Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 16/05/2024 | 23:28

Thứ năm, 16/05/2024 | 23:28

Chính sách

Cập nhật lúc 11:29 ngày 21/10/2015

Tái cơ cấu và KHCN: Phải hòa quện với nhau

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, , Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, tái cơ cấu và khoa học công nghệ phải đi đôi với nhau nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái.

Hòa quện lẫn nhau 

PV: Nhận định này của ông xuất phát từ thực tế của Vinacomin khi thực hiện đề án tái cơ cấu trong năm 2014 vừa qua, thưa ông?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Đúng vậy. Như đã biết, ngày 7/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản theo QĐ 314/TTg nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái… trên cơ sở tái cơ cấu lực lượng lao động, sắp xếp lại sao cho hợp lý.

Trong nhiệm vụ tái cơ cấu nói chung, hoạt động KHCN là những giải pháp về KHCN để tăng năng suất lao động. Cụ thể nhất trong chương trình chung của Tập đoàn có một chương trình là tăng năng suất, giảm giá thành và chương trình này tiêu biểu cho việc hòa quện nhau giữa KHCN và tái cơ cấu. Nói hai yếu tố này hòa quện nhau ở chỗ, mục tiêu quan trọng nhất của KHCN là làm sao đổi mới công nghệ, giảm lực lượng lao động, sắp xếp trên cơ sở tái cơ cấu. Nói cách khác, KHCN sẽ giúp cho việc tái cơ cấu được thực hiện một cách mạnh mẽ nhất, đặc biệt là trong ngành Than. Qua các phương tiện thông tin đại chúng thì ai cũng nói rằng, nhu cầu lao động trực tiếp trong khai thác hầm lò càng ngày càng tăng, nhưng thực tế đáp ứng nhu cầu này càng ngày càng khó, vì các ngành nghề khác được mở ra rất nhiều ở Việt Nam, thu hút lao động của ngành mỏ cũng không còn nhiều hấp dẫn, do chế độ lương cho người lao động giữa ngành mỏ với các ngành nghề khác không chênh lệch nhau là mấy. Do vậy, nhu cầu của Tập đoàn và đáp ứng của xã hội có sự chênh lệch nhau. Vì thế, Tập đoàn buộc phải đưa các giải pháp KHCN vào để đổi mới công nghệ, đáp ứng sản lượng khai thác mà vẫn tránh bị sức ép về tăng lực lượng lao động. Nói cách khác, lượng lao động giữ nguyên, nhưng tăng năng suất lao động bằng cách áp dụng các giải pháp đổi mới khoa học công nghệ.

PV: Sự hòa quện này còn được thể hiện cụ thể như thế nào trong quá trình tái cơ cấu của Tập đoàn, thưa TS?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Tôi muốn nói đến khía cạnh thứ hai cũng là thành công bước đầu của tiến trình tái cơ cấu của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam thời gian qua là sắp xếp lại lao động trên cơ sở chuyển đổi tổ chức một số công ty như: Than Uông Bí, Than Hòn Gai, Hạ Long từ cơ cấu hai cấp sang cơ cấu một cấp. Việc chuyển đổi  này không đơn thuần là ra một mệnh lệnh, mà muốn đạt được hiệu quả một cách tốt nhất có thể thì trong quá trình thực hiện, Tập đoàn bắt buộc phải ra các chương trình nghiên cứu để tính toán mọi phương án, nếu tái cơ cấu thì thế nào, mà không tái cơ cấu thì thế nào. Bởi những quyết định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, tâm lý của người lao động, nếu không có giải pháp ổn thỏa ảnh hưởng đến xu thế chung, từ cái nhỏ sẽ ảnh hưởng đến cái lớn… nên Tập đoàn hết sức thận trọng. Thành công vừa qua là hệ quả của sự nhìn xa trông rộng. Và việc chuyển đổi các mô hình đã tăng hiệu quả rõ rệt. Cuối năm 2014 đầu 2015, các công ty đã ổn định và có những hiệu quả tích cực, dù tất nhiên đưa ra con số là bao nhiêu thì khó vì đây là thành quả chuyển đổi của cả một hệ thống mà KHCN là một phần, nhưng dễ nhìn ra nhất là, các công ty này khi còn hai cấp thì có một bộ phận văn phòng 200 - 300 người, nhưng bây giờ một cấp, sẽ phải sắp sếp lại bộ phận nghiệp vụ, một lượng lao động dư thừa sẽ được sắp xếp hợp lý vào trong các bộ phận khác.

