Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 21/05/2024 | 15:22

Thứ ba, 21/05/2024 | 15:22

Chính sách

Cập nhật lúc 11:10 ngày 17/11/2020

TP. Hồ Chí Minh: Ưu tiên hỗ trợ chuyển giao công nghệ

Những năm gần đây, TP. Hồ Chí Minh luôn ưu tiên hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (KH&CN) đổi mới sáng tạo. Nhiều mô hình, ứng dụng hay đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.  
Nhiều ứng dụng mới
Theo ông Nguyễn Khắc Thanh - Phó giám đốc Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh - từ đầu năm đến nay, sở đã tiếp nhận 74 hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN. Triển khai đặt hàng 21 nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ công tác quản lý, sản xuất, hỗ trợ người dân; trong đó có 3 nhiệm vụ được các đơn vị đăng ký thực hiện. Cũng từ đầu năm đến nay, sở tiếp tục hỗ trợ các dự án chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp với mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/dự án.

Mô hình trồng rau công nghệ cao
Đã có 44 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Trong đó, có 2/32 nhiệm vụ triển khai mới, với sự tham gia đồng đầu tư của doanh nghiệp (DN) và 40 nhiệm vụ chuyển tiếp. Đồng thời, tổ chức thẩm định nội dung 65 nhiệm vụ, trong đó có 47 nhiệm vụ được Hội đồng đánh giá đạt. Nghiệm thu 24 nhiệm vụ, thông qua các nhiệm vụ nghiệm thu đã công bố được 51 bài báo trong nước và 19 bài báo quốc tế, đào tạo 19 thạc sĩ và 2 nghiên cứu sinh.
Đặc biệt, một số kết quả nghiên cứu tiêu biểu đã triển khai ứng dụng và mang lại hiệu quả cao. Cụ thể như mô hình tiên lượng tử vong ở bệnh nhân chấn thương vào khoa cấp cứu (nghiên cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy), đã xác định được các yếu tố tiên lượng tử vong sớm (trong 24 giờ đầu) và tử vong trong bệnh viện (30 ngày). Mô hình này giúp trang bị thêm công cụ để tiên lượng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân chấn thương tại thời điểm vào khoa cấp cứu và cung cấp thêm dữ liệu để quản lý về tình hình chấn thương, nhằm tìm giải pháp phòng ngừa chấn thương, giảm tỷ lệ tử vong do chấn thương.
Để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, các ứng dụng KHCN cũng đã tích cực triển khai thời gian qua như: Dự án xây dựng giải pháp tổng thể và thiết bị cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 tránh lây nhiễm chéo và đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế; Nghiên cứu quy trình sản xuất kháng thể IGY kháng vi rút SAR-CoV-2 gây bệnh Covid-19 và ứng dụng vào chế phẩm xịt mũi giúp phòng ngừa dịch bệnh. Thu thập, biên tập, cập nhật các lớp dữ liệu về dịch Covid-19 trên nền tảng chia sẻ dữ liệu, tài liệu GIS mở cho cộng đồng tại địa chỉ https://opendata.hcmgis.vn và phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) triển khai ứng dụng công nghệ GIS để quản lý dịch Covid-19.
Trong lĩnh cực nông nghiệp, nghiên cứu quy trình nuôi hàu phù hợp với điều kiện sinh thái tại Cần Giờ. Nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp để giảm thiểu tác động xấu, phát triển bền vững nghề nuôi hàu và khảo sát, xây dựng sự đồng thuận từ các chủ thể của vùng nuôi hàu ở Cần Giờ.
Đẩy mạnh chuyển giao thương mại hóa
Đến nay, Sở KH&CN cũng tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh về Đề án hình thành Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo của thành phố nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN, hỗ trợ chuyển giao phục vụ DN trên cơ sở kết nối chặt chẽ mối quan hệ các trường - viện - DN - nhà nước.
Thực hiện hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong các trường Đại học, đến nay Sở KH&CN tiếp tục theo dõi các dự án thương mại hóa được Khu công nghệ cao thành phố tổ chức triển khai thực hiện.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi- Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh - cho biết, việc tổ chức nghiên cứu KH&CN để hình thành chuỗi phát triển mạnh hơn trong nhu cầu hoàn thiện sản phẩm hoặc sản xuất thử nghiệm trước khi tiến hành thương mại hóa sáng chế. Thông qua thương mại hóa, đã giúp DN KH&CN làm chủ công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghệ cao, thúc đẩy sản phẩm KH&CN mang thương hiệu Việt tiếp cận được thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Cụ thể, đã ký kết hợp đồng cung cấp nano vàng dạng ngôi sao và công bố sản phẩm kháng viêm da Acne GoldStars. Sản phẩm dựa trên kết quả nghiên cứu chế tạo nano vàng dạng ngôi sao trong kháng khuẩn viêm da của Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP’s Labs) và Viện KH&CN tính toán (Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh). Một số sản phẩm của dự án được hoàn thiện và sản xuất thử, đáp ứng cơ bản các tiêu chí của sản phẩm, thương mại cụ thể viên nang chống nắng đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); sản xuất thử nghiệm pilot băng dán dạng gel (BC-A gel) đã được Viện Kiểm định thiết bị và đo lường xác nhận; sản phẩm dung dịch thuốc tiêm Stimus đã được Bộ Y tế phê duyệt thử nghiệm lâm sàng và đang được tiến hành thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức.
Trong lĩnh vực chuyển giao KH&CN về nông nghiệp, Sở KH&CN đã tổ chức nghiệm thu và bàn giao mô hình nuôi trồng nấm Nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris) cho hộ nông dân ở huyện Củ Chi; triển khai hỗ trợ 2 dự án, gồm: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống cá chép Koi (Cyprinus carpio) kiểu hình Taisho Sanshoku cho hợp tác xã ở Củ Chi và chuyển giao mô hình sản xuất giống cá dĩa đỏ Symphysodon sp cho hộ nông dân ở Củ Chi. Phối hợp với các đơn vị trao đổi phương án hỗ trợ các hộ nông dân, hợp tác xã triển khai mô hình nuôi cấy mô lan, nuôi tôm, mô hình làm các loại cây giống...
Theo Báo Kinh tế Việt Nam
lên đầu trang