Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 15/05/2024 | 15:44

Thứ tư, 15/05/2024 | 15:44

Tin KHCN

Cập nhật lúc 18:22 ngày 29/11/2020

Chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong trạng thái “bình thường mới”

Đây là nội dung chính của hội thảo “Chuyển đổi số” từ vượt trội đến dẫn đầu trong kỷ nguyên “bình thường mới” do Văn phòng đại diện Hiệp hội hàng Tiêu dùng Việt Nam (VACOD) tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
Hội thảo xoay quanh các vấn đề về việc giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận với chuyển đổi số, xu thế tất yếu của ngành công nghiệp 4.0 trong thời đại mới. Đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid-19, “Chuyển đổi số” đã trở thành cụm từ không chỉ mang tính thời sự, mà còn là sự mang tính sống còn của doanh nghiệp (DN).
Doanh nghiệp hàng tiêu dùng quan tâm đến chuyển đổi số
Phân tích sự thay đổi của tâm lý người dùng công nghệ trong thời cách mạng 4.0 - Giáo sư Hà Tôn Vinh - Chủ tịch Học viện Stellar Management cho biết: Ở Việt Nam vẫn đang dùng nhiều app để mua hàng, quản lý tiêu dùng, tích lũy điểm… Trong tương lai, các app cũng sẽ dần biến mất, vì công nghệ nhận dạng qua vân tay và mắt của người dùng cho phép chính xác, bảo mật tuyệt đối. Bạn sẽ không cần mang theo tiền mặt mà vẫn tiêu dùng được mọi thứ mình muốn.
“Ngày xưa, cái gì chúng ta cũng phải đến tận nơi. Nay thì chỉ cần ngồi một chỗ, truy cập internet, có thể mua bán, quản lý con cái, nhà cửa, tài sản… xuyên quốc gia. Nếu cần sử dụng dịch vụ, mua bán của các công ty, chỉ chuyển khoản trả phí dịch vụ là xong” - Giáo sư Hà Tôn Vinh chia sẻ.
Bà Lê Thúy Nga - Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ tại tọa đàm
Trong phần tọa đàm tương tác “Chuyển đổi số đúng cách để để đón đầu”, Trưởng Văn phòng Đại diện VACOD - bà Lê Thúy Nga đã đưa ra một khái niệm mới ấn tượng: Đó là “Chuyển đổi sếp trước khi chuyển đổi số”. Bà Nga cho rằng, vai trò của chủ doanh nghiệp và các cấp lãnh đạo vô cùng quan trọng trong việc định hướng và phát triển số hóa cho DN của mình. Quan điểm này nhận được sự hưởng ứng, tán thành của các diễn giả trong phiên thảo luận.
Lý giải nhận định này, bà Nga giải thích “chuyển đổi sếp” là bản thân người lãnh đạo phải thay đổi tư duy kinh doanh truyền thống và tiếp cận nhanh chóng với các nền tảng số, đây chính là mấu chốt quyết định DN đó có chạy theo kịp guồng quay số hóa hay không.
“VACOD sẽ quyết tâm đưa chuyển đổi số trở thành hoạt động thiết thực đến từng DN hàng tiêu dùng thuộc Hiệp hội. Trong thời gian tới, Văn phòng đại diện VACOD tại TP.Hồ Chí Minh sẽ thực hiện chuỗi những hoạt động cụ thể để hỗ trợ các DN tạo ra giá trị thật, đổi mới và hiệu quả hơn trong kinh doanh” - bà Nga chia sẻ thêm.
Theo "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Tuy nhiên, chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu cho đúng và đặc biệt là phù hợp với các DN hàng tiêu dùng vẫn đang là nỗi trăn trở - không chỉ đối với các chủ DN, mà còn cả các chuyên gia công nghệ - những người nắm vững những nền tảng số tiên tiến nhất.
Theo: Báo Công Thương

lên đầu trang