chiếm 10% năng lực sản xuất. Trong trường hợp có xuất khẩu mặt hàng khẩu trang, thì cũng chỉ sử dụng tới 15%-20% năng lực sản xuất của Tập đoàn. Như vậy, việc xoay chuyển sản xuất mặt hàng này, ngoài lợi ích xã hội, góp phần tích cực vào thành công của công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, thì chưa thể là giải pháp cứu cánh trước hệ lụy của dịch bệnh với toàn bộ hệ thống sản xuất của Vinatex.
Với việc Trung Quốc chiếm tới hơn nửa tỷ trọng nguồn cung nguyên vật liệu cho ngành dệt may thế giới, thì việc tìm nguồn cung thay thế là không đơn giản. Tại các doanh nghiệp của Vinatex, hầu hết đều chỉ đủ nguyên liệu cho sản xuất đến giữa tháng 3/2020, do nguyên liệu đã được nhập về trước Tết nguyên đán.
Trong ngắn hạn, đơn cử nếu việc sản xuất vải của Trung Quốc bị chậm một tháng, thì các doanh nghiệp may tại Vinatex với tỷ trọng sử dụng 50% vải Trung Quốc, sẽ bị chậm nửa tháng sản xuất do thiếu nguyên liệu. Việc thiếu nguyên liệu kéo dài bao lâu hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch và sự quay trở lại sản xuất của các nhà máy nguyên liệu tại Trung Quốc. Trong lúc này, nguồn tin từ Trung Quốc kỳ vọng rằng, họ sẽ kiểm soát hoàn toàn được dịch do Covid-19 vào cuối tháng 4/2020. Như vậy, sản xuất may xuất khẩu tại Việt Nam sẽ chậm ít nhất 1 tháng.
Tuy nhiên vào đầu tháng 3/2020, các nhà máy sản xuất nguyên liệu của Trung Quốc đã quay trở lại sản xuất. Chỉ có điều sản lượng mới chỉ bằng 50% so với bình thường, do còn thiếu lực lượng lao động và một số yếu tố khó khăn khác. Như vậy trong ngắn hạn, nguồn cung thiếu hụt là một khó khăn cho Vinatex nói riêng và toàn Ngành DMVN nói chung. Trong khi đó, với ảnh hưởng của đại dịch, thì kinh tế toàn cầu năm 2020 có tăng trưởng thấp, tất yếu ảnh hưởng tới lượng cầu hàng hóa dệt may, dẫn đến khó khăn mới trong số lượng đơn đặt hàng trong năm 2020 này.
Các công nhân mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang khi làm việc tại một nhà máy của Trung Quốc. Ảnh: Market Watch

“Trong tháng 2, tháng 3/2020, Vinatex chưa vào đỉnh điểm tình trạng thiếu nguyên liệu, do lượng nguyên liệu đã được đặt hàng từ tháng 12/2019, được đưa về Việt Nam từ tháng 1/2020. Nhưng áp lực thiếu nguyên liệu, thiếu việc làm sẽ lên đến đỉnh điểm vào giữa tháng 3, tháng 4/2020. Do đó, chúng tôi sẽ tập trung giải quyết các đơn hàng cho các thị trường khác trong thời điểm thiếu nguyên liệu từ Trung Quốc. Đơn cử, đó là mặt hàng khẩu trang phục vụ nội địa, và tìm hướng xuất khẩu. Đặc biệt, khẩu trang lại là mặt hàng mà Vinatex làm chủ được nguyên liệu, tạo chuỗi cung ứng hoàn thiện trong nội bộ Vinatex.” – Ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Vinatex cho biết.
Bên cạnh khẩu trang, Vinatex cũng sẽ đẩy mạnh kích cầu nội địa một số mặt hàng như sơ mi, quần âu, quần áo dệt kim, là những loại hàng mà Tập đoàn chủ động sản xuất được nguyên liệu. Vinatex trong tình huống này đẩy cao nhất công suất sản xuất vải của tất cả các nhà máy dệt trong Tập đoàn để có thể đảm bảo sản xuất, thay thế một phần thiếu hụt nguyên liệu làm hàng xuất khẩu.
“Tuy nhiên, đây là giải pháp không có lợi về mặt tài chính, vì nguyên liệu sản xuất nội địa đang có quy mô nhỏ, giá thành hiện cao hơn so với nguyên liệu nhập khẩu. Nhưng Vinatex vẫn quyết định thực hiện giải pháp sản xuất nguyên liệu nội địa cung ứng cho sản
xuất, để các nhà máy may không bị gián đoạn sản xuất, người lao động có việc làm. Đối với Vinatex, ưu tiên số 1 là phải đủ việc làm cho người lao động, đảm bảo đủ tiền lương cho người lao động. Người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Chúng
tôi chấp nhận hy sinh lợi nhuận để có đủ việc làm cho công nhân.” – Ông Lê Tiến Trường khẳng định.
Do tình hình dịch Covid-19, đã có ảnh hưởng nhất định đến kim ngạch xuất khẩu của Dệt May Việt Nam trong tháng 1 và 2/2020, khiến lượng kim ngạch xuất khẩu giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, tháng 1/2020 KNXK của Dệt May Việt Nam đạt 2,85 tỷ USD, trong khi KNXK tháng 1/2019 là 3,7 tỷ USD (do tháng 1/2020 năm nay có kỳ nghỉ tết kéo dài 7 ngày, trong khi năm 2019 kỳ nghỉ tết rơi vào tháng 2 nên lượng KNXK có sự khác biệt). Trong tháng 2/2020 KNXK của DMVN đạt 2,45 tỷ USD, trong khi KNXK tháng 2/2019 là 1,8 tỷ USD. Như vậy, cộng dồn hai tháng đầu năm 2020, KNXK của DMVN đạt 5,3 tỷ USD, giảm 3,5% so với hai tháng đầu năm 2019 (5,5 tỷ USD).
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt trước khi vào tòa nhà Quốc hội ở Seoul trong hôm 28/2. Ảnh: Yonhap
Trong đó, xuất khẩu sợi trong hai tháng đầu năm 2020 đạt 512 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức giảm khá sâu do các nhà máy tại Trung Quốc dệt vải từ sợi nhập khẩu từ Việt Nam mở cửa chậm từ 10-15 ngày do dịch Covid-19. Lượng xuất khẩu quần áo trong hai tháng là 4,2 tỷ USD, giảm 2,3 % so với cùng kỳ năm trước. Với ảnh hưởng của dịch Covid-19, lần đầu tiên KNXK hai tháng đầu năm của DMVN bị giảm. Bình quân các năm trước (2015-2019) lượng KNXK hai tháng đầu năm đều tăng 10%.
Cá biệt năm 2018, KNXK của DMVN tăng đến 20% (KNXK 2016: 3,8 tỷ USD, KNXK 2017: 4,2 tỷ USD; KNXK 2018: 5 tỷ USD; KNXK 2019: 5,5 tỷ USD; KNXK 2020: 5,3 tỷ USD).
Đến trung tuần tháng 3/2020 thì nguyên vật liệu ngành dệt may đã cung ứng trở lại tương đối đủ nên các nhà máy đã có đủ nguyên liệu cơ bản cho sản xuất tháng 3 và tháng 4/2020. Tuy nhiên, rủi ro hiện nay là kinh tế thế giới bị suy giảm do dịch Covid-19 nên tổng cầu thế giới giảm, sẽ gây khó khăn cho đơn hàng và cả đơn giá hàng hóa trong 6 tháng cuối năm 2020.
THÁCH THỨC TRONG  TÌM NGUỒN CUNG MỚI
Việc Việt Nam chủ động tìm nguồn cung khác cho hàng may xuất khẩu cũng là một thách thức. Bởi đơn cử, khi chúng ta chủ động kết nối được với một nhà sản xuất nào đó, và đặt một đơn hàng nguyên liệu mới, thì quy trình từ phát triển mẫu mã, sản xuất và vận chuyển tới doanh nghiệp sản xuất may của Việt Nam cũng phải mất tới 50 ngày. Do đó, tìm nguồn cung mới không phải là giải pháp
cho ngắn hạn.
“Trong ngành hàng thời trang thường ký hợp đồng trước khá lâu và các nhà mua hàng đã phê duyệt nguyên phụ liệu. Khi nguồn cung đã được phê duyệt bị đình đốn như thời gian có dịch Covid-19 này, thì các doanh nghiệp DMVN có muốn đổi nguồn cung để
đảm bảo sản xuất đơn hàng, cũng không làm ngay được. Việc tìm nguồn cung nguyên phụ liệu mới chỉ có thể là giải pháp trung hạn, dài hạn mà thôi.” – Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Vitas nhận định.
“Sau này, với thực tế rủi ro đang được nhìn thấy từ việc phụ thuộc chính vào một nguồn cung, có thể chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có sự sắp xếp lại, điều chỉnh hợp lý hơn, với quan điểm không phụ thuộc 100% vào một quốc gia hay khu vực cung ứng nữa, dù đó có là nơi sản xuất tốt nhất, giá thành thấp nhất. Thay vào đó, với nơi cung ứng tốt nhất, cũng chỉ quy hoạch tỷ lệ cung ứng tới 60%, còn 40% dành cho các nơi cung ứng khác, để tạo sự cân bằng tốt hơn cho chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.” – Ông Lê Tiến Trường dự báo.
Trước diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp dệt may, đặc biệt là doanh nghiệp may, có lực lượng đông đảo người lao động sẽ gặp bội phần khó khăn do quỹ lương khổng lồ. Nếu phần dự trữ rủi ro chưa lớn, thì chỉ chưa đầy hai tháng thiếu việc làm, mà vẫn phải trả lương cơ bản cho người lao động, thì doanh nghiệp đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn tài chính, thậm chí
dẫn tới phá sản. Là một doanh nghiệp may có tới hơn chục ngàn lao động, bà Phạm Thị Phương Hoa – Tổng Giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên, chia sẻ rằng, trong giai đoạn này, doanh nghiệp phải giảm giờ làm mà lại tăng chi phí, do sản lượng không đạt mức thông thường, do kết cấu mặt hàng thay đổi, các chuyền may phải đảo mặt hàng liên tục, dẫn đến năng suất lao động những ngày đầu không cao, khiến cho doanh nghiệp lao đao. Đề nghị Chính phủ chung tay giúp đỡ doanh nghiệp, bằng hình thức giảm thuế, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…
“Các ngân hàng nên vào cuộc để bảo đảm sự sống cho cộng đồng doanh nghiệp, bằng cách giảm lãi suất, không chỉ trong thời gian
có dịch, mà còn có thể kéo dài hết năm 2020 do tác động của dịch lâu dài. Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ tiếp thêm sức lực cho doanh nghiệp chống đỡ khó khăn do Covid-19, bằng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm các loại phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…” – đồng ý kiến với bà Phạm Thị Phương Hoa, Chủ tịch Vitas – ông Vũ Đức Giang nói thêm.
Trong thách thức của đại dịch Covid-19, thì Ngành DMVN không chỉ cần lo sao đảm bảo việc làm cho người lao động, phát triển bền vững, mà còn cần một chiến lược đúng đắn, linh hoạt với tình hình mới, khi chuỗi cung ứng toàn cầu có thể được điều chỉnh mới. Thêm vào đó, Việt Nam với lợi thế cho ngành DM từ các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, thì không có lý do gì Ngành lại không xoay chuyển, bứt phá, để có thể hoàn thiện chuỗi cung ứng của mình, vượt qua thách thức và trưởng thành.
“Chính phủ nên sớm để hoạch định quy hoạch phát triển Ngành DMVN đi vào thực tế, trong đó đặc biệt chú ý xây dựng các Khu công nghiệp dệt may có xử lý nước thải hiện đại, để chuỗi Dệt – Nhuộm – May – Hoàn tất được đầu tư phát triển, đóng góp vào nguồn cung toàn cầu, và giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu, tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại mà chúng ta đã đàm phán được như CPTPP và EVFTA. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đầu tư các cảng hàng không, đường thủy, hệ thống kho vận, vận tải thuận lợi, sẽ thu hút được các nhà đầu tư cho phần cung thiếu hụt nguyên phụ liệu dệt may. Các tỉnh cũng nên mở cửa chấp nhận đón các nhà đầu tư KCN Dệt May, bởi nếu cứ để tình trạng lo ngại, không chấp nhận KCN Dệt May trên địa bàn mình như hiện nay, thì Việt Nam cũng không thể tận dụng được lợi thế từ các HĐTM nói trên.” – Ông Vũ Đức Giang nói thêm.
Việt Nam đã đạt được thành công bước đầu trong việc phòng chống Covid-19 nhờ chính sách phù hợp và nghiêm ngặt ngay từ những ngày đầu có dịch, nhờ sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Và việc các doanh nghiệp trong Ngành DMVN có thể tiếp tục vượt qua thách thức mang tên Covid-19, phát triển bền vững, nâng tầm trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu
hay không, điều này không chỉ phụ thuộc vào sáng tạo và nỗ lực của riêng Ngành, mà cần tiếp sự chung tay góp sức phát triển Ngành DMVN từ Chính phủ, các cấp bộ, tỉnh, ngành ngân hàng, thuế…
Mai Khanh
(Bài đăng trên Tạp chí Dệt may & Thời trang Việt Nam, số 377 tháng 3/2020)

lên đầu trang