Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 20:13

Thứ sáu, 26/04/2024 | 20:13

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:58 ngày 23/09/2021

02 công trình trong lĩnh vực Công Thương được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021

Nhằm tôn vinh, cổ vũ, khơi dậy tinh thần yêu nước, sức sáng tạo của người Việt Nam, góp phần hình thành văn hóa sáng tạo của người Việt Nam thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng vào dịp kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,  Ban Chỉ đạo tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam đã lựa chọn ra 76 công trình, giải pháp tiêu biểu vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021 từ 151 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ do các bộ, ngành, tỉnh, thành phố giới thiệu và đề nghị, trong đó Bộ Công Thương có 02 công trình được lựa chọn và giới thiệu là công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị cho nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp xanh (gọi tắt là hệ thống thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp xanh)” và công trình “Nghiên cứu tách chiết peptit mạch ngắn có hoạt tính sinh học để sản xuất thực phẩm chức năng dùng cho bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt”.

 
Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021. Ảnh: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
76 công trình được giới thiệu tại Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam 2021
Hưởng ứng Phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động và triển khai ở địa phương, cơ sở, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một số bộ, ngành và thành viên của Mặt trận, tổ chức tuyển chọn, công bố, vinh danh các công trình, giải pháp khoa học - công nghệ tiêu biểu trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam.
Kể từ lần đầu tiên tổ chức vào năm 2016 đến nay, công tác tuyển chọn, biên tập và công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam được triển khai ngày càng bài bản, khoa học, chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan và thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương trong cả nước.
Các công trình được ghi nhận và vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực được Đảng, Nhà nước tập trung ưu tiên phát triển như: cơ khí tự động hóa, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh… Những công trình, giải pháp được lựa chọn chính là một lần nữa khẳng định năng lực sáng tạo mạnh mẽ của người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Qua 5 năm triển khai, từ năm 2016 đến 2020, Ban Chỉ đạo tuyến chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam đã tổ chức tuyển chọn, công bố 365/772 công trình, giải pháp khoa học công nghệ gửi về Ban Chỉ đạo để công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam (năm 2016 là 71 công trình; năm 2017 là 72 công trình; năm 2018 là 73 công trình; năm 2019 là 74 công trình; 2020 là 75 công trình và vinh danh 05 công trình phòng chống dịch bệnh Covid - 19). Số công trình được tuyển chọn, công bố hằng năm bằng với số năm kỷ niệm Quốc khánh. Lễ công bố hằng năm là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9).
Trong năm 2021, Ban Chỉ đạo tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam đã nhận được 151 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ do các bộ, ngành, tỉnh, thành phố giới thiệu và đề nghị; trong đó: có 55 công trình, giải pháp khoa học và công nghệ do 11 bộ, ngành, tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu gồm: Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Ngoại giao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam và Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam.
Với ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 76 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2021), Ban Chỉ đạo tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành Sách vàng Sáng tạo Việt Nam quyết định lựa chọn 76 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ được Hội đồng tuyển chọn từ 151 công trình, giải pháp do các bộ, ban, ngành, các tổ chức thành viên của Mặt trận ở Trung ương; các tỉnh, thành phố giới thiệu để công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021.
Lĩnh vực Công Thương có 2 công trình được vinh danh và giới thiệu
Sau thời gian rà soát, sàng lọc các công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phù hợp với tiêu chí tuyển chọn do các đơn vị đề xuất, Bộ Công Thương đã lựa chọn, giới thiệu 02 công trình sáng tạo khoa học và công nghệ để công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021, gồm: (1) Công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị cho nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp xanh (gọi tắt là hệ thống thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp xanh)” do PGS.TS. Nguyễn Đình Tùng và các cộng sự thực hiện, Công trình đã giải Ba Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2020; (2) Công trình “Nghiên cứu tách chiết peptit mạch ngắn có hoạt tính sinh học để sản xuất thực phẩm chức năng dùng cho bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt” do TS. Phạm Kiên Cường và các cộng sự thực hiện, Công trình đã đạt giải Ba giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2020.
Đây là tín hiệu vui cho đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ nói chung và những cá nhân có công trình được công bố, từ đó góp phần tôn vinh, cổ vũ, khơi dậy tinh thần yêu nước, sức sáng tạo của người Việt Nam, góp phần hình thành văn hóa sáng tạo của người Việt Nam thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công trình “Hệ thống thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp xanh” của PGS.TS. Nguyễn Đình Tùng và cộng sự đã đã được ứng dụng vào sản xuất để xử lý rác thải sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua việc nâng cao chất lượng và đặc biệt là từ tiết kiệm nhân lực và năng lượng đạt được. Cụ thể, hệ thống dây chuyền đã ứng dụng vào sản xuất ở Công ty Cổ phần Môi trường đô thị tỉnh Lào cai với quy mô 5-10 tấn/h cho thấy, chất lượng của dây chuyền thiết bị đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra, dây chuyền hoạt động ổn định, chất lượng sản phẩm sau xử lý đạt kết quả tốt, minh chứng chất lượng của dây chuyền thông qua hoạt động tốt qua nhiều năm nay được thị trường chấp nhận. Kết quả này đã đạt được hiệu quả về tiết kiệm nhân lực, năng lượng so với các dây chuyền tương đương trong và ngoài nước, điều đó góp phần vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.