Mối quan hệ lồng ghép

PV: Vậy ông có thể cho biết, vai trò của KHCN trong việc chuyển đổi này?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Tái cơ cấu và KHCN còn là mối quan hệ lồng ghép lẫn nhau. Khi tái cơ cấu sẽ phát sinh ra một loạt vấn đề khác, vậy để giải quyết các vấn đề này thế nào, Tập đoàn đã yêu cầu các đơn vị triển khai và nghiên cứu thực hiện các giải pháp. Tác động mà tái cơ cấu mang đến là tác động hai mặt gồm tác động đến và tác động lại. Tác động đến là khi tái cơ cấu sẽ nảy sinh những vấn đề như hiện nay mà các đơn vị đang nghiên cứu triển khai các giải pháp đáp ứng tốt nhất, còn tác động lại là Tập đoàn sẽ không dừng lại ở các bước trong đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt tại quyết định, mà từ những giải pháp này sẽ nảy sinh những việc khác và các giải pháp khác. Hàng loạt các chương trình này, tôi cho rằng trong giai đoạn tới, khi sự việc nảy sinh sẽ làm thay đổi cục diện sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, mà đã thay đổi sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn thì sẽ một bước nữa thay đổi mô hình hoạt động của Tập đoàn, cũng như các đơn vị thành viên.

Như tôi đã nói, trước khi triển khai tái cơ cấu thì Tập đoàn đã cẩn thận xây dựng một chương trình nghiên cứu triển khai cho chương trình tái cơ cấu, để có một cái nhìn và giải pháp đối phó với hàng loạt vấn đề liên quan đến như con người, hợp lý hóa sản xuất... Các giải pháp KHCN sẽ tham gia vào quá trình tái cơ cấu để cùng tháo gỡ những vướng mắc, nhằm đưa mục tiêu tái cơ cấu của Tập đoàn thành hiện thực. Ví dụ như là về vấn đề dư thừa lực lượng lao động. Doanh nghiệp nhà nước khác với doanh nghiệp tư nhân. Với tư nhân, thừa lao động chỉ cần thông báo trước 45 ngày là anh được quyền chấm dứt lao động. Doanh nghiệp nhà nước không làm được điều đấy, bởi có những ràng buộc về tính con người, tính xã hội, khác hẳn với việc bằng mọi giá để có hiệu quả. Vì vậy, nó thôi thúc chúng tôi phải có những giải pháp công nghệ để tháo gỡ. Ví dụ như trước đây xít thải bỏ đi hoàn toàn, giờ thì phải nghiên cứu để sử dụng xít thải thành vật liệu xây dựng. Khi nghiên cứu được các giải pháp để xây dựng dây chuyền công nghệ đó cũng có nghĩa chúng ta có thể sắp xếp các lao động dư thừa vào trong các dây chuyền, giúp họ thoát khỏi nguy cơ thất nghiệp, trở thành gánh nặng xã hội.

Khi tái cơ cấu sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, nhưng nhiệm vụ của chúng ta là không thể để nó trôi nổi mà chính KHCN sẽ tìm cách giải quyết nó.

PV: Vậy, với sự khẳng định về mối quan hệ hòa quện và lồng ghép giữa tái cơ cấu và KHCN như ông đã chia sẻ, điểm cốt lõi của chương trình tái cơ cấu KHCN tại Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam là gì, thưa ông?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Nói đến tái cơ cấu trong KHCN của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam là nói đến 3 chương trình: Nâng cao năng suất, giảm giá thành khai thác; cơ giới hóa khai thác và đổi mới công nghệ.

Nâng cao năng suất giảm giá thành khai thác là chương trình trọng tâm của 2015 và những năm tiếp theo. Đổi mới công nghệ để tăng năng suất lao động, giảm lực lượng lao động trực tiếp và một loạt nghiên cứu triển khai về nghiên cứu công nghệ mới trong điều kiện địa chất phức tạp, thậm chí giải pháp công nghệ để nghiên cứu điều kiện địa chất nhằm áp dụng công nghệ mới, rồi hoàn thiện các dây chuyền sản xuất của Tập đoàn. Đó là hướng triển khai về kỹ thuật công nghệ. Tiếp theo là hướng đổi mới công nghệ không chỉ trong sàng tuyển, trong lĩnh vực khai thác than mà cả các lĩnh vực khác như điện, hóa chất, khoáng sản, vật liệu xây dựng, cơ khí…. Tức là, trên mọi lĩnh vực của Tập đoàn đều triển khai đẩy mạnh áp dụng giải pháp ứng dụng công nghệ tăng năng suất. Vấn đề thứ hai ứng dụng các giải pháp quản lý để làm sao đưa các ứng dụng khoa học, tin học hóa vào quản lý quy trình sản xuất của Tập đoàn, cũng như quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vật tư thiết bị và quản lý chi phí vật tư, làm thế nào để giảm bớt công đoạn thừa…

