Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 09/05/2024 | 04:07

Thứ năm, 09/05/2024 | 04:07

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 21:36 ngày 27/10/2021

6 nhiệm vụ trọng tâm của Đại học Công nghiệp Hà Nội

Tiếp tục thực hiện đổi mới, nâng cao năng lực quản trị đại học, hướng tới quản trị Đại học 4.0 là một trong sáu nhiệm vụ mà Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội quyết tâm thực hiện tốt trong năm học 2021 – 2022.
Đột phá về chất lượng đào tạo
Năm học 2020 – 2021 đã kết thúc. Mặc dù bị ảnh hưởng không hề nhỏ bởi đại dịch Covid-19 nhưng Đại học Công nghiệp Hà Nội vẫn ghi nhận nhiều thành tích đáng tự hào, khẳng định vị trí là một trong những trường đại học hàng đầu có số lượng thí sinh dự tuyển cao nhất cả nước. Minh chứng là năm 2020, Nhà trường ghi nhận 107 nghìn nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển. Sang đến năm 2021, con số này đã tăng lên tới 145 nghìn nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường. Con số ấn tượng này phần nào đã thể hiện “sức hút” của Nhà trường, khẳng định vị thế, danh tiếng của Nhà trường, tạo niềm tin cho người học và xã hội.
Hoạt động nghiên cứu khoa học trong cán bộ, giảng viên, sinh viên cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong những năm gần đây, số lượng và quy mô các đề tài nghiên cứu khoa học của Nhà trường ngày càng tăng, năm sau hơn năm trước từ 20-30%, đặc biệt là đề tài, dự án cấp bộ, tỉnh và cấp nhà nước. Hàng năm có từ 15-20 đề tài, dự án cấp bộ/tỉnh và nhà nước. Nhiều đề tài, dự án có tính ứng dụng thực tế cao.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh trống khai giảng năm học 2021 - 2022 tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. 
Số lượng các bài báo/công trình khoa học tăng nhanh, đặc biệt là công bố quốc tế. Năm 2020, cán bộ, giảng viên Nhà trường công bố trên 847 bài báo, trong đó có 264 bài báo quốc tế, 150 bài báo ISI/ Scopus, 553 bài  đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước.
Trong khi đó, chất lượng đào tạo của Nhà trường cũng tạo được sự chuyển biến đột phá. Theo đó, Nhà trường chú trọng đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại từ giảng đường, phòng thí nghiệm, thực hành chó đến các trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng tiếp tục phát triển chương trình đào tạo theo chuẩn CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate: Hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành), xây dựng một số chương trình theo chuẩn ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology - Tổ chức Kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ Hoa Kỳ); thực hiện bài giảng điện tử để phục vụ đào tạo kết hợp; giảng dạy bằng Tiếng Anh một số học phần chuyên môn.
6 nhiệm vụ trọng tâm
Theo PGS.TS Trần Đức Quý – Hiệu trưởng Nhà trường, định hướng đến năm 2025, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ trở thành “Đại học Công nghiệp Hà Nội”, gồm 03 - 05 trường thuộc/trực thuộc.
Để đạt được mục tiêu đổi mới quản trị đại học hướng tới xây dựng mô hình đại học thông minh, ngay từ năm học này, Nhà trường quyết tâm thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: (1) Tiếp tục thực hiện đổi mới, nâng cao năng lực quản trị đại học, hướng tới quản trị Đại học 4.0; (2) Tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế CDIO, hoàn thiện để đánh giá 05 chương trình đào tạo kiểm định theo tiêu chuẩn ABET; (3) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thúc đẩy công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng chuyển giao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, gắn với đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm và đào tạo sau đại học; (4) Tất cả các quá trình quản lý của các lĩnh vực đều được kiểm soát và đánh giá, kiểm định theo các tiêu chí cụ thể và phải đạt chuẩn (5) Kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo; rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nội bộ và áp dụng các quy định của pháp luật về tự chủ đại học, phát huy dân chủ và nâng cao năng lực quản trị nhà trường. (6) Triển khai thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho sinh viên; cung cấp, trau dồi các kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kinh tế số cho sinh viên.
PGS.TS.Trần Đức Quý - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp HN phát biểu tại Hội nghị viên chức, người lao động, tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 được tổ chức ngày 23/10/2021. 
Năm học 2021- 2022 đã bắt đầu tại khắp các trường đại học trên cả nước. Đây vẫn là một năm học đặc biệt với sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội nói riêng cũng như sinh viên thành phố Hà Nội nói chung khi công tác dạy và học vẫn tiếp tục được triển khai theo hình thức trực tuyến. Khó khăn và thách thức chắc chắn sẽ vẫn hiện hữu. PGS.TS Trần Đức Qúy – Hiệu trưởng Nhà trường tin rằng, cả thầy và trò nhà trường sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, biến khó khăn thành thời cơ để đổi mới, để sáng tạo; quyết tâm phát triển Đại học Công nghiệp Hà Nội trở thành một trong những cơ sở đào tạo vững mạnh, chất lượng hàng đầu cả nước.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đào tạo 41 chương trình đại học, 11 chương trình thạc sĩ, 3 chương trình tiến sĩ. Quy mô đào tạo giữ ổn định từ 30.000 – 32.000 sinh viên. Năm 2021 có 142.000 nguyện vọng thí sinh đăng ký vào trường.
Các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, ngành/nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội,  đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thời kỳ Công nghiệp 4.0.
Nhà trường đã tổ chức thành công các hoạt động đánh giá kết quả học tập theo phương thức trực tuyến trên 02 hệ thống cho hơn 3.600 lớp học phần, tương ứng với hơn 180.000 lượt sinh viên (tỷ lệ dự thi thành công đạt 97%), đảm bảo kế hoạch đào tạo và thời gian tốt nghiệp của sinh viên. 
Bích Phương

lên đầu trang