 
Xưởng phân loại và xử lý sơ bộ của hệ thống
Hệ thống dây chuyền thiết bị có rất nhiều ưu điểm nổi trội, có nhiều tính mới, tính khoa học so với mẫu máy trong nước cũng như trên thế giới, đặc biệt hệ thống được nghiên cứu và chế tạo trong nước tại Viện RIAM 100% (nội địa hóa 100%) không cần nhập khẩu, góp phần nâng cao khả năng chế tạo trong nước. Bởi vì nhiều máy móc, thiết bị chính trong hệ thống dây chuyền đồng bộ này đã được “TÍCH HỢP” nhiều “ƯU ĐIỂM” từ nhiều máy của nhiều nước phát triển trên Thế giới có công nghệ hiện đại (CHLB Đức, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Hàn Quốc,…), đặc biệt rất phù hợp với điều kiện ứng dụng ở Việt Nam, điều này được minh chứng thông qua việc Viện RIAM đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi trên phạm vi Toàn Quốc cho tất cả các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước có thể tham gia dự thầu, kết quả Viện RIAM đã trúng thầu bởi vì đã đáp ứng được yêu cầu về tính khoa học, tính kỹ thuật hợp lý, hiệu quả phân ly, xử lý và giá thành thấp. Mặt khác, khi sử dụng thiết bị xử lý đồng bộ, liên hoàn còn góp phần bảo vệ môi trường do có thể sử dụng nguồn hữu cơ từ rác thải sinh hoạt sau khi phân ly, tách ra được để sản xuất thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao.
Hệ thống góp phần thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp “xanh”, bền vững ngày một phát triển hơn ở Việt Nam trong tương lai.
Công trình “Nghiên cứu tách chiết peptit mạch ngắn có hoạt tính sinh học để sản xuất thực phẩm chức năng dùng cho bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt” của TS. Phạm Kiên Cường và cộng sự được nghiên cứu trên cơ sở phân tích đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của bộ đội khi tác chiến trong điều kiện đặc biệt, các giá trị dinh dưỡng của peptit mạch ngắn có hoạt tính sinh học cũng như phát hiện ra nguồn phụ phẩm chế biến cá hồi để tạo các sản phẩm thục phẩm chức năng có giá trị dinh dưỡng cao đáp ứng được yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội cân đối về thành phần dinh dưỡng, chất lượng và kiểu dáng bao gói, mang đeo. Công trình đã thiết lập công bố thực phẩm chức năng KPAP bổ sung peptit có hoạt tính chống oxy hóa, tăng cường liên kết canxi cùng với cơ cấu dinh dưỡng thích hợp, đảm bảo năng lượng trong 1 ngày cho các hoạt động huấn luyện, diễn tập, chiến đấu của các lực lượng bộ đội hoạt động trong điều kiện đặc biệt. Lần đầu tiên tại Việt Nam đã xây dựng thành công quy trình công nghệ và sản xuất được các loại 3 thực phẩm chức năng dạng: thanh nén, tuyp gel nước và dạng viên nang có chứa peptit mạch ngắn có hoạt tính sinh học (chống oxi hóa, giảm căng thẳng, tăng cường khả năng miễn dịch, khả năng liên kết canxi, sắt ...) để phục hồi và nâng cao sức khỏe cho bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt. Các sản phẩm được đóng gói gọn nhẹ đảm bảo thuận tiện cho việc vận chuyển và sử dụng trong mọi hoàn cảnh.

  
Bộ sản phẩm KPAP
Sản phẩm được sản xuất theo công nghệ thực phẩm chức năng là khẩu phần thay thế bữa ăn cho bộ đội hoạt động trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn như đặc công trong trinh sát và mật phục, bộ đội Hải quân hoạt động xa căn cứ dài ngày trên biển, lực lượng tàu trực, tàu chiến và lực lượng cứu hộ trên biển. Đồng thời sản phẩm cũng có thể sử dụng là thức ăn khô dự trữ, thức ăn cứu sinh hoặc chuyển thành dạng sệt trong cấp cứu và chăm sóc thương bệnh binh trong điều kiện dã chiến.
Kết quả công trình sẽ góp phần tiếp tục phát triển và mở rộng ứng dụng các thành tựu của ngành công nghệ mới: Công nghệ thực phẩm chức năng để tạo ra sản phẩm thay thế khẩu phần ăn dã chiến phục vụ cho các quân binh chủng đặc thù của quân đội.
Dương Xuân Diêu - Vụ Khoa học và Công nghệ

lên đầu trang