Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 10/10/2024 | 11:19

Thứ năm, 10/10/2024 | 11:19

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 08:26 ngày 11/09/2020

Tân Phương cải tiến chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm

Công ty TNHH Tân Phương, thuộc làng nghề Phương La, tỉnh Thái Bình, là một trong những doanh nghiệp được lựa chọn tham gia dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của trường Đại học Ngoại thương. Tân Phương chuyên sản xuất khăn tắm, khăn ăn, khăn bông phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Quá trình sản xuất của Công ty được thực hiện với các công đoạn sau: nhập và phân phát sợi, dệt khăn mộc, nhập kho khăn mộc, tẩy nhuộm, cắt may (gồm xẻ dọc, vê dọc, cắt ngang, may ngang và bấm chỉ), phân loại, kiểm kim, góng gói thành phẩm.
Ảnh minh họa
Ban đầu nhóm triển khai Dự án đã tiến hành khảo sát nhằm đánh giá hiện trạng, tìm ra các cơ hội cải tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm của Công ty. Tại thời điểm khảo sát, tỷ lệ sản phẩm lỗi của Tân Phương khá nhiều dẫn đến tăng chi phí sản xuất và thường xuyên bị khách từ chối đơn hàng, gây ảnh hưởng đến thương hiệu của công ty. Nguyên nhân chính dẫn đến các tình trạng trên là do đội ngũ quản lý cũng như người lao động chưa được đào tạo về hệ thống quản lý và các công cụ kiểm tra và kiểm soát chất lượng.
Trên cơ sở đó, nhóm triển khai Dự án tư vấn chi tiết cho doanh nghiệp về việc áp dụng các công cụ cải tiến sau:
  • Với khu vực cắt: Thực hiện phân tích thao tác của người lao động nhằm giảm thao tác thừa, đề xuất phương án cải tiến để nâng cao năng suất công đoạn cắt ngang và vê dọc. Ngoài ra, thực hiện bố trí lại mặt bằng để giảm lãng phí di chuyển.
  • Với khu vực may: Thực hiện phân tích thao tác của người lao động, ghi chép lỗi, đề xuất giải pháp khắc phục lỗi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm lãng phí phân xưởng may.
  • Lập nội quy hạn chế người lao động đem thực phẩm và đồ dùng cá nhân vào phân xưởng sản xuất nhằm đảm bảo vệ sinh trong khâu sản xuất;
  • Xây dựng và áp dụng cơ chế quan tâm khuyến khích người lao động nhằm tạo động lực lao động cho cán bộ công nhân viên.
Sau thời gian 03 tháng triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến trong sản xuất, Tân Phương đã thu được các kết quả như sau:
  • Khu vực cắt: Giảm 25% cycle time của công đoạn cắt ngang đối với khăn TTXK 36x 80;
  • Khu vực may: Loại trừ 50% lãng phí từ thời gian di chuyển trên chuyền may và phân loại;
  • Tăng gấp 2,33 lần số lỗi được phát hiện nhờ cải tiến thao tác và khắc phục lãng phí trên chuyền;
  • Tăng 2,6 lần số công nhân làm việc theo nhóm để thi đua tăng năng suất và thực hành vệ sinh chung.
  • Nội quy phân xưởng được thực thi nghiêm túc công nhân vi phạm giảm gần 20%; Tăng gấp 5 lần thông báo về Nội Quy để nhắc nhở áp dụng Kaizen và xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
  • Vệ hệ thống quản lý chất lượng: 100% CBCNV tự giác chấp hành nội quy và thao tác theo quy trình đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm xuất khẩu;
  • Về cơ chế tạo động lực cho người lao động: 100% được cấp miễn phí 02 bộ bảo hộ lao động/ năm để đảm bảo sức khỏe lao động; 100% người lao động cam kết làm việc thường xuyên lâu dài sẽ được ký Hợp đồng lao động và sẽ được hưởng các chính sách theo Luật lao động; 100% CBCNV được nghỉ ngơi khi ốm đau và thăm nom khi bị ốm; tứ thân phụ mẫu được thăm viếng khi bệnh nặng, qua đời.
Dưới sự tư vấn và hỗ trợ của nhóm triển khai dự án, tập thể CBCNV Tân Phương đã nỗ lực thực hiện cải tiến và thu được những kết quả rất đáng khích lệ. Đây sẽ là tiền đề giúp Tân Phương tiếp tục duy trì hoạt động cải tiến liên tục tại Công ty trong thời gian sắp tới.
Theo Văn phòng NSCL
lên đầu trang