Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 07:39

Chủ nhật, 28/04/2024 | 07:39

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:26 ngày 01/11/2021

Viện Nghiên cứu Da giầy hoàn thiện mô hình công nghệ xử lý nước thải chuyên dụng tại Bắc Ninh

Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu Da giầy (LSI) hệ thống xử lý nước thải chuyên dụng có công suất 40 m3/ngày đêm được lắp đặt tại Khu công nghiệp Từ Sơn (Bắc Ninh). Đây là dự án phát triển từ thành công của mô hình pilot do Viện LSI thực hiện, kinh phí hỗ trợ từ nguồn của Bộ Công Thương. 
Thuộc da là ngành đang phải đối mặt với nhiều thử thách về môi trường. Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Da giầy (LSI), xử lý nước thải, chất thải trong lĩnh vực thuộc da tương đối phức tạp, trong khi đó các tiêu chuẩn ngày càng đòi hỏi rất khắt khe. Để có một hệ thống xử lý hoàn chỉnh cho một cơ sở thuộc da cần vốn đầu tư cao. 
Dẫn chứng, ông Nguyễn Chí Thanh cho biết đôi khi chi phí xây dựng một hệ thống xử lý nước thải hoàn thiện cho lĩnh vực này còn cao hơn đầu tư cho một nhà máy mới. Trong khi đó, phần đông doanh nghiệp (DN) nội địa hoạt động trong lĩnh vực này ở quy mô vừa và nhỏ. Nhiều DN đi lên từ các cơ sở sản xuất gia đình. Do đó còn nhiều hạn chế về vốn và kỹ thuật sản xuất chứ chưa nói đến vấn đề xử lý nước thải. Đây là điểm yếu chung đang tồn tại ở đa số DN da giầy nội địa. 
Trước thực tế này, Viện LSI đã tìm kiếm nhiều giải pháp nhằm ứng dụng các công nghệ sạch trong sản xuất và xử lý nước thải thuộc da vào hoàn cảnh cụ thể tại Việt Nam. Trong quá trình đó, Viện đã phát triển mô hình pilot nghiên cứu thử nghiệm công nghệ xử lý nước thải công suất 0,5 m3 nước thải/giờ; nước thải sau xử lý đạt các tiêu chuẩn theo quy định về nước thải công nghiệp. 
Tiếp nối thành công trên, năm 2019, Viện LSI tiếp tục hoàn thiện mô hình trên quy mô công nghiệp. Dự án được thực hiện với kinh phí hỗ trợ từ nguồn của Bộ Công Thương. Hiện đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến nghiệm thu và chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2021. 
Mô hình trạm xử lý nước thải chuyên dụng công suất 40m3/ngày. Ảnh: LSI. 
Được biết, hệ thống xử lý nước thải chuyên dụng cho sản xuất thuộc da và các sản phẩm nguồn gốc từ da đặt tại khu công nghiệp Từ Sơn (Bắc Ninh), có công suất 40 m3/ngày đêm. Nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường theo cột A QCVN 40:2011/BTNMT. 
Theo thông tin từ Viện LSI, do nhu cầu xử lý đặc thù của nước thải da thuộc, hệ thống được thiết kế để phân tách nước thải thành ba dòng độc lập khác nhau gồm: nước thải tẩy lông; nước thải thuộc crôm; nước thải nhuộm màu ăn dầu. Mỗi dòng được xử lý phương pháp hóa lý tương ứng. Nước thải sau xử lý hóa lý được gộp chung lại xử lý sinh học theo công nghệ UASB - thiếu khí - hiếu khí MBBR. 
Với dòng nước thải tẩy lông, chiếm tỷ trọng lớn tới 75% tổng lượng nước thải, được thu gom và trải qua công đoạn tách rác, lông, cặn hữu cơ kích thước lớn. Bể thu được lắp đặt bơm chìm, bơm nước tự động lên bể điều hòa để điều hòa lưu lượng, nồng độ các chất ô nhiễm. 
Dòng nước thải nhuộm crôm, nhuộm ăn dầu sẽ được tách riêng tại xưởng sản xuất và dẫn về bể thu gom - điều hòa tương ứng trước khi xử lý hóa lý để loại bỏ crôm, màu. Để xử lý nước thải chứa muối clorua và mùi, hệ thống được trang bị màng thẩm thấu ngược RO, đồng thời tích hợp tháp hấp thụ than hoạt tính. 
Các dòng nước thải sau khi được xử lý riêng biệt, sẽ được nhập chung về bể điều hòa để ổn định pH và lưu lượng dòng thải trước khi xả ra hệ thống nước thải chung của khu công nghiệp. Nước xả thải sau khi kiểm nghiệm đạt loại A QCVN 40:2011/BTNMT. Toàn bộ hệ thống được tự động hóa hoàn toàn, đảm bảo vận hành tối ưu và giảm thiểu nhân công. 
Phối cảnh hệ thống. Ảnh: LSI.
Các hệ thống phần cứng chính liên quan tới thu gom, xử lý nước thải bao gồm: hệ thống ống thu gom, xử lý; hệ thống bể xử lý theo từng chức năng và bể chứa tập trung. Các hệ thống ống, rãnh thu gom và bể xử lý được xây dựng theo tiêu chuẩn nhằm đảm bảo yêu cầu xử lý nước thải công nghiệp. Bể chứa tập trung được gia cố bằng vải địa kỹ thuật và phủ chống thấm HDPE. Ngoài ra, hệ thống điện cung cấp trạm xử lý này cũng được tích hợp năng lượng mặt trời từ các tấm pin lắp đặt trên mái công trình. 
Việc phát triển thành công hệ thống xử lý nước thải chuyên dụng cho lĩnh vực thuộc da với quy mô công nghiệp từ quy mô pilot là một bước đi thận trọng, đúng đắn của Viện LSI. Đồng thời, dự án mở ra cơ hội xử lý môi trường với chi phí phải chăng cho các cơ sở sản xuất trong nước, đặc biệt là các cơ sở vừa và nhỏ. Hiện Viện LSI đã sẵn sàng để hợp tác và tư vấn giải pháp cho các cơ sở sản xuất trong nước.  
Theo scp.gov.vn
lên đầu trang