Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 08:33

Thứ sáu, 29/03/2024 | 08:33

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 22:58 ngày 25/04/2021

Loại bỏ lãng phí, nâng cao chất lượng sản phẩm nhờ áp dụng hệ thống quản lý tích hợp

Cách tiếp cận các giải pháp hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên phương thức áp dụng lần lượt từng giải pháp đơn lẻ.
Giải pháp hợp nhất các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng thành “mô hình quản lý tích hợp” đã giúp phát huy sức mạnh tổng hợp, giảm lãng phí về nguồn lực khi phải đương đầu với sự thiếu thống nhất ở nhiều vị trí công việc khiến nhân viên không biết phải tuân thủ theo quy trình hệ thống hoặc công cụ cải tiến nào.
Mô hình tích hợp không giới hạn các hệ thống quản lý, công cụ mà doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn áp dụng: Có thể đưa ra một mô hình tích hợp gồm 2, 3 hoặc nhiều hệ thống, công cụ được áp dụng cùng một lúc. Mọi nỗ lực của doanh nghiệp đều hướng tới việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, thỏa mãn khách hàng cả nội bộ lẫn bên ngoài và toàn doanh nghiệp sẽ hoạt động trong một thể thống nhất.
Nhiệm vụ “Nhân rộng áp dụng hệ thống quản lý tích hợp, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Miền Trung” được Viện Năng suất Việt Nam triển khai thực hiện từ năm 2017 trên cơ sở kế thừa, tiếp nối và đúc rút kinh nghiệm thực tiễn từ nhiệm vụ “Áp dụng tích hợp Hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng phù hợp với các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Miền Trung”.
Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh thông qua áp dụng hệ thống quản lý tích hợp, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, nhiệm vụ đã triển khai nhân rộng tại 20 doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực miền Trung và miền Bắc.
Các doanh nghiệp được đào tạo, hướng dẫn áp dụng mô hình hệ thống quản lý tích hợp và công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Doanh nghiệp áp dụng tích hợp hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 với 01 hệ thống quản lý khác như ISO 22000, ISO 14001, ISO 27001… và áp dụng 01 công cụ cải tiến năng suất chất lượng như 5S, 7 công cụ kiểm soát chất lượng, 5S, TWI, TPM, Lean, KPI… phù hợp với đặc điểm và điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp.
Để triển khai nhân rộng mô hình tích hợp tại doanh nghiệp Việt Nam, điều đầu tiên cần xem xét đó là lựa chọn cách tiếp cận đối với từng doanh nghiệp. Để làm được điều này đòi hỏi nhóm triển khai cần có quá trình khảo sát để nắm bản chất hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp, xác định đúng thách thức và khó khăn của doanh nghiệp và trao đổi trực tiếp với những vị trí quan trọng ảnh hưởng chính tới các hoạt động của doanh nghiệp.
Tại giai đoạn đầu triển khai, thông thường doanh nghiệp có tâm lý ngại thay đổi hoặc còn e ngại, chưa thực sự tin tưởng mô hình tích hợp. Nên để có bằng chứng thuyết phục trong nội bộ doanh nghiệp và giảm thiểu rủi ro, các dự án nên lựa chọn và bắt đầu với các mô hình tích hợp thực sự cần thiết và đáp ưng đúng nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp.
Đặc biệt mô hình phải bao gồm các công cụ cải tiến thiết thực – có kết quả và hiệu quả rõ ràng nhanh chóng, tạo được năng lực cạnh tranh như: tăng năng suất, tăng chất lượng, đảm bảo thời gian cung cấp, giảm lãng phí,… Có thể tích hợp nhiều hệ thống quản lý và công cụ cùng lúc nếu doanh nghiệp có nhu cầu. Tuy nhiên, thời gian của dự án cần nhiều hơn, cũng như nguồn lực dành cho dự án cũng nhiều hơn, chia thành nhiều giai đoạn để triển khai.
Cách thức triển khai: Triển khai từ cơ bản tới nâng cao, từ đơn giản tới phức tạp. Đối với các dự án lớn, phức tạp nhóm dự án nên chia thành nhiều giai đoạn để triển khai. Mỗi giai đoạn từ 4-6 tháng. Việc giám sát và đánh giá định kỳ dự án cải tiến của lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan quản lý dự án là rất cần thiết.
Đến các giai đoạn cần thiết của dự án như giai đoạn xác định danh mục dự án cải tiến, phạm vi thực hiện, giai đoạn lựa chọn giải pháp cải tiến… cần có sự tham gia và đánh giá của lãnh đạo doanh nghiệp. Kiểm tra định kỳ của cơ quan thực hiện và quản lý nhiệm vụ để nắm được tình hình và có những hỗ trợ kịp thời.
Nói về kinh nghiệm của Công ty TNHH Đồ hộp Khánh Hòa (KHANTOCO), Tổng Giám đốc Công ty xác định, việc áp dụng hệ thống tích hợp quản lý chất lượng ISO9001:2015 và ISO 22000; hệ thống quản lý riêng theo yêu cầu của khách hàng giúp công ty thực hiện công tác quản trị, nhân sự hiệu quả hơn, đặc biệt trong bối cảnh công ty bị hạn chế về nguồn nhân lực. Đồng thời, việc áp dụng công cụ cải tiến năng suất, chất lượng Kaizen –5S giúp cho môi trường làm việc sạch hơn, tạo thuận lợi rất lớn khi thực hiện các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, Công ty được khách hàng đánh giá rất cao.
Chia sẻ từ lãnh đạo Công ty may Phù Cát cho rằng, áp dụng tích hợp các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng như ISO 9001, SA8000, quản lý trực quan, 5S... nhằm loại bỏ các lãng phí, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng của khách hàng. Loại bỏ lãng phí và cải tiến liên tục cũng là trọng tâm được doanh nghiệp triển khai; các công cụ quản lý và cải tiến khác cũng được đưa vào áp dụng.
Trong quá trình đưa các hệ thống quản lý, công cụ vào áp dụng, các doanh nghiệp đều gặp không ít khó khăn, thậm chí là thất bại do việc thực hiện mới chỉ tạo được phòng trào, chưa trở thành động lực của người lao động. Chỉ khi nào người lao động nghĩ rằng việc triển khai hệ thống quản lý, công cụ cải tiến là việc của chính họ, cho chính họ thì mới có thể thúc đẩy họ nỗ lực hết mình. Khi đó, năng lực và quyết tâm của lãnh đạo cùng với nỗ lực tham gia của mọi người là yếu tố quyết định thành công trong các chương trình cải tiến.
Ths. Cao Hoàng Long - Viện Năng suất Việt Nam [Nguồn: VietQ.vn]
lên đầu trang