Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 20/05/2024 | 05:58

Thứ hai, 20/05/2024 | 05:58

Chính sách

Cập nhật lúc 12:05 ngày 26/08/2020

“Mở khóa” cho chuyển đổi số

Ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52/NQ-TW (Nghị quyết 52) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Nghị quyết nêu bật nhận thức đúng đắn về nội hàm, bản chất CMCN 4.0 để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá, là cơ hội để Việt Nam bứt tốc trong phát triển kinh tế - xã hội. Những quan điểm đó chính là “chìa khóa” giúp giải tỏa tư tưởng nghi ngại đang tồn tại, tạo ra sự tự tin, vững vàng của xã hội khi tham gia vào cuộc cách mạng quan trọng này. 
Các cán bộ của TP Đà Lạt (Lâm Đồng) vận hành Trung tâm Điều hành thông minh thành phố.
Bài 1: Người dân, doanh nghiệp là trung tâm
Nghị quyết 52 xác định nội dung cốt lõi của chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 là thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số. Với những nền tảng sẵn có, quá trình triển khai chính quyền điện tử một năm trở lại đây đã có những bước chuyển rõ rệt.
Phục vụ người dân nhanh nhất
7 giờ 35 phút ngày 8-6-2020, ứng dụng "Ðà Lạt trực tuyến" tiếp nhận phản ánh của gia đình ông Huỳnh Tấn Bảo Thìn (trú tại số 39/3 Ngô Thì Nhậm, TP Ðà Lạt, Lâm Ðồng) về việc gia đình ông Bạch Văn Cảm (trú tại hẻm 27, đường Lê Hồng Phong) lắp đặt máng thu gom nước mưa xả về phạm vi phần đất nhà ông Thìn (xảy ra từ ngày 2-6). Hơn 10 phút sau, phản ánh này đã được Phó Chủ tịch UBND thành phố Ðà Lạt Võ Ngọc Trình giao trực tiếp cho Chủ tịch UBND phường 4 yêu cầu kiểm tra, xử lý. Sáng cùng ngày, cán bộ trật tự xây dựng phường 4 Trần Quốc Hoàng đã có mặt để giải quyết vụ việc, biên bản được ghi rõ: Máng nước mưa xả xuống ta-luy phía sau nhà ông Thìn, ông Cảm thống nhất sẽ khắc phục bằng cách sửa máng dẫn nước ra cống chung trước ngày 16-6. Chỉ trong một buổi sáng, tranh chấp kéo dài nhiều ngày giữa hai gia đình đã được giải quyết ổn thỏa, minh chứng rõ nét hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý. Trước đây, người dân muốn phản ánh vấn đề gì đều phải làm đơn gửi lên cấp có thẩm quyền. Quy trình này không những mất nhiều thời gian, chi phí đi lại mà còn khiến người dân có tâm lý e ngại khi đến cơ quan công quyền. Ở khía cạnh khác, bản thân lãnh đạo các địa phương cũng khó có thể nắm bắt hết tâm tư, nguyện vọng của người dân; đồng thời, càng khó theo dõi sát sao quá trình xử lý từng vụ việc để đốc thúc. Tuy vậy thì giờ đây, mọi bài toán đều được giải quyết nhờ "số hóa".
Chánh Văn phòng UBND thành phố Ðà Lạt Nguyễn Ðức Dũng cho biết: Ứng dụng "Ðà Lạt trực tuyến - iGov Connect"- kết nối người dân và chính quyền là một trong nhiều giải pháp công nghệ cấu thành nên "thành phố thông minh" Ðà Lạt. Ðây là ứng dụng dễ sử dụng trên điện thoại thông minh nên công chức có thể tiếp nhận, xử lý, báo cáo kết quả nhanh chóng và công dân cũng dễ dàng khai thác các tính năng của ứng dụng. Qua ứng dụng, người dân có thể đăng ký và lấy số thứ tự để làm thủ tục hành chính, hoặc trong trường hợp có khiếu nại hay phát hiện vi phạm, người dân có thể gửi vào mục "Phản ánh với chính quyền" chuyển đến bộ phận chức năng giải quyết. Theo quy chế của TP Ðà Lạt, khi tiếp nhận phản ánh, Chủ tịch UBND phường, xã liên quan sau hai giờ phải cử cán bộ đến hiện trường, trong sáu giờ tiếp theo phải có phản hồi và chậm nhất trong ba ngày phải có kết quả xử lý cụ thể, báo cáo rõ trên ứng dụng. Kết quả xử lý cũng được gửi trả lại số điện thoại của người dân để trả lời, đồng thời tiếp tục tiếp nhận phản hồi. Ðáng chú ý, với sự hỗ trợ công nghệ của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Trung tâm Ðiều hành thông minh (IOC) Ðà Lạt - trung tâm IOC đầu tiên của cả nước đã được chính thức vận hành từ tháng 12-2019, cung cấp thông tin toàn diện về các hoạt động đang diễn ra trên địa bàn. Với khả năng giám sát và quản lý từ tổng thể đến chi tiết từng tình huống, ca-mê-ra trí tuệ nhân tạo giám sát đô thị trực tiếp, tình hình thực hiện văn bản chỉ đạo điều hành và giải quyết dịch vụ hành chính công,… IOC giúp các cơ quan, tổ chức lắng nghe, thu thập thông tin về lĩnh vực quản lý để theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và đưa ra những chính sách phù hợp nhất. "Triển khai ứng dụng số gây áp lực rất lớn lên đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố, tuy nhiên, kết quả đạt được chính là mức độ hài lòng, niềm tin của người dân đối với chính quyền. Năm 2018, Ðà Lạt đứng thứ 9 trong bộ xếp hạng cải cách hành chính của tỉnh, thì sang năm 2019, bằng nhiều nỗ lực với trọng tâm là các ứng dụng của hệ thống thành phố thông minh, Ðà Lạt đã vươn lên đứng đầu toàn tỉnh. Ðáng chú ý là trong bộ chỉ số điều tra xã hội học về sự hài lòng của người dân, Ðà Lạt tăng đến chín điểm, cao nhất trong toàn tỉnh", ông Dũng trải lòng.
Dịch vụ công minh bạch, hiệu quả
Bao trùm lên các "đô thị thông minh" và chính quyền điện tử ở các địa phương, các hệ thống Chính phủ điện tử cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Ngày 19-8 vừa qua, Văn phòng Chính phủ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cũng trong ngày 19-8, Văn phòng Chính phủ công bố tích hợp dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG): Kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký; biển kiểm soát (BKS) phương tiện mức độ 3 (thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) giúp người dân, doanh nghiệp (DN) hoàn toàn có thể ngồi tại nhà để khai, nộp lệ phí trước bạ; đồng thời chỉ cần đến cơ quan công an một lần để bấm BKS và lấy BKS, giấy chứng nhận đăng ký xe.
Trực tiếp làm thủ tục kê khai, nộp lệ phí trước bạ và tờ khai đăng ký ô-tô trên Cổng DVCQG, ông Nguyễn Anh Tú được ông Nguyễn Việt Hưng ủy quyền có mặt tại điểm cầu showroom một công ty ô-tô ở Hà Nội, chỉ mất vài phút đã hoàn thành các thủ tục. Ông Nguyễn Anh Tú chia sẻ: "Việc đăng ký, cấp BKS trực tuyến chỉ mất hai phút đối với kê khai, nộp lệ phí trước bạ và ba phút đăng ký xe. Trước đây, tôi phải mất nửa ngày đi nộp thuế và nhiều ngày đến cơ quan công an mới đăng ký được". Sau khi ông Tú hoàn thành thủ tục, tại điểm cầu Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đã nhận được tờ khai, kiểm tra, đối chứng hồ sơ. Thông tin hoàn toàn chính xác, đầy đủ và hợp lệ, ông Nguyễn Việt Hưng thực hiện bấm BKS, là người đầu tiên thực hiện thành công dịch vụ kê khai nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, BKS xe trực tuyến. Theo Ðại tá Ðỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), đây là lần đầu tiên có cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các bộ, ngành trong lĩnh vực này, người dân chỉ cần kê khai một lần và các cơ quan dùng chung dữ liệu này. Theo số liệu tổng hợp, dịch vụ này triển khai toàn quốc sẽ phục vụ khoảng hơn bốn triệu trường hợp đăng ký xe mỗi năm, áp dụng thí điểm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ước tiết kiệm hơn 327 tỷ đồng/năm.
