Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 11:37

Chủ nhật, 05/05/2024 | 11:37

Tin KHCN

Cập nhật lúc 20:47 ngày 30/01/2021

Kon Tum: Liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP

Các đơn vị, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP có showroom trưng bày sản phẩm không chỉ trưng bày, giới thiệu sản phẩm của đơn vị mình, mà còn đưa lên kệ hàng những sản phẩm OCOP của các đơn vị khác trong tỉnh. Đây là cách làm hiệu quả trong khâu thương mại hóa sản phẩm tại tỉnh Kon Tum.
Những showroom ở “vị trí vàng” trưng bày miễn phí
Tọa lạc tại vị trí đắc địa nhất thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô, Kon Tum), cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP và đặc sản Kon Tum Highland Herbs (298 đường Hùng Vương) nổi bật với bề ngoài bắt mắt và hiện đại. Bà Lương Thị Mỹ Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên, chủ cửa hàng cho hay, hiện cửa hàng đang trưng bày, giới thiệu và bán khoảng hơn 40 sản phẩm OCOP các loại và nhiều sản phẩm là đặc sản của Kon Tum cũng như Tây Nguyên. Tất cả các sản phẩm đều đặt ở vị trí như nhau và đều trưng bày miễn phí.

Bà Lương Thị Mỹ Huệ (bên trái) giới thiệu các sản phẩm OCOP tại cửa hàng
Bà Huệ cho biết, ban đầu, showroom chỉ dùng để trưng bày giới thiệu các sản phẩm của công ty gồm 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP và khoảng 6 sản phẩm đặc sản khác. Tuy nhiên, qua một thời gian trưng bày, giới thiệu, và qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, bà Huệ nhận thấy showroom vẫn thấy trống trong khi nhiều sản phẩm OCOP của các đơn vị khác lại không có nơi trưng bày. Từ thực tế đó, bà Huệ đã quyết định đưa các sản phẩm OCOP khác và sản phẩm đặc sản của Kon Tum lên kệ hàng của showroom.
Trong quá trình khởi nghiệp với sản phẩm bánh làm từ sâm dây Ngọc Linh, chị Đỗ Thị Huế - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm sạch HFC - nhận thấy nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Kon Tum, trong đó chủ yếu là nông sản, đặc sản gặp khó khăn trong khâu thương mại hóa sản phẩm. Đặc biệt, các sản phẩm đều là thực phẩm sạch, được sản xuất bằng rất nhiều tâm huyết của các cá nhân, đơn vị nhưng lại khó tiêu thụ; không có điểm bán nào có thể hội đủ các thực phẩm sạch uy tín, đặc sản.
“Từ thực tế đó, tôi có ý tưởng mở một cửa hàng thực phẩm sạch ở trung tâm TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum) là nơi quy tụ các sản phẩm OCOP, các nông đặc sản của Kon Tum, nơi giao lưu kết nối giữa các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm OCOP”, chị Huế chia sẻ và nói thêm “Ở đây chúng tôi vừa để các đơn vị có sản phẩm OCOP, đặc sản Kon Tum kí gửi sản phẩm, vừa hỗ trợ các đơn vị này phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Mỗi khi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại các địa phương khác, bên cạnh việc mang sản phẩm của công ty mình, tôi còn mang theo các sản phẩm của các đơn vị khác để cùng giới thiệu”.

Ngày càng có nhiều người tiêu dùng có thói quen tìm đến các cửa hàng đặc sản, cửa hàng OCOP để mua các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày
Kênh thương mại hóa sản phẩm OCOP hiệu quả
Từ ý tưởng xây dựng showroom OCOP miễn phí đến quá trình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng là cả một quá trình khó khăn, cần huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa. Tuy nhiên, kênh thương mại hóa này ngày càng chứng tỏ được tính hiệu quả trong việc tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền.
Theo chị Huế, các sản phẩm đặc sản, OCOP còn đang gặp rất nhiều khó khăn trong khâu đầu ra cho sản phẩm. Doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các đơn vị hợp tác xã mới chỉ chú trọng đến “sản xuất cái mình có chứ chưa sản xuất được cái người tiêu dùng cần”, vì vậy, có những sản phẩm làm ra chưa bán được, chưa đến được với người tiêu dùng. Chị Huế vui vẻ cho hay, sau một thời gian hoạt động, đến nay, người tiêu dùng đã dần có xu hướng tìm đến cửa hàng đặc sản để mua hàng.
“Sức tiêu thụ các sản phẩm tại showroom hiện rất ổn định. Mới đầu tôi cũng không nghĩ là hiệu quả lớn như vậy”, bà Lương Thị Mỹ Huệ bộc bạch về tính hiệu quả của việc hỗ trợ các sản phẩm OCOP, đặc sản trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại showroom của mình. Theo bà Huệ, không phải ai làm ra sản phẩm OCOP cũng có cửa hàng để bán. Bên cạnh đó, đa phần các đơn vị làm ra sản phẩm nhưng không có kỹ năng marketing hay thương mại hóa sản phẩm. Hỗ trợ các đơn vị bạn trưng bày sản phẩm cũng là cơ hội để các điểm bán giới thiệu được các sản phẩm OCOP, các chủ thể của sản phẩm OCOP có cơ hội đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Đến thời điểm hiện tại, Kon Tum đã có khoảng 5 cửa hàng bán sản phẩm OCOP tập trung được xã hội hóa và nằm ở nhiều vị trí khác nhau trên toàn tỉnh Kon Tum. “Càng nhiều điểm bán, phân bổ ở nhiều nơi thì tính hiệu quả càng cao. Kon Tum có nhiều sản phẩm OCOP nhưng khả năng mở showroom của mỗi đơn vị thì khá hạn chế vì vốn mỏng, vì mặt bằng, vì nhiều lý do khách quan khác. Do vậy, chỉ có những điểm thế này mới có thể bán được sản phẩm”, bà Huệ bày tỏ và cho biết, mong muốn của bà là có thể góp phần tạo cho người tiêu dùng thói quen khi đi đâu cần quà tặng hay sử dụng hàng ngày sẽ tìm tới, ưu tiên đặc sản địa phương, cùng với đó, sẽ tìm được chỗ đứng cho các sản phẩm OCOP trong thị trường.
Ông Võ Văn Mười - Giám đốc Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại và Tư vấn công nghiệp tỉnh Kon Tum - cho hay, để phát triển các sản phẩm OCOP, đặc sản đặc trưng của Kon Tum, tỉnh đã hỗ trợ cho nhiều đơn vị xây dựng hệ thống nhận diện sản phẩm (nhãn mác, bao gói, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ sở hữu nhãn hàng hóa, truyền thông sản phẩm) và chuẩn hóa các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chí sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, chú trọng đến khâu thương mại hóa sản phẩm như xây dựng 2 điểm bán hàng OCOP trên địa bàn tỉnh tại Trung tâm dịch vụ hành chính công và Siêu thị Co.op mart nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Ông Mười cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, sự liên kết để cùng tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau giữa các đơn vị là một hướng đi mới có tính hiệu quả, vừa huy động được nguồn lực xã hội, sự chung sức của cộng đồng nhưng cũng thể hiện được tính chủ động của các đơn vị, doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường để thương mại hóa sản phẩm bền vững hơn.
Theo Báo Công Thương
Tag:
lên đầu trang