Chương trình mạnh nhất mà Tập đoàn đang đẩy mạnh đó là chương trình cơ giới hóa khai thác. Trong cơ giới hóa khai thác hầm lò thì nhiều năm qua Tập đoàn đã ứng dụng các giải pháp công nghệ mới để tăng năng suất lao động rồi, từ chống gỗ chuyển sang cột chống thuỷ lực, giá thủy lực, vì chống thủy lực… nói chung sự chuyển đổi công nghệ này đã tăng năng suất lên khoảng 2-3 lần. Nhưng tăng như thế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay, cho nên vẫn tiếp tục áp dụng cơ giới hóa. Đây là vấn đề đang được cân nhắc trong Tập đoàn. Hiện nay, lương, thu nhập của ngành mỏ chưa cao, đưa dây chuyền cơ giới hóa vào về bản chất là phải giảm giá thành nhưng thực chất ở thời điểm hiện nay, giá thành chưa thực sự giảm, mặc dù lượng công nhân đã giảm bớt, song vẫn chưa bù được khấu hao thiết bị bỏ ra. Bài toán này đặt ra cho Tập đoàn sự tranh luận giữa nhà quản lý và người ứng dụng KHCN về việc áp dụng hay không áp dụng. Cũng có ý kiến cho rằng cứ áp dụng công nghệ truyền thống cho hiệu quả, nhưng KHCN thì yêu cầu áp dụng cơ giới hóa vì tương lai 5 năm nữa, lực lượng lao động sẽ không đủ. Điều này cho thấy quyết tâm của Tập đoàn trong việc cải thiện điều kiện lao động cho con người, giảm thiểu tối đa nguy hiểm trong môi trường nặng nhọc hầm lò.

Chương trình thứ ba là đổi mới công nghệ thì Tập đoàn vẫn làm thường xuyên. Thông tư 206 (Thông tư 206/2012/TT-BTC ngày 26/11/2012-PV) của Bộ Tài chính Hướng dẫn việc lập, quản lý và sử dụng các quỹ tập trung của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, trong đó, với Tập đoàn có quỹ quản lý KHCN thì có ưu tiên tối đa để trích vào quỹ Quản lý KHCN từ nguồn sản xuất kinh doanh. Năm 2014, đề nghị HĐTV Tập đoàn xem xét  vào quỹ khoảng 100 tỷ để ứng dụng giải pháp triển khai. Năm 2015, HĐTV Tập đoàn đã phê duyệt quy chế quản lý quỹ, chặt chẽ hơn so với trước đây và bắt đầu triển khai xuống các đơn vị từ cuối năm 2014. Ngoài ra, cũng phê duyệt một loạt dự án phòng thí nghiệm, cũng như tăng cường năng lực hoạt động KHCN của của các đơn vị nghiên cứu của Tập đoàn như Viện KHCN Mỏ, Viện Cơ khí năng lượng mỏ, Công ty Tư vấn đầu tư mỏ công nghiệp, cũng như một số đơn vị. Trọng tâm của năm 2015 là sử dụng hiệu quả nhất nguồn quỹ KHCN, tập trung vào các đề tài, dự án đem lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất, gắn hoạt động nghiên cứu triển khai cùng với thực tế sản xuất… Thậm chí, đối với những dự án có tính ứng dụng cao, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, Tập đoàn sẽ huy động tối đa nguồn quỹ KHCN của Tập đoàn, cộng với các nguồn vốn cho KHCN từ các đề tài ngân sách nhà nước.

PV: Thưa ông, với vai trò là các đơn vị nghiên cứu KHCN, các viện nghiên cứu trực thuộc Tập đoàn hưởng ứng chương trình tái cơ cấu của Tập đoàn như thế nào?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Do yêu cầu tập trung hóa cao trong chương trình tái cơ cấu, nên Tập đoàn yêu cầu các đơn vị nghiên cứu KHCN tập trung vào nghiên cứu đề xuất ứng dụng các giải pháp công nghệ, tránh tình trạng ôm đồm nhiều nhiệm vụ. Ví dụ, Viện Cơ khí năng lượng Mỏ trước chúng tôi vẫn đùa với nhau là như một nhà máy, như một doanh nghiệp chứ không phải là đơn vị nghiên cứu. Với đề án tái cơ cấu, Viện sẽ là đơn vị nghiên cứu, còn việc sản xuất sẽ chuyển giao về các nhà máy. Việc này sẽ phải hoàn thành trong vòng 1-2 năm nữa. Viện KHCN Mỏ thì đỡ hơn. Hiện nay, các cán bộ của Viện vừa nghiên cứu vừa chuyển giao, có mở rộng hoạt động nhưng lĩnh vực mở rộng chủ yếu vẫn tập trung vào một vài sản phẩm, công trình có thể liên danh với các viện khác, có sự đầu tư của KHCN từ quỹ KHCN của Tập đoàn để ứng dụng nghiên cứu vào sản xuất, nâng cao trách nhiệm. Với đề án tái cơ cấu đòi hỏi sự tập trung như thế, các viện và công ty tư vấn phụ trách mảng kỹ thuật công nghệ của Tập đoàn nên tập trung đầu tư cho các cơ sở vật chất hạ tầng KHCN, các phòng thí nghiệm. Có thể nói, nhờ tái cơ cấu, các viện cũng được “hưởng lợi” thêm. Bình thường hoạt động nghiên cứu của các viện đang yên ả, nhưng khi xóc lại thì cũng có thêm những thách thức, đồng thời với những cơ hội. Đây là những cái khó nhưng có thế mới cần đến KHCN.

PV: Xin cảm ơn TS về cuộc trò chuyện này!

 

Minh Thủy 

lên đầu trang