Chỉ với tám nhóm dịch vụ công được tích hợp, cung cấp ở giai đoạn khai trương (tháng 12-2019), sau chín tháng hoạt động, các thủ tục hành chính trên Cổng DVCQG ngày càng được mở rộng, giúp DN tiết kiệm không ít thời gian và chi phí thực hiện. Theo đánh giá của cộng đồng DN, các nhóm thủ tục có tần suất thực hiện lớn và phục vụ hiệu quả là nhóm về đăng ký/thông báo khuyến mãi của DN; nhóm thủ tục xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông hay một số thủ tục mảng bảo hiểm, thuế,… Một DN thương mại bán lẻ cho biết, mỗi ngày DN này triển khai khuyến mãi hàng trăm mặt hàng tại hệ thống siêu thị. Ðể thực hiện thủ tục, ở mỗi địa phương, DN cần một người chỉ làm công việc ngày ngày đi nộp thông báo về hàng khuyến mãi ở Sở Công thương địa phương. Giờ chỉ cần vài cú nhấp chuột trên Cổng DVCQG, mọi thứ đều được giải quyết. Ðược kết nối hệ thống của các bộ, địa phương, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia tích hợp, chia sẻ dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước; tổng hợp phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; cho phép theo dõi, giám sát các mục tiêu về kinh tế - xã hội Quốc hội giao Chính phủ, các chỉ tiêu Chính phủ giao bộ, ngành, địa phương. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định: Ðây là nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu được cung cấp thường xuyên, liên tục, chính xác, bảo mật, làm căn cứ tin cậy để Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành. Thông qua đó, cho phép truy xuất nguồn gốc, kiểm tra chéo lẫn nhau, tạo ra một "kênh đo lường", giúp lãnh đạo bộ, ngành, địa phương kiểm soát hiệu quả hoạt động của cơ quan mình và lãnh đạo Chính phủ đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ của các cơ quan trong hệ thống.
Cục trưởng Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Lê Hải Phan chia sẻ, qua thống kê cho thấy, đến nay Cổng DVCQG đã phục vụ gần 60 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ, với hơn 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái. Ước tính tổng chi phí xã hội tiết kiệm được do Cổng DVCQG đóng góp là khoảng 6.722 tỷ đồng/năm. Ðây chính là những tín hiệu tích cực cho thấy sự thông suốt, hiệu quả trong xây dựng, vận hành Cổng DVCQG; sự ủng hộ, tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương; niềm tin của người dân, DN, nhưng cũng chính là những yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là trong quá trình xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Trước đây, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, BKS xe cần có sáu loại giấy tờ, mất nửa ngày làm các thủ tục, bây giờ có dữ liệu điện tử, chỉ cần hai loại giấy tờ và rút ngắn được ba giờ. Với khoảng 670 nghìn ô-tô và 4,3 triệu xe máy đăng ký (năm 2019), khi có dữ liệu dùng chung này, sẽ tiết kiệm rất nhiều cho người dân và Nhà nước. Thời gian tới, Cục Cảnh sát giao thông phấn đấu điện tử hóa toàn bộ quy trình đăng ký xe, để xe ra khỏi ga-ra đã có BKS.
Ðại tá ÐỖ THANH BÌNH
Phó Cục trưởng Cảnh sát giao thông - Bộ Công an
Theo: Báo Nhân Dân
lên đầu trang