Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 14/05/2024 | 11:02

Thứ ba, 14/05/2024 | 11:02

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 19:31 ngày 30/08/2015

Năng suất chất lượng đã xuyên suốt mọi hoạt động kinh tế xã hội

Thập niên chất lượng lần thứ hai với chủ đề"Năng suất Chất lượng - Chìa khóa phát triển và hội nhập” được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát động tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ VI (năm 2005). 10 năm qua, năng suất chất lượng (NSCL) đã và đang trở thành yếu tố quyết định để phát triển và hội nhập thành công. Hãy xem những thành quả mà các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được trong thập niên chất lượng vừa qua.

Hội nghị tổng kết thập niên chất lượng lần thứ 2 (2006-2015) và tổng kết giai đoạn I (2010-2015) Chương trình quốc gia năng suất chất lượng.

Nâng cao nhận thức của xã hội về năng suất chất lượng

Qua 10 năm triển khai thực hiện, các hoạt động thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tư vấn về NSCL đã được quan tâm, đẩy mạnh. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và hội nghị, hội thảo đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của toàn xã hội đối với vấn đề NSCL. Cặp phạm trù “năng suất chất lượng” đã xuyên suốt trong các hoạt động kinh tế xã hội nói chung và hoạt động sản xuất, kinh doanh nói riêng. Nhận thức trên đã thể hiện trong các quyết sách của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Thông qua việc tuyên truyền, doanh nghiệp ngày càng nhận thức được vai trò của NSCL, chủ động liên hệ với các cơ quan, tổ chức về NSCL để được đào tạo, hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất… Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đến thực hành NSCL để nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Còn người tiêu dùng, qua các hoạt động tuyên truyền, ngày càng nhận thức rõ hơn về chất lượng sản phẩm, hàng hóa (SPHH), tự bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách lựa chọn các SPHH bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng để sử dụng.

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, thập niên vừa qua đã ghi nhận sự chuyển biến có chiều sâu của các ngành, các cấp từ trung ương đến các địa phương và của xã hội nói chung về NSCL, đó chính là “chìa khóa” để triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao NSCL trong từng tổ chức, doanh nghiệp, từng ngành, địa phương. Từ nhận thức tới chỉ đạo và hành động, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng SPHH của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” với mục tiêu “Tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các SPHH chủ lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Các Bộ, ngành, và hầu hết các địa phương đã và đang tích cực triển khai thực hiện các dự án nâng cao NSCL các SPHH chủ lực thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương mình.

Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật và triển khai phong trào NSCL

Trong thập niên qua, công tác pháp chế về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) đã đạt được thành tựu lớn, đã xây dựng và hoàn chỉnh được hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ và đồng bộ từ Luật cho đến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho cả ba lĩnh vực Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Đo lường và Chất lượng SPHH. Hệ thống pháp luật về lĩnh vực TCĐLCL phù hợp với điều kiện và luật pháp Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế, là hành lang pháp lý để quản lý, thúc đẩy các hoạt động nâng cao NSCLtrong thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế của đất nước.

Các Bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai các hoạt động nâng cao NSCLcụ thể theo chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong khuôn khổ các chương trình quốc gia, dự án, đề án liên quan đến NSCL,tạo dựng được phong trào NSCLtrong phạm vi cả nước. Doanh nghiệp đã có sự đầu tư nguồn lực cần thiết cho hoạt động nâng cao NSCL.

Rút kinh nghiệm từ việc chậm áp dụng các hệ thống, công cụ quản lý mới cũng như các công cụ nâng cao NSCL của thập niên chất lượng lần thứ nhất, thập niên vừa qua, trong khuôn khổ của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, việc nghiên cứu, lựa chọn, thử nghiệm áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCLmới, tiên tiến thích hợp vào các loại hình doanh nghiệp Việt Nam được ưu tiên thực hiện. Cùng với đó là việc triển khai xây dựng các mô hình điểm về áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL làm cơ sở nhân rộng cho cộng đồng doanh nghiệp. Hoạt động chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc gia/quốc tế, đã tăng lên nhiều về cả về số lượng tổ chức, doanh nghiệp và loại hệ thống quản lý được chứng nhận.

Ngoài ra, việc tôn vinh các doanh nghiệp thông qua Giải thưởng Chất lượng Việt Nam (nay là Giải thưởng Chất lượng quốc gia) hàng năm đã góp phần quan trọng vào hệ thống các giải pháp thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng SPHH của doanh nghiệp Việt Nam trong thập niên chất lượng vừa qua.

Ứng dụng tiến bộ khoa học, phát triển thương hiệu, tăng cường năng lực thử nghiệm

Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh là giải pháp quan trọng trong số các giải pháp tác động trực tiếp đến nâng cao năng suất chất lượng. Trong 10 năm qua, đã có nhiều chương trình, dự án từ cấp quốc gia đến cấp ngành, địa phương được triển khai với mục tiêu cuối cùng là tạo ra các SPHH mang nhãn hiệu Việt Nam có chất lượng cao, đạt mức tương đương và vượt trội so với các SPHH cùng loại trên thị trường thế giới. Hàng ngàn doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ nhận dạng và thu thập dữ liệu tự động bằng mã số mã vạch trong quản lý sản xuất và kinh doanh thương mại mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và giảm các chi phí không cần thiết.

Các doanh nghiệp cũng chú trọng hoạt động phát triển thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, từ đó định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm bảo đảm chất lượng. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đáp ứng yêu cầu hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế và phát triển mạng lưới đánh phù hợp.

Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia Năng suất Chất lượng đã thực hiện phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động năng suất chất lượng thông qua biên soạn các bộ chương trình, giáo trình đào tạo cán bộ, chuyên gia tư vấn, giảng viên về tiêu chuẩn hoá, hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL, đào tạo đội ngũ hoạt động về NSCL.

Thập niên chất lượng lần thứ hai đánh dấu sự đầu tư tăng cường năng lực cho các tổ chức thử nghiệm tại các Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL tỉnh, thành phố. Đến tháng 7/2015, Văn phòng công nhận chất lượng (BOA), đã công nhận được trên 800 phòng thí nghiệm, tổ chức giám định, tổ chức chứng nhận.

Và định hướng 2016-2020

Giai đoạn 2016-2020, Chương trình xác định cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về NSCL cho đội ngũ chuyên gia tư vấn thuộc các ngành, địa phương, doanh nghiệp; Xây dựng các mô hình điểm, điển hình về cải tiến NSCL tại một số tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn thuộc các ngành kinh tế chủ lực; Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận và thực hiện các dự án cải tiến NSCL thích hợp; Tăng cường năng lực của các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế. Đầu tư xây dựng các phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hoá đạt trình độ quốc tế, đáp ứng yêu cầu đánh giá phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm, hàng hoá chủ lực. Triển khai hoạt động thừa nhận lẫn nhau các kết quả đánh giá sự phù hợp; Xây dựng các TCVN cho các SPHH chủ lực và các lĩnh vực liên quan, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu về số lượng TCVN được xây dựng và tỷ lệ TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức về NSCL; Nghiên cứu, tính toán, định kỳ công bố các chỉ tiêu năng suất ở các cấp độ nền kinh tế, ngành kinh tế, địa phương.

Kết quả đạt được của dự án “Thúc đẩy hoạt động NSCL”

+ 4.000 lượt người của các tổ chức, doanh nghiệp được phổ biến kiến thức về NSCL;

+ 26 chương trình truyền hình về NSCL, 28 chuyên đề phổ biến kiến thức về NSCL trên VTV2, các chuyên mục, sách, bản tin...

+ Biên soạn 15 chương trình, 30 bộ giáo trình đào tạo kiến thức cơ bản về NSCL;

+ Tổ chức hơn 110 khóa đào tạo cho hơn 5.000 học viên;

+ Tổ chức 15 khóa đào tạo giảng viên NSCL cho 450 lượt cán bộ trở thành giảng viên;

+ Đào tạo nhiều chuyên gia tư vấn trình độ quốc tế;

+ 778 doanh nghiệp hoàn thành xây dựng, áp dụng các HTQL, mô hình, công cụ cải tiến NSCL;

+ 419 doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng áp dụng các HTQL;

+ 359 doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến NSCL tiên tiến.

(Nguồn: Báo cáo Tổng kết thập niên chất lượng lần thứ hai – Bộ KHCN)

Hoàng Minh

lên đầu trang