Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 20:56

Thứ sáu, 26/04/2024 | 20:56

Đo lường chất lượng

Cập nhật lúc 15:51 ngày 01/02/2021

Tiêu chuẩn-Quy chuẩn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển: Bài 1-Từng bước hài hòa với quốc tế

Giai đoạn 2016-2020, triển khai các Chương trình hành động của Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và phục vụ quản lý nhà nước về tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng.

Hệ thống TCVN, QCVN giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, khẳng định vị thế trong bối cảnh hội nhập. Ảnh minh họa: tcvn.gov.vn
Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng xác định, nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện thể chế về hoạt động tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng phù hợp với tình hình thực tế, tránh chồng chéo, đáp ứng yêu cầu của xã hội và tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước. 
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế có những biến động không nhỏ, nhưng Tổng cục tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện ứng phó, giảm thiểu tác động của dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển, thúc đẩy các hoạt động kinh tế-xã hội để thực hiện “mục tiêu kép”. Phóng viên TTXVN thực hiện loạt 3 bài viết về những kết quả đạt được của ngành tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng thời gian qua.
Tiêu chuẩn, quy chuẩn từng bước hài hòa với quốc tế
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh: Với chức năng là cơ quan tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và đầu mối tổ chức triển khai thực hiện công tác tiêu chuẩn hóa, Tổng cục đã chủ động hướng dẫn, đôn đốc và phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực, hàng hóa chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần cho phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với các yêu cầu, quy định của các Hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam cam kết và tham gia thực hiện như: WTO/TBT, EVFTA, CPTPP… Công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được nâng cao, đổi mới, tăng cường sự chủ động để hỗ trợ các bộ, ngành.
Riêng năm 2020, công tác soạn thảo và ban hành TCVN, QCVN được đẩy mạnh với tỷ lệ hơn 90% TCVN được xây dựng mới hài hòa với quốc tế và khu vực. Các TCVN mới chủ yếu được xây dựng trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế, nước ngoài, áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, kế thừa các thành tựu khoa học công nghệ của thế giới. 
Giai đoạn 2016-2020, Tổng cục đã tiếp nhận, thẩm định, trình công bố 3973 TCVN (Tiêu chuẩn Việt Nam), trong đó khoảng 88% TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, nâng tổng số TCVN trong hệ thống TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt 60% (năm 2020 là 895 TCVN); tiếp nhận, thẩm tra và thẩm định 411 dự thảo QCVN (Quy chuẩn Việt Nam) của các bộ, ngành; hướng dẫn, góp ý hơn 86 quy chuẩn của địa phương, góp phần hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN theo hướng đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, hội nhập quốc tế, năng suất, chất lượng, nâng cao năng lực doanh nghiệp, tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn.
Trong quá trình thẩm định QCVN, Tổng cục đã tham mưu các bộ, ngành khi xây dựng QCVN phải loại bỏ các điều kiện kinh doanh trong QCVN nhằm tạo thuận lợi, minh bạch trong quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, giai đoạn 2016-2020, Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng đã ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong hoạt động thương mại, sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, lĩnh vực môi trường, xây dựng...
Tổng cục đã thẩm định, công bố và ban hành 723 TCVN, 199 QCVN về vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; xây dựng, thẩm định 189 TCVN trong lĩnh vực môi trường về kiểm soát chất lượng môi trường nước; kiểm soát chất lượng môi trường đất; kiểm soát chất lượng môi trường không khí; kiểm soát quản lý môi trường tiếng ồn.
Bên cạnh đó, Tổng cục xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành xây dựng gồm 15-20 QCVN để phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn xây dựng; lợi ích, an ninh quốc gia; bảo vệ tài nguyên, môi trường; tiết kiệm năng lượng; phù hợp với các công nghệ xây dựng tiên tiến trong nước và quốc tế; quy hoạch và định hướng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành xây dựng…
Đổi mới hoạt động chuyên ngành tiết kiệm chi phí
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Giai đoạn 2016-2020, Tổng cục luôn thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước một cách hiệu quả, hoàn thiện thể chế pháp lý về hoạt động Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng nhằm phù hợp với tình hình thực tế, tránh chồng chéo, đáp ứng các yêu cầu của xã hội và tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước.
Tổng cục đã chủ trì tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 7 Nghị định và 21 Thông tư về các lĩnh vực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành và hậu kiểm.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng. Ảnh: dantri.com.vn
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như tại Việt Nam, Tổng cục đã đẩy mạnh việc đổi mới hoạt động chuyên ngành để tiết kiệm chi phí. Theo đó, các sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và thủ tục kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, đã được triển khai áp dụng cơ chế “chuyển mạnh sang hậu kiểm” từ năm 2017 theo Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN ngày 16/6/2017, để chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa với 93,3% loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS (mã quốc tế quy định cho hàng hóa xuất khẩu) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý sang cơ chế hậu kiểm. Cụ thể, đã cắt giảm từ 24 nhóm sản phẩm, hàng hóa với 299 loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS phải kiểm tra trước thông quan xuống còn 2 nhóm sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG). 
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh: Việc triển khai áp dụng Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN đã giúp cắt giảm khoảng 96% số lô hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ phải kiểm tra trước thông quan; đồng thời giảm thời gian kiểm tra chất lượng nhập khẩu từ 23 ngày trước đây xuống còn 1 ngày, vượt yêu cầu về thời gian của ASEAN+4 (là 90 giờ). 
Ngoài ra, Tổng cục cũng tham mưu để Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu áp dụng biện pháp hậu kiểm, thời gian kiểm tra và thông quan hàng hóa chỉ còn tối đa 1 ngày. Với cách đổi mới hoạt động, giai đoạn 2017-2020, chi phí đối với gần 280.000 lô hàng nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển sang cơ chế hậu kiểm đã giảm khoảng 3.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp (bao gồm chi phí lưu kho, bãi; chi phí cho người đi làm thủ tục nhập khẩu). Riêng năm 2020, chi phí đối với hàng hóa nhập khẩu cho hơn 84.000 lô hàng thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển sang cơ chế hậu kiểm đã giảm hơn 832 tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Theo Báo Tin tức - TTXVN
lên đầu trang