Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 10:27

Thứ hai, 29/04/2024 | 10:27

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 20:54 ngày 25/10/2020

Bộ Công Thương hỗ trợ cải tiến sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm cho DN dệt may

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) dệt may đạt mục tiêu tăng 10% năng suất các hoạt động sản xuất; tăng 30% hiệu quả hoạt động của tài sản, thiết bị, nhà xưởng và tăng 10% doanh số, lợi nhuận… sáng ngày 24/10, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (IUH) đã khai giảng lớp “Đào tạo quản lý, hỗ trợ kỹ thuật, cải tiến sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm và xử lý môi trường cho các doanh nghiệp ngành dệt may”.
Đào tạo quản lý, hỗ trợ kỹ thuật, cải tiến sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm và xử lý môi trường cho các doanh nghiệp ngành dệt may, nằm trong khuôn khổ chương trình Phát triển Công nghiệp hỗ trợ từ 2016 – 2025 của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương).
Ông Lê Văn Khôi, đại diện Văn phòng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tại TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại lễ khai giảng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ
Đây là Đề án được Cục Công nghiệp giao nhiệm vụ cho IUH chủ trì, nhằm mục tiêu hỗ trợ DN dệt may cải thiện những khó khăn về kỹ thuật, quản lý sản xuất, duy trì, cải tiến tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với các chiến lược phát triển của DN theo định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ các DN vừa và nhỏ của Chính phủ Việt Nam. Đồng thời, góp phần hỗ trợ DN theo định hướng phát triển bền vững, cải thiện môi trường ngành dệt nhuộm đang ở mức báo động hiện nay.
TS. Phạm Thị Hồng Phượng, Trưởng Bộ môn Công nghệ Hóa học -Vật liệu, Chủ nhiệm Đề án cho biết, cách thức tiến hành của Đề án là hỗ trợ trực tiếp DN ở cả 2 khía cạnh: đào tạo và tư vấn cải tiến hiện trường sản xuất, quản lý chất lượng. Kết quả của đề án là đào tạo được 100 cán bộ quản lý có năng lực học tập và vận dụng được phương pháp JIT, Kaizen và công cụ 5S3D.
Đặc biệt, thông qua Đề án xây dựng được bộ tài liệu tiêu chuẩn cho doanh nghiệp, hướng dẫn phương pháp triển khai, chuẩn hóa các form quy định, nhân rộng công tác đào tạo nội bộ. Sau khi được đào tạo, các DN có năng lực nhận diện được các loại lãng phí từ thực tế DN, có kiến thức và năng lực vận dụng được 7 công cụ quản lý chất lượng, nâng cao nhận thực và kỹ năng xử lý môi trường dệt-nhuộm-may.
Các đại biều và 25 học viên đến từ các doanh nghiệp dệt may tham dự lễ khai mạc khóa học
Tại lễ khai giảng, ông Lê Văn Khôi, đại diện Văn phòng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tại TP. Hồ Chí Minh, đã công bố Quyết định thông qua Chương trình Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ 2020; quyết định đề án “Đào tạo quản lý, hỗ trợ kỹ thuật, cải tiến sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm và xử lý môi trường cho các doanh nghiệp ngành dệt may”.
Đánh giá cao về Đề án “Đào tạo quản lý, hỗ trợ kỹ thuật, cải tiến sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm và xử lý môi trường cho các doanh nghiệp ngành dệt may”, ông Nguyễn Phương Nam - Giám đốc Công ty Cổ phần Lai Cung Én Phúc Sang, học viên tham gia khóa đào tạo nhấn mạnh, chường trình đào tạo sẽ góp phần thiết thực giải quyết các vấn đề mà các DN đang phải đối mặt. Đồng thời khẳng định, sau khóa học sẽ ứng dụng kiến thức vào thực tiễn DN của mình.
Ông Lê Văn Khôi nhấn mạnh, do tác động của dịch Covid-19, trên thế giới sẽ xuất hiện xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu xu thế đầu tư nước ngoài mới. Muốn vậy, việc cải tiến sản xuất và nâng cao năng suất chất lượng cần phải được thực hiện thường xuyên, duy trì liên tục bởi đây là điều kiện quan trọng đối với các DN nước ngoài khi lựa chọn nhà cung ứng, cũng như đối tác cung cấp sản phẩm phải luôn đảm bảo quy trình sản xuất từ đầu vào đến đầu ra chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu trong thời gian dài.
Do đó, để rút ngắn thời gian tiếp cận trình độ sản xuất toàn cầu, ngoài sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Công Thương, rất cần hơn nữa đó là sự cố gắng của các DN, cụ thể là trong lĩnh vực dệt may. Thông qua hiệu quả hoạt động của chương trình, Cục Công nghiệp kỳ vọng các DN sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phải luôn luôn cải tiến sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy ngành dệt may nói riêng và ngành công nghiệp nói chung trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo: Báo Công Thương
lên đầu trang