Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 05:35

Thứ hai, 29/04/2024 | 05:35

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 13:57 ngày 16/08/2021

Tiền Giang: Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Trong thời gian qua, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể xác định mục tiêu, đối tượng trọng điểm để triển khai thực hiện các mặt công tác nắm tình hình, tuyên truyền, phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, việc quán triệt Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới cho các cấp lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh đã giúp cho người thực thi công tác quản lý ATTP hiểu rõ được trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ.

Cơ quan chức năng kiểm tra công tác bảo đảm thực phẩm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
Các văn bản hướng dẫn được ban hành tương đối đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động. Các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai kịp thời trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời, có sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh có liên quan, nhất là vai trò của 03 ngành thường trực (Y tế - Nông nghiệp - Công Thương) trong công tác thanh, kiểm tra từ tỉnh đến cơ sở. Ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh ATTP của các cơ sở cũng ngày càng được nâng lên.
Trong đó, riêng quý II/2021, Sở Y tế tỉnh đã tiếp nhận 170 hồ sơ tự công bố sản phẩm; cấp 55 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Sở đã tổ chức 01 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và 01 đoàn hậu kiểm của tuyến tỉnh; 11 đoàn của phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố và 172 đoàn kiểm tra của tuyến xã. Qua đó, kiểm tra 4.131 cơ sở bao gồm: Các cơ sở dịch vụ ăn uống, sản xuất, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, có 4.054 cơ sở đạt vệ sinh, tỷ lệ 98,13%.
Sở Y tế còn thực hiện 359 bài viết và bản tin tuyên truyền về ATTP trên Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố với 1.548 lượt; tổ chức 144 buổi nói chuyện về ATTP với 3.643 người dự; trang bị 284 băng rôn, 88 phướn tuyên truyền về ATTP trong Tháng hành động vì ATTP năm 2021 trong toàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thẩm định, xếp loại điều kiện ATTP cho 149 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; cấp, cấp lại 85 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; thành lập 02 đoàn thanh tra, kiểm tra 16 cơ sở, lấy 15 mẫu sản phẩm nông, thủy sản để giám sát, kiểm tra chất lượng, ATTP; xử lý 05 trường hợp vi phạm do kinh doanh phân bón có chất lượng không phù hợp với công bố áp dụng. Ngoài ra, tích cực tham gia phối hợp với các đoàn kiểm tra của Cục Quản lý thị trường, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường.
Trong quý II/2021, Sở cũng đã cấp 01 giấy xác nhận sản phẩm theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, lũy kế tính đến nay, đã cấp 63 giấy xác nhận sản phẩm theo chuỗi. Đặc biệt, đã chứng nhận GAP (thực hành nông nghiệp tốt) cho 3.204,46 ha lĩnh vực trồng trọt; 874.620 con lĩnh vực chăn nuôi và 67,264 ha lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Sở còn cấp phát 4.599 quyển sổ tay kỹ thuật, 200 quyển tài liệu khuyến nông về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, 01 bản tin khuyến nông, 06 cuộc hội thảo.
Về phía Sở Công Thương đã thẩm định 05 hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho đối tượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định; thanh tra 04 cơ sở kinh doanh rượu thuộc, 07 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh. Kết quả, qua kiểm tra, không phát hiện vi phạm .
Ngoài ra, Đoàn giám sát Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành giám sát an toàn thực phẩm tại 13 chợ trên địa bàn tỉnh, với 29 cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các chợ này, thực hiện test nhanh hàn the và formol đối với 66 mẫu thực phẩm. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về chất lượng ATTP, Sở tuyên truyền trực tiếp, phổ biến rộng rãi đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, hội viên và người dân trên địa bàn nắm rõ và thực hiện tốt các quy định pháp luật, kiến thức pháp luật về ATTP.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Mười, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn hiện cũng gặp một số khó khăn, hạn chế, đó là, đa số cơ sở ở dạng thủ công, nhỏ lẻ, hoạt động mang tính thời vụ nên chất lượng ATTP chưa ổn định. Năm 2021, địa phương không còn được Trung ương hỗ trợ kinh phí cho công tác đảm bảo ATTP từ Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế - Dân số. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm ATTP là hoạt động đặc thù, nội dung công việc đa dạng, nhưng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chỉ quy định đối với những công việc chung, gây khó khăn trong việc triển khai công tác bảo đảm ATTP đối với các hoạt động thanh kiểm tra, tuyên truyền...
Trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống; tuyên truyền bằng nhiều hình thức tổ chức hội thảo, tập huấn cho cơ sở…; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về ATTP và công khai các cơ sở vi phạm này trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện các chương trình giám sát ATTP, truy xuất nguồn gốc.
Tỉnh cũng tiếp tục tuyên truyền sản phẩm chuỗi, các cơ sở tham gia Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” nhằm khuyến khích tiêu dùng sản phẩm chuỗi thực phẩm an toàn; tiếp tục phối hợp các tỉnh ký kết quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn cho các cơ sở trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Tăng cường giám sát chất lượng các cơ sở đã được chứng nhận vào chuỗi, thẩm định điều kiện ATTP, lấy mẫu giám sát chất lượng các sản phẩm tham gia chuỗi.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang