Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 30/04/2024 | 20:33

Thứ ba, 30/04/2024 | 20:33

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 10:34 ngày 25/05/2021

Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng: Nối dài hiệu quả bảo vệ môi trường khu vực sản xuất

Xác định bảo vệ môi trường là hoạt động đặc biệt quan trọng giúp hoạt động sản xuất kinh doanh các nhà máy nhiệt điện được bền vững, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng đã và đang nối dài hiệu quả bảo vệ môi trường mà Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 nỗ lực đạt được trước đó.
Dù mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng được coi là một trong những điển hình về công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy nhiệt điện than. Nhiều giải pháp thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn đã được triển khai, giúp bảo vệ hiệu quả môi trường sản xuất xung quanh nhà máy.
Đoàn đại biểu Quốc hội và Bộ Tài nguyên - Môi trường đến làm việc tại nhà máy
Cụ thể, tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, các loại nước thải phát sinh bao gồm nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất và nước thải làm mát. Nước thải sản xuất tiếp tục được phân chia thành nước thải thường xuyên, nước thải không thường xuyên, nước thải nhiễm dầu và nước thải nhiễm than.
Theo đó, nước thải sinh hoạt động thu gom về bệ tự hoại trước khi dẫn về xử lý tại hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt chung. Nước thải sinh hoạt sau khi được xử lý sẽ bơm về bể trung hòa pH cuối cùng trong hệ thống xử lý nước thải nhiễm hóa chất.
Với nước thải sản xuất, nước thải thường xuyên (gồm nước thải từ hệ thống lọc nước biển, nước thải nhiễm hóa chất từ hệ thống khử khoáng, phòng thí nghiệm, khu định lượng hóa chất… Trong đó, nước thải từ hệ thống lọc nước biển chỉ có hàm lượng muối cao, các thông số khác cơ bản không thay đổi so với nguồn nước biển đầu vào nên không cần xử lý, được dẫn ra bể xả, hòa cùng nước làm mát xả ra biển. Riêng nước thải nhiễm hóa chất sẽ được dẫn về bể chứa nước thải thường xuyên và xử lý tại hệ thống xử lý nước thải nhiễm hóa chất.
Ban Lãnh đạo nhà máy cùng chính quyền địa phương phát động lễ trồng cây tại nhà máy
Đối với nước thải không thường xuyên (nước thải nhiễm hóa chất phát sinh từ hoạt động vệ sinh, bảo dưỡng, làm sạch các thiết bị chính tại nhà máy), được đưa về bể chứa nước thải không thường xuyên và xử lý tại hệ thống nước thải tập trung.
Riêng nước thải nhiễm dầu sẽ được thu gom vào hố thu tại từng khu vực, rồi dẫn bơm về bể chứa nước thải dầu. Dầu sau khi phân ly sẽ được chuyển về bể chứa váng dầu và được bơm về bồn chứa dầu nặng. Nước sau khi phân ly sẽ được chuyển về bể nước thải dầu được xử lý tiếp, sau đó bơm về bể chứa nước thải thường xuyên và xử lý tại hệ thống xử lý nước thải nhiễm hóa chất. Nước thải nhiễm than được thu gom về các hố thu và bơm về bể lắng đặt tại khu vực kho than có thể tích 2.600m3. Nước sau khi lắng được đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Để xử lý nước thải phát sinh trong nhà máy, bảo đảm chất lượng nước thải ra môi trường, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng đã thiết kế, xây dựng, lắp đặt các hệ thống xử lý nước thải với công nghệ tiên tiến. Chất lượng nước thải của nhà máy trước khi xả vào nguồn nước tiếp nhận đạt quy chuẩn quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT.
Song song với việc đảm bảo xử lý nước thải, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng đã xây dựng và vận hành liên tục, ổn định các hạng mục công trình bảo vệ môi trường đối với khí thải và chất lượng không khí xung quanh như hệ thống tránh phát tán bụi tại kho than; Hệ thống giảm bụi tại băng tải, tháp chuyển tiếp than và khu vực bunker chứa than; Hệ thống giảm bụi tại silo tro bay; hệ thống giảm bụi tại bãi xỉ; Hệ thống vòi đốt giảm NOx; Hệ thống khử NOx có chất xúc tác (SCR); Hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP); Hệ thống khử SOx bằng nước biển.
Đặc biệt, Nhà máy đã thực hiện quan trắc định kỳ khí thải với tần suất 4 lần/năm. Kết quả quan trắc môi trường khí thải được đối chiếu với QCVN 19:2009/BTNMT - Quy chuẩn quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ và QCVN 22:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện. Kết quả, trong năm 2020, các thông số luôn nằm trong giới hạn cho phép.
Về chất thải rắn, các chất thải rắn sinh hoạt của phân xưởng, văn phòng, cũng như bao bì ni lông, giất vụn các loại, vỏ hộp, các mảnh thức ăn thừa, vỏ củ quả, rau… được thu gom vào các thùng chứa rác, hợp đồng với Hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường Vĩnh Tân để thu gom. Riêng tro xỉ được giao cho đơn vị có nhu cầu tiêu thụ sử dụng làm phụ gia xây dựng, phần còn lại chưa được tiêu thụ sẽ được vận chuyển ra bãi xỉ để chôn lấp.
Ngoài ra, nguồn chất thải nguy hại phát sinh tại nhà máy đã được thu gom, phân loại và lưu giữ theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chất thải nguy hại phát sinh được tập kết tại khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại và hợp đồng với Chi nhánh Công ty TNHH Môi trường Tươi Sáng cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài Nguyên Môi Trường và tỉnh Bình Thuận, Nhà máy đã lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động, liên tục trước khi thải ra môi trường và truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận để giám sát. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng đã kiểm soát tốt công tác bảo vệ môi trường, chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo môi trường lâu dài cho nhà máy nhiệt điện than, hướng tới tương lai phát triển ổn định, bền vững tại khu vực này.
Có thể nói, công tác an toàn môi trường được lãnh đạo Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 coi trọng hàng đầu nên đã áp dụng các công nghệ hiện đại bậc nhất. Không chỉ vậy, ý thức của từng CBCNV-LĐ cũng được đào tạo, hướng dẫn bài bản nên đều đi đến sự thống nhất cao trong việc triển khai thực hiện các giải pháp và đã mang lại sự an toàn – sạch đẹp – đảm bảo mọi quy định về xử lý chất thải môi trường.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang